Nghịch lý ôtô nội

Trong khi sự kiện Vinamotor xuất khẩu lô hàng 40 xe buýt sang Dominica được coi là mốc son của ngành ôtô non trẻ VN, thì việc 9/12 DN ôtô nội địa vừa được Bộ Công nghiệp kiểm tra cho thấy, các DN này chỉ như một xưởng lắp ráp ôtô Trung Quốc nhập khẩu, đã tạo nên nghịch lý khó chấp nhận...

"Lăn bánh" ra thế giới

 

Việc TCty Ôtô VN (Vinamotor) xuất khẩu 40 chiếc ôtô chở khách cho Dominica vào ngày 24/9 vừa qua được coi là một sự kiện trọng đại của ngành. Lần đầu tiên, ngành công nghiệp ôtô sinh sau đẻ muộn của VN đã "đem chuông đi đấm nước người". Ông Từ Văn Hùng - Phó TGĐ Vinamotor - cho biết, một năm tròn kể từ ngày ký hợp đồng (24/9/2004), chúng tôi đã đưa được lô ôtô mang nhãn hiệu Transinco đầu tiên xuống tàu xuất ra nước ngoài.

 

Đây là kết quả của chiến lược đầu tư phát triển sản xuất đồng bộ, từ việc áp dụng công nghệ tiên tiến, đào tạo nâng cao tay nghề công nhân đến tăng tỉ lệ nội địa hoá, tạo ra các sản phẩm chất lượng tốt, giá cả phải chăng để có sức cạnh tranh. Đây cũng là một cuộc tập dượt để chuẩn bị hội nhập trước AFTA.

 

Đáng mừng là lô ôtô đầu tiên đã vượt qua sự nghiệm thu ngặt nghèo của các chuyên gia Hàn Quốc - được uỷ thác kiểm tra chất lượng sản phẩm, giá cả của Dominica. Loạt xe chở khách trên, về cơ bản thoả mãn yêu cầu của nước bạn, chỉ phải chỉnh sửa một số chi tiết hình thức. Và để bảo đảm uy tín với khách hàng, Vinamotor đã tổ chức dịch vụ hậu mãi cho lô xe khách đầu tiên tại Dominica.

 

Mặt khác, Vinamotor cũng đang xúc tiến xuất khẩu các sản phẩm tại thị trường Nam Mỹ và Châu Phi. Vinamotor còn áp dụng chiến lược đầu tư dài hơi các nhà máy sản xuất linh kiện ôtô như lagiăng, chasi, lắp ráp động cơ... với tổng vốn hàng nghìn tỉ đồng, nhằm tăng tỉ lệ nội địa hoá, hạ giá thành và tăng sức cạnh tranh trong thời hội nhập.

 

40 chiếc ôtô Transinco đầu tiên nếu được sử dụng hiệu quả trong hệ thống xe bus của Dominica, chắc chắn nó sẽ khơi mở một thị trường xuất khẩu tiềm năng cho Vinamotor, bởi nước này đang có kế hoạch thay mới hệ thống xe bus khoảng 1.000 chiếc.

 

Lô ôtô xuất khẩu đầu tiên không chỉ mang về cho Vinamotor 1,6 triệu USD, mà đã minh chứng cho khả năng cạnh tranh của Vinamotor khi đầu tư tập trung cho dòng xe chở khách và sản phẩm ôtô mang thương hiệu VN hoàn toàn có thể xuất khẩu.

 

Và... xưởng lắp ráp xe Trung Quốc!

 

Sau 10 ngày Bộ Công nghiệp tiến hành kiểm tra (từ 15 – 24/9) với 12/30 DN sản xuất lắp ráp ôtô được UBND các tỉnh cấp giấy phép đủ tiêu chuẩn, cho thấy chỉ có 3 DN đủ điều kiện theo QĐ 115 của Bộ CN là Vinaxuki, Cty ôtô 1/5 và Cty TMT.

 

Còn lại hàng loạt DN không đủ điều kiện. Điển hình là Cty cơ khí ôtô Việt Hà ở tại km số 3 Hà Đông (Hà Tây). Ngoài dây chuyền lắp ráp xe có số vốn chẳng đáng là bao, chủ yếu công ty nhập khẩu phụ tùng, linh kiện rời xe ôtô của Trung Quốc đem về sơn lại khung vỏ, thùng xe rồi lắp ráp tung ra thị trường.

 

GĐ Cty - ông Đỗ Ngọc Khuê - cho rằng: "Ngành công nghiệp ôtô VN không nhất thiết phải dựa trên sự đầu tư lớn, bởi như thế chưa chắc đã phát triển được, mà phải dựa vào những DN nhỏ và vừa đã có truyền thống sản xuất lắp ráp và đã có thị phần nhất định trên thị trường".

 

Nhưng theo phía Bộ Công nghiệp, những DN kiểu như Việt Hà chỉ là những cơ sở đầu tư nhỏ lẻ chắp vá, không thể dựa vào đó để xây dựng nên một ngành công nghiệp ôtô VN hiện đại.

 

Thứ trưởng Bộ Công nghiệp - ông Đỗ Hữu Hào - khẳng định: Tiêu chuẩn theo Quyết định 115/QĐ-BCN mới chỉ là mức tối thiểu, nên những DN nào chưa đạt thì phải tiếp tục bổ sung đầu tư, chứ không thể có chuyện xem xét, rồi hạ thấp tiêu chuẩn trong Quyết định 115".

 

Tuy nhiên, để đầu tư được những yêu cầu theo Quyết định 115/QĐ-BCN, tiền vốn phải lên tới hàng trăm tỉ đồng. Phương án để cho các DN góp vốn liên doanh liên kết cùng sử dụng các hạng mục này cũng đã được Bộ Công nghiệp chấp thuận, nhưng thời gian chỉ còn hơn 3 tháng, nên việc hoàn thành những yêu cầu về sơn điện ly và làm đường thử xe là rất khó.

 

Cũng theo Thứ trưởng Đỗ Hữu Hào, đến 31/12 mà các DN sản xuất lắp ráp ôtô vẫn không đạt yêu cầu, thì có thể phải dừng hoạt động. Tuy vậy, nhiều người cho rằng khả năng sẽ có sự gia hạn. Nếu thế có thể dẫn đến tình trạng DN ồ ạt nhập bộ linh kiện về lắp ráp xe rồi sau đó đóng cửa nhà máy, chấm dứt các dịch vụ bảo hành sau bán hàng, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng.

 

Theo Minh Vi - Công Thắng

Báo Lao động