Kinh nghiệm lái xe từ thực tế:
Người phụ nữ đi xe máy lao đầu vào xích lô chở gỗ cồng kềnh giữa đường
(Dân trí) - Đây là tình huống va chạm khá nguy hiểm, khi xe chở gỗ dài 3-4m đi nghênh ngang giữa đường gây cản trở giao thông, trong khi người đi xe máy thiếu tập trung quan sát.
Sự việc xảy ra hôm 26/3 trên đường Nguyễn Văn Linh (Hải Phòng), gây tranh luận đúng sai sôi nổi trên mạng xã hội.
Video cho thấy một chiếc xích lô chở gỗ dài 3-4m mà không che chắn hay có dấu hiệu gì để cảnh báo nguy hiểm ở hai đầu; xe lại đi giữa đường, nên rất dễ gây tai nạn. Trong khi đó, người phụ nữ đi xe máy đã có tích tắc thiếu tập trung quan sát, ngẩng lên thì đã chạm mặt với đầu các tấm gỗ trên xích lô.
Theo phản xạ, người phụ nữ đã nghiêng đầu sang một bên để tránh, vô tình khiến người ngồi phía sau bị các tấm gỗ đâm trực diện.
Trong rủi vẫn có may, cả hai người đều đội mũ bảo hiểm và xe máy cũng đang di chuyển chậm, nên có vẻ như tai nạn không để lại hậu quả gì nghiêm trọng. Tuy nhiên, tình huống này đã gây tranh cãi về việc lỗi thuộc về bên nào.
"Người đi xe máy thiếu quan sát nên mới gặp tai nạn, nhưng về luật pháp là không sai. Xích lô chở hàng cồng kềnh mới sai", tài khoản có tên Lâm Phong nhận xét sau khi xem clip được đăng tải trên mạng xã hội.
"Xe xích lô chở cồng kềnh là vi phạm luật giao thông, đã vậy còn đi nghênh ngang giữa đường, cũng không treo cái gì đó vào đầu và bó đuôi các thanh gỗ để cảnh báo. Nếu không phải gỗ mà là tôn thì hậu quả không biết thế nào", tài khoản Hoàng Lê nhận xét.
"Ở góc quay chéo của camera giám sát thì thấy rõ thanh gỗ, chứ nếu nhìn trực diện vuông góc như người đi xe máy thì chỉ cần mắt hơi kém, màu trắng của gỗ dễ gây lóa dưới nắng, rất khó xác định khoảng cách. Cần lên án kiểu chở hàng nguy hiểm như thế này trên phố. Đã có không ít vụ tai nạn do xe chở tôn đi như "máy chém di động" trên đường rồi đó", tài khoản Tuấn Minh nêu ý kiến.
Trên thực tế, việc chở hàng cồng kềnh bằng xe ba bánh, xe thô sơ khá phổ biến và tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông rất cao. Trước khi chờ đến sự can thiệp của lực lượng chức năng, người tham gia giao thông nên có ý thức tự bảo vệ bản thân bằng việc chú ý quan sát và chủ động tránh các xe này.
Với mức xử phạt chỉ vài chục đến vài trăm ngàn đồng, tùy thuộc vào việc phương tiện chuyên chở có động cơ hay không, vì mưu sinh, nhiều người đã bất chấp sự an toàn để chở hàng cồng kềnh trên xe thô sơ, xe ba gác. Do đó, cần có sự kiên quyết và mạnh tay hơn nữa của các cơ quan quản lý và thực thi pháp luật để tạo một môi trường giao thông văn minh, an toàn.