Lên chiến dịch “sờ gáy” xe Việt kiều hồi hương

Các xe ô tô hạng sang được nhập khẩu theo diện tài sản của Việt kiều hồi hương, nhưng chưa đăng ký sử dụng mà đã nhượng bán cho người khác, là mục tiêu mới nhất của cơ quan hữu trách trong việc truy thu thuế cho ngân sách nhà nước.

Lên chiến dịch “sờ gáy” xe Việt kiều hồi hương
Số lượng ô tô nhập khẩu về Việt Nam theo chế độ tài sản di chuyển của Việt kiều có sự gia tăng đột biến

Cục Cảnh sát Giao thông Đường sắt - Đường bộ (Bộ Công an) đã lên kế hoạch rà soát các xe ô tô được nhập khẩu theo diện Việt kiều hồi hương chưa đăng ký sử dụng tại Việt Nam sau khi nhập khẩu mà thay vào đó được nhượng bán cho đối tượng khác.

Để thực hiện kế hoạch này, cơ quan này đã đề nghị phía hải quan cung cấp danh sách xe ô tô, mô tô là tài sản di chuyển của Việt kiều hồi hương đã nhập khẩu từ ngày 24/9/2009 (ngày có hiệu lực của Thông tư 118/2009/TT-BTC) đến nay.

Dĩ nhiên, với các thông số rõ ràng về số khung, số máy, loại xe và danh sách Việt kiều nhập khẩu xe, dự báo sẽ có rất nhiều đại gia đang sở hữu các siêu xe được mua kiểu này sẽ phải đổ mồ hôi giữa mùa đông, bởi không tìm ra người phải đóng thuế tiếp hay xấu nhất là bị tịch thu xe.

Trước đó, vào tháng 9/2013, Bộ Tài chính đã có công văn số 12216/BTC-TCHQ, đề nghị Thủ tướng cho phép thực hiện truy thu các loại thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng theo quy định của chính sách thuế tại thời điểm nhập khẩu xe với ô tô và mô tô thuộc dạng tài sản di chuyển của Việt kiều hồi hương được miễn thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, nhưng chưa làm thủ tục đăng ký, lưu hành xe, mà đã bán ngay cho các cá nhân và tổ chức khác. Thời điểm thực hiện truy thu được tính từ khi Thông tư 118/2009/TT-BTC có hiệu lực, tức là từ ngày 24/9/2009. Đối tượng truy thu được đề nghị là các Việt kiều bán xe khi chưa đăng ký.

Đề nghị này cũng đã được Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh, thay mặt Thủ tướng Chính phủ đồng ý và giao Bộ Tài chính, các cơ quan liên quan chỉ đạo thực hiện cụ thể theo đúng quy định.

Thống kê của Bộ Tài chính cho hay, trong 3 năm trở lại đây và đặc biệt là năm 2012, số lượng ô tô, xe mô tô nhập khẩu về Việt Nam theo chế độ tài sản di chuyển của Việt kiều có sự gia tăng đột biến. Nếu như năm 2010-2011, số lượng xe ô tô nhập khẩu diện này chỉ khoảng 200 chiếc, thì tới năm 2012 đã đột biến tăng lên tới 1.142 chiếc.

Đáng nói là, đa phần các xe Rolls Royce hiện có ở Việt Nam đều được nhập khẩu theo diện tài sản của Việt kiều hồi hương (bên cạnh cách mang biển ngoại giao). Đây cũng là cách thâm nhập của nhiều loại xe hạng sang khác chưa có đại diện tại Việt Nam tới thời điểm này như Bentley, Ferrazi hay Lexus. Các nhãn hiệu Porsche, Audi, Mercedes-Benz hay BMW, tuy cũng có xe nhập khẩu qua đường Việt kiều hồi hương, nhưng không nhiều.

Dĩ nhiên khi vào Việt Nam với tư cách là tài sản di chuyển của Việt kiều, các xe này được miễn thuế nhập khẩu (ở mức từ 70-80% tùy thời điểm), thuế giá trị gia tăng. Còn thuế tiêu thụ đặc biệt chỉ phải tính theo trị giá của xe. Nôm na là nếu chiếc xe có trị giá tính thuế là 100.000 USD với mức thuế nhập khẩu 72%, thuế tiêu thụ đặc biệt là 50% và thuế giá trị gia tăng là 10%, thì Việt kiều hồi hương chỉ phải nộp 50.000 USD thuế tiêu thụ đặc biệt. Trong khi không phải Việt kiều hồi hương thì số thuế phải nộp tổng cộng là 183.800 USD, gấp hơn 3 lần.

Như vậy, nếu xe của Việt kiều hồi hương hoàn tất thủ tục nộp thuế khi nhập khẩu nhưng chưa đăng ký mà đã chuyển nhượng thì số thuế bị truy thu sẽ là không hề nhỏ.

Trao đổi với phóng viên, một doanh nghiệp mua xe của Việt kiều hồi hương và tự mang đi đăng ký cho hay, chiếc xe khi được bán có đủ giấy tờ hải quan, tức là đã nộp thuế thì mới được thông quan, nên người mua không biết chiếc xe này đã đóng thuế ra sao lúc nhập khẩu.

“Số tiền chúng tôi trả được người bán tính trên cơ sở thuế đóng đủ các loại, chứ không được bớt vì Việt kiều đóng ít thuế. Nên nếu giờ xử lý xe thì doanh nghiệp mua quá thiệt thòi, trong khi Việt kiều đứng tên nhập khẩu xe nay đã ở phương trời nào. Vậy thì sẽ xử lý Việt kiều này ra sao”, vị này nói và cho biết thêm, đã gửi đơn đi nhiều nơi nhưng chưa thấy hướng để giải quyết vấn đề.

Được biết Bộ Công an, khi góp ý cho phương án xử lý xe Việt kiều chưa đăng ký đã chuyển nhượng ngay cũng nhắc tới một phương án “tịch thu xe và xử lý theo quy định với những trường hợp lợi dụng chính sách để nhập xe trái phép”.

 Theo Thanh Hương (báo Đầu tư)

Bảng giá xe Chevrolet tại Việt Nam

Vespa GTS Super có cạnh tranh tốt với Honda SH?
Không
Ý kiến khác
  

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm