Hành trình Volvo về tay hãng xe Trung Quốc

(Dân trí) - Volvo đã đi một hành trình dài qua ba châu lục, từ quê hương Thuỵ Điển ở châu Âu sang Mỹ rồi tới Trung Quốc, với lời hứa của ông chủ mới là giữ nguyên tính độc lập và bản sắc cho thương hiệu xe sang này.

Vào một ngày mùa đông lạnh giá khắc nghiệt tháng 1/2007, khi lãnh đạo các hãng xe ở thủ phủ của ngành ô tô Mỹ đang tự hỏi tại sao Triển lãm ô tô Detroit lại được tổ chức vào thời gian rất không mến khách như thế của năm, thì Li Shufu, chủ tịch nhà sản xuất ô tô Geely của Trung Quốc, đã tới tìm gặp giám đốc tài chính Don Leclair của Ford tại trụ sở công ty.

 

Năm trước đó, 2006, một mẫu xe mới của Geely đã “liều lĩnh” ra mắt tại Triển lãm ô tô Detroit với tham vọng trở thành hiện tượng giống như “con bọ của Volkswagen trong thế kỷ 21 dù có giá bán chưa đến 10.000 USD.

 

Không thể “chen chân” vào sảnh chính của triển lãm, Geely đành trưng bày mẫu sedan MR7171A cỡ nhỏ của mình ở hành lang, khiến chiếc xe trông như bị bỏ rơi trong suốt đại tiệc của các đại gia ô tô Mỹ. Lốp xe bẩn thỉu và nội thất chủ yếu bằng nhựa. Trông chiếc xe hoàn toàn lạc lõng ở Cobo Hall.

 

Hành trình Volvo về tay hãng xe Trung Quốc - 1
Chủ tịch Li Shufu bên mẫu xe của Geely ra mắt tại Triển lãm ô tô Detroit 2006. (Ảnh: AFP)

 

Ông Li đã giới thiệu rất thành công “mẫu xe rẻ nhất thế giới” này tới tầng lớp trung lưu tại các thành phố ở Trung Quốc. Nhưng chiếc xe lại bị hắt hủi không thương tiếc tại Mỹ. Người ta lập luận rằng: “tiền nào của ấy”.

 

“Tôi vẫn nhớ hình ảnh các kỹ sư của các công ty ô tô khác tới xem chiếc xe Geely, săm soi bên dưới nắp ca-pô rồi bịt mũi bỏ đi,” ông John Harmer, một cựu chính trị gia người Mỹ, chuyên gia tư vấn của ông Li trong dự án chinh phục thị trường Mỹ, cho biết.

 

Ông Li đã quyết định hủy kế hoạch chinh phục thị trường Mỹ bằng mẫu xe giá rẻ này sau sự cố trên.

 

Leclair, người quản lý hoạt động tài chính của Ford trong nhiều năm, đã có cuộc gặp đầu tiên với ông Li vào tháng 1/2007. Mối quan tâm lớn của ông khi đó là cố gắng chấm dứt tình trạng “đốt tiền” ở Ford. Nhiều tuần sau chuyến thăm của ông Li, ông thông báo Ford đã lỗ 12,6 tỷ USD trong năm 2006 và sẽ cắt giảm gần 44.000 nhân công. Cuộc gặp với chủ tịch Geely khi đó hầu như chẳng để lại dấu ấn gì với ban lãnh đạo Ford.

 

Trong khi đó, ông Li lại khá phấn khởi dù cuộc gặp chưa bao giờ vượt quá các nghi thức ngoại giao. “Tôi thấy hơi ngạc nhiên, nhưng văn hoá kinh doanh của Trung Quốc và Mỹ rất khác biệt,” ông Harmer nói. “Ở Trung Quốc, điều quan trọng trước tiên là có được sự liên hệ”.

 

Mua thương hiệu

 

Vào thời điểm diễn ra Triển lãm ô tô Detroit năm kế tiếp, ông Li đã từ bỏ giấc mơ tấn công thị trường ô tô Mỹ bằng cơn bão xe rẻ nhất thế giới. Giờ đây tham vọng của ông là Geely sở hữu một thương hiệu xe sang có tiếng trên thế giới.

 

Và mục tiêu ông nhắm tới là thương hiệu Volvo của Ford. Cuộc gặp thứ hai của ông với giám đốc tài chính Leclair của Ford diễn ra tại Triển lãm ô tô Detroit 2008. Thương vụ sau đó diễn biến theo chiều hướng thuận lợi hơn.

 

Đây là vụ mua thương hiệu ô tô quốc tế lớn nhất mà một công ty Trung Quốc thực hiện và sẽ được toàn ngành theo dõi sát sao trong những tháng tới.
 
Hành trình Volvo về tay hãng xe Trung Quốc - 2

 

Thương vụ này được đặc biệt chú ý vì các công ty Trung Quốc có khá nhiều vụ mua thương hiệu không mấy lạc quan, đặc biệt là trong ngành ô tô. Tập đoàn công nghiệp ô tô Thượng Hải (SAIC) đã mua đa số cổ phần hãng Ssangyong của Hàn Quốc với kết cục là Ssangyong rơi vào tình trạng bảo hộ phá sản. Giới chức Trung Quốc đã bác kế hoạch mua Hummer từ GM của một công ty máy công nghiệp nhỏ - Tengzhong.

 

Các thương vụ vướng phải các vấn đề như quản lý, marketing, sử dụng công nghệ, dàn xếp với công đoàn và sự hoà hợp về văn hoá.

 

Với biểu tượng của ngành ô tô Thụy Điển, Geely sẽ phải đối mặt với thêm một thách thức lớn - xoay chuyển tình hình kinh doanh của Volvo, với chi phí không nhỏ, và thay đổi hình ảnh một thương hiệu ô tô nổi tiếng an toàn nhưng nhàm chán. Nhiều năm qua, Ford đã nỗ lực nhưng không thành công và mất khá nhiều tiền vì Volvo.

 

Thời điểm quyết định

 

Khi cuộc đàm phán về việc bán Volvo diễn ra được vài tháng, nền tài chính toàn cầu bắt đầu rung chuyển. Ngành ô tô Mỹ, do phụ thuộc vào những người tiêu dùng chi tiêu bằng cơ chế tín dụng, lập tức lâm vào khủng hoảng. Nhưng CEO Alan Mulally của Ford cho biết ông muốn hoàn tất việc cải tổ Volvo trước khi tiếp tục đem bán.

 

Ông Li thấy nỗ lực mua Volvo của mình rơi vào bế tắc.

 

Đến tháng 12/2008, khi các thị trường tín dụng tê liệt và các đối thủ và cũng là đồng hương của Ford là GM và Chrysler đi đến bờ vực phá sản, ông Mulally một lần nữa rao bán Volvo. Lập tức Geely lại vào cuộc và 9 tháng sau, họ là đối tác tiềm năng nhất.

 

Vào tháng 1/2010, gần 3 năm sau cuộc gặp đầu tiên với giám đốc tài chính Leclair của Ford, ông Li trở lại sàn triển lãm ô tô Detroit trong chiến thắng, sau khi đặt bút ký vào hợp đồng nguyên tắc mua Volvo với giá 1,8 tỷ USD - chỉ bằng 1/3 số tiền Ford đã bỏ ra để mua thương hiệu này cách đây một thập kỷ. Geely cam kết đầu tư vào Volvo 900 triệu USD.

 

Hành trình Volvo về tay hãng xe Trung Quốc - 3
Cờ của Trung Quốc, Thuỵ Điển và Mỹ treo bên ngoài nhà máy và trụ sở của Volvo ở Torslanda, Gothenburg, Thuỵ Điển hôm 28/3/2010. (Ảnh: Reuters)

 

Thương vụ này của Geely là minh chứng mới nhất cho nỗ lực vươn ra đấu trường quốc tế của các công ty Trung Quốc. Nó cũng thể hiện khát vọng của Bắc Kinh trong việc xây dựng những thương hiệu toàn cầu mang về cả lợi nhuận và uy tín cao hơn nhằm biến Trung Quốc từ công xưởng của thế giới trở thành cái tên gắn liền với chất lượng và sự sáng tạo.

 

Phía trước là ngổn ngang thách thức.

 

Volvo có doanh thu 12,4 tỷ USD trong năm 2009 với doanh số 334.000 xe, nhưng mức lỗ trước thuế lên tới 653 triệu USD. Doanh số của Geely cũng gần bằng Volvo, doanh thu chỉ bằng 1/6 Volvo, nhưng lợi nhuận ròng là 175 triệu USD.

 

Nhà sản xuất ô tô Trung Quốc này cũng đã có kinh nghiệm với một thương hiệu nước ngoài, khi mua 23% cổ phần Manganese Bronze, một nhà sản xuất xe taxi đen nổi tiếng của Anh, với giá 53 triệu bảng (80,7  triệu USD) cách đây 4 năm.

 

Một trong những trở ngại lớn nhất trong quá trình đàm phán là mối liên hệ phức tạp giữa Volvo với Ford, trong đó có các thiết bị an toàn và giải trí trong xe. Volvo hiện dùng chung nhiều bộ phận xe với Ford. Để triển khai thương vụ, Ford buộc phải đồng ý nhượng  quyền sử dụng một số công nghệ cho Geely. Và đây chính là cơ hội để Geely nâng cao chất lượng sản phẩm và đẩy mạnh doanh số.

 

Một trở ngại cũng không nhỏ với Geely trong quá trình thương lượng mua Volvo là các tổ chức bảo vệ người lao động rất mạnh của Volvo lo rằng công nhân sẽ mất việc.

 

Và ông Li là người đứng ra dàn xếp được việc này. “Khi họ (lãnh đạo công đoàn tại một nhà máy của Volvo tại Thuỵ Điển) yêu cầu tôi nói cho họ biết lý do mua Volvo chỉ với 3 từ, tôi đã nói ‘I love you’ (Tôi yêu các bạn),” ông Li phát biểu trên đài truyền hình Thượng Hải sau khi thương vụ được ký kết. “Tôi đã nghiên cứu Volvo nhiều năm và hiểu rõ nó.”

 

Các tổ chức công đoàn chỉ hoan nghênh thương vụ sau khi nhận được cam kết đảm bảo việc làm từ Geely.

 

Geely dự kiến xây dựng một nhà máy Volvo tại Trung Quốc để nâng sản lượng toàn cầu của hãng lên gần gấp đôi, và dự kiến tiêu thụ 150.000 xe Volvo mỗi năm tại Trung Quốc từ năm 2015.


Hai cơ quan có quyền phủ quyết thương vụ này là Bộ Thương mại Trung Quốc và Uỷ ban Cải cách và phát triển quốc gia cuối cùng đã gật đầu thông qua.

 

Trả lời những băn khoăn về tương lai Volvo, ông Li nói: “Bất cứ công ty nào cũng có thể thất bại. Việc cần làm trước là phân tích kỹ lưỡng và sau khi sáp nhập phải thực sự tập trung vào sự hoà hợp... Bạn phải tự hỏi ‘Tại sao bạn làm như vậy? Bạn muốn gì?’ và cũng phải có một mục tiêu chiến lược cụ thể.”

 

Ông Li cũng khẳng định rằng Geely sẽ giữ Volvo như một thương hiệu xe sang phương Tây độc lập và phát triển thương hiệu để đi đến thành công.

 

“Vấn đề lớn nhất của Volvo là quy mô quá nhỏ,” ông Li nói với các phóng viên ở Trung Quốc sau khi trở về từ Thuỵ Điển sau lễ ký kết. “Chỉ có thể thực hiện hoá lợi nhuận sau khi quy mô được mở rộng để giảm giá thành sản xuất xe.”
 

Tại buổi lễ bàn giao được tổ chức tại London vào hôm qua, 2/8, Ford đã chuyển toàn bộ giấy tờ sở hữu tài sản Volvo cho Geely, sau khi hợp đồng chuyển nhượng thương hiệu được các cơ quan chức năng Trung Quốc, Mỹ và EU thông qua.

 

Ông Li Shufu, giờ đây là chủ tịch của cả Geely và Volvo, một lần nữa khẳng định rằng trụ sở của Volvo sẽ vẫn đặt tại Gothenburg, Thụy Điển, và ban lãnh đạo có quyền độc lập thực hiện kế hoạch kinh doanh riêng.

 

Về chiến lược phát triển, ông cho biết Volvo sẽ củng cố thị phần tại châu Âu và Bắc Mỹ, đồng thời nắm bắt cơ hội phát triển ở Trung Quốc.
 

Trả lời phỏng vấn qua điện thoại của Xinhua, ông Li cho biết ông hy vọng có thể đưa Volvo trở lại vị trí dẫn đầu trên thị trường xe sang thế giới.

 

“Sau thương vụ chuyển nhượng, Geely vẫn là Geely và Volvo vẫn là Volvo. Geely và Volvo sẽ là quan hệ anh em, chứ không phải cha con.”

 

Nhật Minh

Theo Reuters, Xinhua

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm