Nhập khẩu ô tô chững lại, xe máy giảm mạnh
(Dân trí) - Sau một tháng tăng vọt, nhập khẩu ôtô nguyên chiếc các loại vào Việt Nam trong tháng 4 đã giảm nhẹ, trong khi lượng xe máy nhập tiếp tục lao dốc. Với quy định bổ sung của Bộ Công thương đối với hoạt động nhập khẩu, tới đây thị trường sẽ có biến động mạnh.
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, lượng xe máy nguyên chiếc nhập khẩu vào Việt Nam trong tháng 4/2011 đạt 3.207 chiếc, trị giá 4,6 triệu USD, giảm 44,8% về lượng nhưng chỉ 9,7% về giá trị so với tháng 3.
Về ô tô nhập khẩu nguyên chiếc, theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, lượng xe cập cảng Việt Nam trong tháng 4/2011 đạt 5.546 chiếc, tương đương kim ngạch 112,9 triệu USD, giảm 3,2% về lượng và 2,2% về giá trị so với một tháng trước đó.
Tuy nhiên, nếu tính chung 4 tháng đầu năm, nhập khẩu ô tô vào Việt Nam đã đạt 21.406 chiếc, trị giá gần 391,8 triệu USD, tăng tới 63,2% về lượng và 71,6% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Về nguồn gốc xuất xứ, theo thống kê của Tổng cục Hải quan, áp đảo thị trường ô tô nhập khẩu tại Việt Nam trong tháng 4 tiếp tục là xe từ Hàn Quốc, với 2.286 chiếc, tương đương giá trị 27,7 triệu USD, chiếm 41,2% thị phần.
Các vị trí tiếp theo trên thị trường xe nhập trong tháng 4 đã có sự thay đổi. Chiếm thị phần lớn thứ hai là xe từ Trung Quốc (673 xe), thứ ba là Nhật Bản (616 xe), thứ tư là Đài Loan (518 xe) và thứ năm là Thái Lan (380 xe).
Như vậy, tình trạng ngưng trệ sản xuất của ngành ô tô do thảm hoạ động đất và sóng thần tại Nhật Bản hồi đầu tháng 3 đã có tác động tới lượng xe xuất khẩu từ nước này. Tháng 3/2011, Nhật Bản còn là nguồn cung ô tô ngoại nhập lớn thứ hai cho thị trường Việt Nam, nhưng sang tháng 4, vị trí thứ hai đã thuộc về Trung Quốc.
Tình hình nhập khẩu ô tô nguyên chiếc về Việt Nam trong những tháng tới chắc chắn có thay đổi lớn, vì ngày 12/5 vừa qua, “nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và an toàn giao thông đường bộ”, Bộ Công thương đã ban hành Thông tư 20/2011/TT-BCT quy định bổ sung thủ tục nhập khẩu ô tô chở người loại từ 09 chỗ ngồi trở xuống, chưa qua sử dụng.
Theo đó, ngoài việc thực hiện các quy định hiện hành, đơn vị nhập khẩu ô tô phải nộp bổ sung những giấy tờ sau cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bao gồm: Giấy chỉ định hoặc Giấy ủy quyền là nhà nhập khẩu, nhà phân phối của chính hãng sản xuất, kinh doanh loại ô tô đó hoặc hợp đồng đại lý của chính hãng sản xuất; cùng với Giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô đủ điều kiện do Bộ Giao thông Vận tải cấp. Thông tư này sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 26/6/2011.
Đối với các doanh nghiệp nhập khẩu và phân phối ô tô độc lập hiện nay tại Việt Nam, hay còn gọi là salon nhập khẩu tự do, quy định bổ sung này của Bộ Công thương giống như một lệnh cấm, bởi họ không thể có được các loại giấy uỷ quyền nhập khẩu hay hợp đồng đại lý của chính hãng sản xuất. Loại giấy này đã được chính hãng sản xuất ở nước ngoài cấp cho các nhà nhập khẩu và phân phối chính thức như Toyota Việt Nam, Mercedes-Benz Việt Nam, hay Hyundai Thành Công...
Nếu muốn tiếp tục hoạt động, có lẽ các salon chỉ còn cách trở thành đại lý của các đơn vị có giấy nhập khẩu chính hãng.
Nhật Minh