Hé lộ những mâu thuẫn nội bộ trong liên minh Renault-Nissan
(Dân trí) - Ban lãnh đạo Nissan được cho là đã mở rộng phạm vi cuộc điều tra liên quan đến những sai phạm của chủ tịch Nissan - ông Carlos Ghosn sang cả Renault. Động thái quyết liệt này của Nissan làm dấy lên những đồn đoán về việc hãng xe Nhật Bản đang cố gắng tách khỏi đối tác Pháp và hé lộ một số vấn đề nội tại của liên minh Renault-Nissan.
Không báo cáo chính xác các khoản thu nhập, sử dụng tài sản của công ty cho mục đích cá nhân và giả mạo các báo cáo tài chính, đó là những nguyên nhân chính thức dẫn tới việc chủ tịch của Liên minh Renault-Nissan-Mitsubishi - ông Carlos Ghosn bị bắt giữ tại Nhật Bản. Tất cả đều là những cáo buộc khá nghiêm trọng, và vấn đề giờ chỉ là các luật sư của ông Ghosn sẽ nói gì để bảo vệ thân chủ của mình.
Tuy nhiên, vấn đề được đặt ra là liệu Nissan có đang tự đẩy mình và cả liên doanh vào thế rủi ro, chỉ để trừng phạt những sai phạm của Carlos Ghosn? Liệu công ty có thể xử lý vấn đề này bằng cách hình thức nội bộ khác hay không? Nhiều người tin rằng, bên cạnh những lý do được công bố chính thức, Nissan còn có những động cơ khác trong việc hạ bệ vị chủ tịch của mình.
Carlos Ghosn được cho là đang thúc đẩy một vụ sáp nhập giữa Renault và Nissan, dự kiến sẽ được triển khai trong vòng vài tháng. Theo thông tin từ Financial Times, nhà lãnh đạo này đã cố gắng đưa liên minh Renault-Nissan tiến gần hơn tới việc sáp nhập hoàn toàn, bất chấp những ý kiến phản đối dữ dội từ nội bộ Nissan.
Viễn cảnh này là điều mà ban lãnh đạo Nissan không bao giờ cho phép xảy ra, bởi nó cũng đồng nghĩa với việc, công ty Nhật Bản hoàn toàn rơi vào tay Renault. Financial Times trích dẫn 3 nguồn tin thân cận cho biết, việc sáp nhập dự kiến sẽ được tiến hành chỉ trong vài tháng.
Vì sao Nissan kịch liệt chống cự việc sáp nhập với Renault?
Trên thực tế, hai công ty đang sở hữu chéo cổ phần, việc đã được dàn xếp trong gần 2 thập kỷ qua. Tuy nhiên, sự cân bằng đã bị đánh mất từ lâu.
Renault hiện nắm tới 43% cổ phần tại Nissan, khiến hãng xe Pháp có quyền lực vượt trội so với công ty Nhật Bản, bao gồm cả khả năng bổ nhiệm các giám đốc điều hành cấp cao. Ở chiều ngược lại, Nissan hiện chỉ sở hữu 15% cổ phần của Renault, và không có quyền biểu quyết hoặc kiểm soát đối tác Pháp của mình.
Do đó, hội đồng quản trị của Nissan luôn rơi vào tình trạng phải đấu tranh một cách kịch liệt để chống lại bất cứ kế hoạch tái cấu trúc nào, đi ngược lại quyền lợi của công ty.
Một vụ sáp nhập sẽ khiến tình trạng hiện nay của mối quan hệ đối tác trở nên không thể đảo ngược, tước bỏ của Nissan khả năng rút khỏi tập đoàn mới hình thành. Đó là lý do vì sao kế hoạch của Carlos Ghosn đã phải đối mặt với sự phản kháng kịch liệt từ phía hội đồng quản trị Nissan.
Nguồn tin thân cận của Financial Times cho biết: “Hội đồng quản trị luôn nói rằng, họ sẽ đấu tranh đến cùng để chống lại những kế hoạch tái tổ chức có thể đẩy họ xuống vị trí hạng 2.”
Vẫn còn quá sớm để khẳng định, liệu Nissan có gài bẫy Carlos Ghosn hay không, nhưng rõ ràng, nhà lãnh đạo này đã hoàn toàn mất cảnh giác khi hạ cánh xuống sân bay Haneda chiều hôm thứ 2 đầu tuần.
Có vẻ như Ghosn không hề hay biết gì về cuộc điều tra nhắm vào mình, và đã bay tới Nhật Bản để chuẩn bị cho cuộc gặp thống đốc Tokyo dự kiến sẽ diễn ra vào ngày thứ 4. Thế nhưng, thay vào đó, Ghosn đã ngạc nhiên khi nhận thấy, ủy ban chào đón ông lại là các công tố viên Tokyo và phóng viên của nhật báo Asahi.
Lạc Diệp
Theo Carscoops, Leftlanenews