Lợi nhuận của BYD lao dốc
(Dân trí) - Sự hậu thuẫn của tỷ phú Warren Buffett và quan hệ hợp tác kỹ thuật với những tập đoàn lớn như Daimler những tưởng sẽ là tác nhân quan trọng cho sự thành công của BYD, nhưng có vẻ vận may chưa mỉm cười với nhà sản xuất ô tô Trung Quốc này.
Trong 6 tháng đầu năm 2011, BYD cho biết lợi nhuận của công ty đã giảm 89% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 275 triệu tệ (tương đương 43 triệu USD).
Doanh số của nhà sản xuất ô tô Trung Quốc này trong 6 tháng đầu năm nay đã giảm 23,4% xuống còn 220.131 xe. Đặc biệt, doanh số các mẫu xe “đinh” của hãng, như xe nhỏ F0, sedan cỡ nhỏ F3, và sedan hạng trung F6, sụt giảm mạnh sau khi các chương trình kích cầu của chính phủ Trung Quốc kết thúc vào cuối năm ngoái.
Mẫu xe hybrid sạc điện F3DM của BYD
Về lý do lợi nhuận sụt giảm, BYD cho biết không chỉ do doanh số giảm, mà còn bởi chi phí sản xuất, nhân công và sự cạnh tranh gia tăng mỗi ngày.
Điểm sáng duy nhất hiện nay trong hoạt động kinh doanh của BYD là các mẫu xe mới, như các xe sedan cỡ nhỏ G3 và L3, xe crossover S6, có doanh số khá tốt, theo công bố của công ty (không kèm theo số liệu cụ thể).
BYD cũng đặt nhiều kỳ vọng vào mẫu sedan cỡ nhỏ hạng sang G6 chuẩn bị ra mắt trong năm nay và sẽ là mẫu xe đầu tiên của công ty dùng động cơ tăng áp phun nhiên liệu trực tiếp và hộp số ly hợp kép.
Thông tin sơ lược về BYD
BYD tiền thân là một nhà sản xuất pin. Công ty này đã nhanh chóng thâu tóm một nửa thị phần pin điện thoại di động thế giới, cắt giảm chi phí bằng việc sử dụng sức người thay cho máy móc trong dây chuyền sản xuất.
BYD mở rộng hoạt động sang lĩnh vực ô tô từ năm 2003, xây dựng một nhà máy lắp ráp rộng 1,5 triệu mét vuông và tuyển dụng một nhóm thiết kế ô tô đã qua đào tạo tại Ý.
Tháng 10/2009, BYD F3 trở thành mẫu sedan bán chạy nhất Trung Quốc, qua mặt những tên tuổi lớn như Volkswagen Jetta và Toyota Corolla.
Các tấm hấp thụ năng lượng mặt trời và hệ thống đèn LED của BYD đã được cấp các chứng chỉ TUV/CE và UL.
BYD hiện sử dụng khoảng 130.000 nhân công tại 11 nhà máy, trong đó có 8 tại Trung Quốc, còn lại 3 nhà máy đặt tại Ấn Độ, Hungary và Rumani.
Năm 2008, công ty đầu tư Berkshire Hathaway của tỷ phú Warren Buffett đã mua 10% cổ phần BYD trên thị trường chứng khoán Hồng Kông với giá 230 triệu USD.
Tháng 5/2009, BYD đã ký thỏa thuận với tập đoàn Volkswagen của Đức để hợp tác sản xuất xe hybrid và ô tô chạy điện sử dụng pin lithium.
Tháng 3/2010, BYD và tập đoàn Daimler của Đức đã ký thỏa thuận hợp tác sản xuất ô tô chạy điện cho thị trường Trung Quốc.
Tại Triển lãm ô tô quốc tế Bắc Mỹ (NAIAS 2010), còn gọi là Triển lãm Detroit, BYD từng công bố một kế hoạch “gây chấn động” - trở thành nhà sản xuất ô tô lớn nhất Trung Quốc vào năm 2015 và lớn nhất thế giới vào năm 2025. |
Nhật Minh
Theo Automotive News