“Khóc dở, mếu dở” vì phụ tùng ôtô giả
Một ngày xấu trời, đang đi bỗng nhiên “xế hộp” của bạn ngừng vận hành. Đến hãng đề nghị được bảo hành mới ngã ngửa rằng xe của mình lắp phải phụ tùng giả… Đây là sự việc mà nhiều trường hợp mất tiền oan do không cẩn thận khi đi thay thế phụ tùng.
Từ những trường hợp “tiền mất, tật mang”…
Cũng gặp phải trường hợp phụ tùng giả như trên, ông Nguyễn Đình Trọng, Đội trưởng Đoàn xe Bộ Tài chính giãi bày: “Tôi đã hai lần gặp phải việc sử dụng phụ tùng giả - đó là lọc dầu giả. Lúc ấy tôi nghĩ đã là nhãn hàng uy tín thì ở đâu cũng giống nhau, nhưng khi hỏng xe mang đi bảo hành thì tôi mới biết rằng tôi đã mua phải hàng giả được làm nhái hết sức tinh vi. Mặc dù xe của tôi lúc đó vẫn đang trong giai đoạn bảo hành nhưng theo chế độ bảo hành của chính hãng, tôi không được hưởng chế độ bảo hành vì phụ tùng gây hỏng hóc cho xe lại là hàng giả. Có thể thấy rằng khi mua phải phụ tùng giả, tôi vừa mất tiền mua, vừa không đảm bảo độ an toàn, vừa không được bảo hành và thậm chí còn ảnh hưởng đến tính mạng của chính mình”.
Cũng chính vì đã hai lần gặp phải sự cố, ông Trọng đã kịp rút ra bài học cho mình là cứ vào hàng tháng, hàng quý, cả đội xe đều họp lại để rút kinh nghiệm về việc tránh tối đa mua phải các phụ tùng giả. Về việc phân biệt phụ tùng thật và giả, ông Trọng cũng đưa ra lời khuyên: “Đối với những người không thành thạo về lĩnh vực kỹ thuật ô tô thì cách tốt nhất là đến các hãng bán phụ tùng chính hiệu của các hãng ô tô…”
Làm thế nào để phân biệt được phụ tùng thật và giả?
Trao đổi với Dân trí, Phó Giám đốc Marketing TMV, ông Toru Wakita cho hay: “Các phụ tùng giả có giá thành rất rẻ nhưng độ bền lại rất kém. Chúng làm cho động cơ vận hành kém hơn, không ổn định, tiêu tốn nhiên liệu nhiều hơn, trong một số trường hợp nghiêm trọng còn có thể gây hư hỏng nặng cho động cơ của máy. Khách hàng khi đó sẽ phải trả chi phí sửa chữa cao gấp nhiều lần, thậm chí còn ảnh hưởng đến cả sự an toàn của chính mình nữa. Vì vậy, theo chế độ bảo hành của Toyota, Công ty Toyota Việt Nam sẽ không bảo hành cho bất kỳ sự hỏng hóc máy móc nào nếu nó xuất phát từ việc sử dụng phụ tùng giả của khách hàng”.
Tuy nhiên, qua ghi nhận trên thị trường, việc có thể dễ dàng tìm và mua được những phụ tùng giống hệt dưới danh nghĩa “hàng xách tay” tại các cửa hàng phụ bán lẻ phụ tùng ở chợ trời, các garage ngoài... với chi phí chỉ bằng khoảng 50% so với hàng chính hiệu đã khiến không ít khách hàng băn khoăn.
Theo ông Trần Vũ Sơn – Phó phòng Kỹ thuật Dịch vụ TMV, khách hàng có thể phân biệt phụ tùng thật và giả bằng một số dấu hiệu cơ bản như:
- Vỏ hộp/Bao gói: Chữ in hoặc logo trên bao gói phụ tùng giả không sắc nét hay nội dung chỉ tương tự như trên bao gói phụ tùng chính hiệu, (ví dụ chữ “Genuine Parts” thì trên phụ tùng giả in là “General Parts”).
- Hình dáng bên ngoài: Phụ tùng giả thường được làm từ các vật liệu rẻ tiền và thủ công, nên các đường nét không sắc sảo, hình dạng kích thước không đều, vị trí hay tên phụ tùng in không chính xác (ví dụ lọc dầu giả thường không được sơn phủ phần đế).
- Giá phụ tùng: Phụ tùng giả thường có giá rẻ hơn phụ tùng chính hiệu rất nhiều do được làm từ các vật liệu rẻ tiền, không được kiểm nghiệm chất lượng.
Quy trình sản xuất phụ tùng chính hiệu của Toyota
Hoạt động sản xuất phụ tùng của Toyota là một quy trình khép kín, xuất phát từ nhu cầu của khách hàng. Đặc điểm của quy trình này là ”Sell one – Buy one”. Có nghĩa là khi khách hàng mua một sản phẩm tại đại lý, nhà sản xuất phụ tùng Toyota sẽ nhận được đơn đặt hàng một sản phẩm từ đại lý này và họ chỉ sản xuất một sản phẩm. Sau công đoạn kiểm tra tại trung tâm kiểm soát chất lượng, sản phẩm này sẽ được đưa vào hệ thống phân phối của Toyota. Do đó, phụ tùng chính hiệu chỉ được lưu thông trong hệ thống, không hề dư thừa hoặc bị rò rỉ ra bên ngoài dưới bất kỳ hình thức nào.
(Nguồn do TMV cung cấp)
PV