Ký ức Trabant: Xe cáctông vừa đi vừa sửa
Ngày nay, khách tham quan đến Berlin (Đức) không chỉ có thể ngồi vào sau tay lái, thả lưng ra băng ghế, hay tò mò ngó nghiêng vào thùng xe, mà còn được nghe kể nhiều câu chuyện thú vị về cuộc sống của người dân phía Đông nước Đức xung quanh những chiếc Trabant.
Hiện có một chiếc xe Trabant màu trắng ngà còn cáu cạnh được đặt trên vị trí nổi bật trong bảo tàng DDR (bảo tàng Cộng hoà dân chủ Đức) ở thủ đô Berlin của nước Đức.
Chiếc xe được dân gian gọi thân thiết như một đứa trẻ là Trabbi.
Xe đua cáctông
Năm 1954, nội các Cộng hoà dân chủ Đức (Đông Đức) đặt mục tiêu chế tạo một loại xe hơi có thể sánh với chiếc Volfwagen của Cộng hoà liên bang Đức (Tây Đức). Yêu cầu đưa ra: xe không nặng quá 600kg, chạy 100km hết 5,5 lít và giá dưới bốn ngàn mark.
Dòng Trabant đầu tiên là chiếc P50 xuất xưởng ngày 7/11/1957, tiêu tốn 6,8 lít cho mỗi 100km đường và có giá đến 8.360 mark, nhưng xe được đón nhận vì kiểu dáng đẹp, có điều hoà không khí. Gõ vào vỏ xe phát ra tiếng cộp cộp, vì dưới lớp vỏ kim loại khá mỏng, là vật liệu tổng hợp duroplast. Vật liệu này gồm nhựa phenol và xơ bông, được kỹ sư Đức Wolfgang Barthel chế tạo để khắc phục việc Đông Đức rất khan hiếm kim loại. Trabant vì thế còn được gọi là xe đua cáctông.
Được nâng cấp và thay đổi mẫu mã thường xuyên, xe Trabant có 14 màu và có cả loại chở hàng. Trabant P50 với động cơ 18 mã lực có thể đạt tốc độ tối đa 90km/h. Năm 1959, chiếc Trabant P500 được giới thiệu với động cơ 20 mã lực. Vào những năm 1980, Đông Đức cho ra chiếc Trabant bốn thì, 40 mã lực, giá đến 19.865 mark.
Đi nào Trabbi! Đi nào!
Là xe hai thì, chạy xăng pha, xe Trabant không bền. Tuy vậy, để có một chiếc Trabant, người ta phải đăng ký và chờ đợi khoảng 10 năm, các gia đình Đông Đức phải lo đăng ký mua xe khi con còn nhỏ, để đến khi con lớn thì vừa kịp có xe mà dùng.
Việc mua bán không dễ dàng, nên những chiếc Trabant thường được dùng trong nhiều năm. Xe càng cũ thì càng hay hỏng hóc, mà phụ tùng thay thế khan hiếm, nên người dùng phải tìm cách tra lắp đủ thứ linh kiện. Lái động cơ hai thì và không có bơm xăng, dân đi xe Trabant đành học cách sẵn sàng đối phó với các hỏng hóc bất thường. Và vì thế, trong mỗi thùng xe Trabant luôn phải có hộp đồ nghề sửa xe và một chai dầu máy. May mắn, Trabant nổi tiếng là loại xe dễ sửa và dễ tuỳ chế nhất thế giới. Xe thường chết máy, nên người ta đương nhiên luôn phải đẩy xe. Khẩu hiệu “Đi nào Trabbi! Đi nào!” nảy ra từ đó.
Nhưng những chiếc xe chạy xăng pha dầu kéo theo làn khói trắng mịt mù không thể bắt kịp công nghệ xe hơi vào những năm 1980. Bên cạnh đó, lạm phát khiến giá xe quá cao, nên kế hoạch xuất khẩu Trabant sang phương Tây bị phá sản. Trong khi đó, sự sụp đổ của bức tường Berlin khiến người dân Đông Đức đổ đi mua xe hơi Tây Âu. Trabant mất thị phần, và đến ngày 30/4/1991 thì nhà máy ở Zwickau ngưng sản xuất ở chiếc Trabant thứ 3.051.485.
Trabant trở lại
Sau ngày nước Đức thống nhất, còn khoảng một triệu chiếc xe Trabant vẫn được sử dụng. Thống kê năm 2007 của văn phòng liên bang về xe có động cơ (KBA) cho thấy ở nước này còn khoảng 52.000 chiếc Trabant. Nhưng sau chương trình kích cầu của Chính phủ Đức trợ cấp 2.500 euro cho mỗi cá nhân mua xe hơi mới vào năm ngoái, số xe Trabant giữ đăng ký ở KBA nay chỉ còn khoảng 35.000 chiếc, giảm 95% so với hồi năm 1993.
Nhiều người không đi xe Trabant nữa vì một số thành phố đã hạ mức phát xả khí thải xuống mức xe Trabant không kham nổi. Nhưng vào năm 2009, thành phố Berlin tuyên bố Trabant là một thương hiệu nổi tiếng của Đông Đức cần được giữ gìn, và đã cho phép sử dụng xe Trabant có mức phát xả khí thải cao hơn quy định.
Trabant nay trở thành một thứ hấp dẫn khách du lịch. Ở Berlin, công ty Trabi Safari cho thuê xe Trabant để khách bon bon quanh Berlin, Dresden, và Potsdam. Mua được phụ tùng thay thế từ một nhà máy Hungary còn sản xuất các linh kiện phù hợp với Trabant, Trabi Safari duy trì được đội xe Trabant 90 chiếc.
Trong khi xe Trabant cũ hiện được bán trên mạng với giá khoảng 1.000 euro, một số nhà sản xuất ở Đức đang muốn phục hồi lại kiểu xe này. Đã mua được quyền sử dụng thương hiệu xe Trabant, công ty xe hơi Herpa và IndiKar của Đức hiện đang xúc tiến việc hợp tác sản xuất xe Trabant, sau khi các khảo sát tại Triển lãm ô tô Frankfurt 2007 cho thấy 93% số người được hỏi muốn mua mẫu xe Trabant do Herpa chế tạo. Dự kiến chiếc xe hơi điện kiểu dáng Trabant sẽ xuất xưởng vào năm 2012 với giá 25.000 - 30.000 euro. Chiếc New Trabant có thể sẽ được gắn động cơ BMW.
Theo Mai Hương
SGTT