Kinh nghiệm lái xe từ thực tế:
Nóng vội luồn lách để vượt, tài xế xe tải tự chuốc rắc rối
(Dân trí) - Không chỉ gây rắc rối, mất thêm thời gian cho chính bản thân, mà tài xế xe tải vượt ẩu còn gây ảnh hưởng tới các phương tiện khác.
Sự việc diễn ra trên Quốc lộ 5, đoạn qua Hải Dương và được camera hành trình của xe đầu kéo chạy phía sau ghi lại.
Theo đó, chiếc xe tải nhỏ đã lách qua nhiều xe container để vượt nhưng bị kẹt lại khi định lách qua đầu xe bồn, có lẽ do tính toán tốc độ và khoảng cách thiếu chính xác.
Trong tình huống này, có thể thấy tài xế xe tải nhỏ đã hoàn toàn sai khi cố lách lên để vượt dù không đủ điều kiện an toàn. Lẽ ra xe tải cần bật tín hiệu xin vượt và chờ xe bồn giảm tốc độ để nhường đường; khi nào thấy có đủ khoảng trống an toàn mới chuyển làn để vượt.
"Tài xế xe tải lái quá kém, hoặc quá ẩu! Chưa hết thân xe mà đã tạt sang thì va chạm là điều chắc chắn. Ngay từ đầu, với khe hẹp như vậy mà tài xế vẫn có ý định vượt thì thật sự khó hiểu. Tôi chạy xe con, có khả năng bứt tốc nhanh hơn xe tải, nhưng cũng chưa bao giờ dám lách lên với khoảng cách nhỏ như vậy. May mà ở làn bên phải các xe container đều chạy chậm chứ nếu chạy nhanh thì rất dễ đâm vào xe tải lao ra sau va chạm với xe bồn. Cũng may là xe tải không lao vào người đi xe máy nào ở bên phải", một người dùng mạng xã hội bình luận sau khi xem video.
"Xe tải sai thì rõ rồi, nhưng xe bồn không chạy nhanh được thì đừng bám làn trái như vậy, rất ức chế. Đó là làn cho các phương tiện nào muốn nhanh thì vượt lên. Đường có hai làn mà một bên thì container một bên xe bồn cứ chạy túc tắc như thế thì còn đường đâu cho xe khác đi", tài khoản Quốc Minh bình luận.
Sự việc trên là một bài học kinh nghiệm cho các tài xế khi di chuyển trên đường nói chung và trên đường cao tốc, quốc lộ nói riêng. Đèn xi-nhan không phải là tấm bùa hộ mệnh, cứ bật lên là mặc định các xe khác phải nhường đường và tài xế có thể chuyển làn, chuyển hướng bất chấp. Nó chỉ có ý nghĩa là tín hiệu thông báo hướng xe muốn di chuyển, tài xế cần chú ý quan sát trước sau và ước lượng khoảng trống đủ an toàn mới chuyển hướng, để cả hai bên có đủ thời gian xử lý trong trường hợp sự cố bất ngờ xảy ra.