Hậu Brexit: Các hãng ô tô lo gì?

(Dân trí) - Ngay sau sự kiện Brexit*, giữa những cảnh báo về việc sẽ có biến động lớn về doanh số và sản lượng ở thị trường lớn thứ hai châu Âu (sau Đức), các nhà sản xuất ô tô đã kêu gọi duy trì chính sách thương mại tự do giữa Anh và EU.

Sự xáo trộn

Tập đoàn BMW, với thương hiệu Mini và Rolls-Royce sản xuất xe tại Vương quốc Anh, đã cảnh báo về một giai đoạn bất ổn, nhưng cho biết sẽ không có thay đổi tức thì nào với hoạt động của họ tại Anh. Họ sẽ phải thương lượng lại các điều kiện cung ứng cho thị trường này.


(Ảnh: Getty Images)

(Ảnh: Getty Images)

Opel - đại diện cho hoạt động của General Motors tại châu Âu cho biết quan trọng là thương hiệu Vauxhall của hãng vẫn thuộc Khu vực kinh tế châu Âu, nên hàng hoá vẫn được giao dịch tự do trong phạm vi châu Âu. Khu vực kinh tế châu Âu mở cửa cho các thành viên EU và các nước không thuộc EU nhưng tham gia Hiệp hội thương mại tự do châu Âu (EFTA), trong đó có Thuỵ Sĩ, Na Uy và Iceland.

Trong khi đó, Ford Motor cho biết chưa thay đổi kế hoạch đầu tư, nhưng sẽ làm tất cả những gì cần thiết để duy trì tính cạnh tranh của mình ở châu Âu. Ford hiện có ba nhà máy ở Anh, sản xuất động cơ và hộp số.

Thương hiệu xe thể thao hạng sang Aston Martin của Anh đã thúc giục chính phủ nước này đảm bảo chính sách tự do thuế quan với các thị trường EU. CEO Andy Palmer cho rằng việc đồng Bảng mất giá sẽ phần nào bù đắp sự bất ổn.

Cổ phiếu của nhà sản xuất ô tô Ấn Độ Tata Motors đã giảm giá 12% hôm 24/6 - ngày công bố kết quả trưng cầu dân ý Brexit, là mức sụt giảm mạnh nhất kể từ năm 2012. Sở hữu thương hiệu Jaguar và Land Rover, Tata hiện là nhà sản xuất ô tô lớn nhất Vương quốc Anh xét về sản lượng, với doanh số tại châu Âu đóng góp khoảng 20% vào doanh số toàn cầu của tập đoàn.

Jaguar Land Rover cho biết sẽ không có gì thay đổi với các cơ sở sản xuất và quyết định đầu tư của họ ở Anh.

Tương lai bất định

Ngành công nghiệp ô tô Anh vừa phục hồi "thần kỳ" trong mấy năm trở lại đây, nhưng chủ yếu vẫn do các doanh nghiệp nước ngoài kiểm soát. Các nhà sản xuất ô tô Nissan, Toyota và Honda của Nhật đều có nhà máy ở Anh, chủ yếu phục vụ xuất khẩu sang thị trường EU.

Hậu Brexit: Các hãng ô tô lo gì? - 2

Lãnh đạo các nhà sản xuất ô tô này cho biết họ cho thể sẽ giãn hoạt động đầu tư ở Anh, hoặc dừng hẳn nếu Anh chính thức rời EU. "Chúng tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải thận trọng hơn với các quyết định đầu tư, trong đó có việc có sản xuất một mẫu xe mới ở Anh hay không," giám đốc một nhà sản xuất ô tô châu Âu có nhà máy tại Anh cho biết (đề nghị giấu tên).

Câu hỏi lớn đặt ra là loại thoả thuận kinh doanh nào với EU có thể đem ra đàm phán. Đó là câu hỏi chưa có lời đáp, một vị lãnh đạo khác cho biết.

Xuất khẩu từ Anh sang EU hiện nay được miễn thuế. Toyota từ đầu tuần trước đã cảnh báo với nhân viên rằng việc Vương quốc Anh tách khỏi EU có thể dẫn tới việc ô tô sản xuất tại Anh sẽ bị áp thuế tới 10%.

Năm ngoái, Toyota sản xuất khoảng 190.000 xe tại Anh; 75% trong số đó xuất sang EU và chỉ có 10% tiêu thụ tại Anh.

Nissan - nhà sản xuất ô tô lớn thứ hai ở Anh - từ chối đưa ra bình luận. Nissan đã có mặt tại Anh được 3 thập kỷ, sản xuất khoảng 475.000 xe mỗi năm tại đây, chủ yếu xuất sang EU.

Trong khi đó, Honda cho biết sẽ thận trọng xem xét tình hình và sẽ tiếp tục đưa mẫu Civic mới lên dây chuyền sản xuất tại nhà máy ở Anh. Honda sản xuất khoảng 140.000 xe mỗi năm, trong đó có mẫu CR-V và Civic tại nhà máy ở Swindon, gần thủ đô London. Một nửa số xe hãng sản xuất ở Anh được xuất sang EU.

Thị trường lớn nhất của các hãng xe Đức

Anh hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của các nhà sản xuất ô tô Đức, nên theo ông Matthias Wissmann - người đứng đầu Hiệp hội ngành ô tô Đức (VDA), các chính trị gia châu Âu phải bằng mọi giá duy trì chính sách miễn thuế giữa Anh và EU.

Một nửa của khoảng 2,6 triệu xe mới tiêu thụ hàng năm tại Anh là xe Đức, và xuất khẩu ô tô từ Đức sang Anh ở mức khoảng 810.000 xe/năm. Khoảng 57% trong tổng số 1,6 triệu xe ô tô sản xuất tại Anh trong năm 2015 được xuất khẩu sang các nước EU và ngành công nghiệp ô tô Đức có tới 100 cơ sở sản xuất tại Anh, bao gồm các nhà cung cấp, theo số liệu của VDA.

Tập đoàn Volkswagen cho rằng còn quá sớm để đánh giá tác động của sự kiện Brexit đối với thương hiệu Bentley của họ, hay về doanh số của thị trường ô tô lớn thứ hai châu Âu, sau Đức.

Trong khi đó, CEO Dieter Zetsche của Daimler cho biết ông không nghĩ sẽ có tác động gì lớn đối với xe Mercedes-Benz.

Mỗi lo của các hãng xe Hàn

Hiệp hội ô tô Hàn Quốc cho biết họ lo rằng việc Anh tách khỏi EU sẽ khiến xe Hàn lại bị áp thuế 10% khi nhập khẩu vào Anh, trừ khi giữa Anh và Hàn Quốc có một hiệp định thương mại tương tự như hiệp định EU-Hàn Quốc hiện nay.

Hậu Brexit: Các hãng ô tô lo gì? - 3

"Việc này chắc chắn sẽ tác động đến tính cạnh tranh về giá của các hãng xe Hàn Quốc tại Anh, so với các đối thủ Nhật và Đức có nhà máy sản xuất ở đó," ông Kim Tae-nyen - phó chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Hàn Quốc - cho biết.

Hyundai cho biết sẽ theo dõi sát tác động của sự kiện Brexit đối với nền kinh tế toàn cầu cũng như các thị trường tài chính và sẽ có những quyết định phù hợp.

Công ty nghiên cứu thị trường Evercore dự đoán năm nay tiêu thụ ô tô của thị trường Anh sẽ giảm 4,5% trong bối cảnh bất ổn kinh tế, thay vì dự báo tăng trưởng 3% khi chưa diễn ra sự kiện Brexit, và sẽ giảm 10% vào năm sau, dẫn tới sự sụt giảm 2,5% sản lượng ô tô tại châu Âu vào năm 2017.

Chuyên gia phân tích Arndt Ellinghorst của Evercore lưu ý các nhà đầu tư rằng Anh là một trong những thị trường xe mới mạnh và có lãi nhất EU.

(*) Thuật ngữ Brexit, ghép từ hai từ Britain (nước Anh) và exit (rời khỏi), được dùng để chỉ việc Anh rời khỏi EU. Kết thúc trưng cầu dân ý, 51,89% cử tri Anh ủng hộ Brexit, trong khi 48,1% ủng hộ ở lại.

Nhật Minh

Theo Autonews

Hậu Brexit: Các hãng ô tô lo gì? - 4
Hậu Brexit: Các hãng ô tô lo gì? - 5
Hậu Brexit: Các hãng ô tô lo gì? - 6

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm