Hành trình đóng góp của Toyota cho ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô Việt Nam
(Dân trí) - Ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô tại Việt Nam còn nhiều rào cản dẫn đến việc khó phát triển, nhưng nhiều hãng xe và doanh nghiệp Việt nỗ lực thay đổi điều này.
Chưa đạt kỳ vọng
Tháng 7/2014, Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến 2025 và tầm nhìn đến 2035. Mục tiêu của Chính phủ là ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước tiếp cận, ứng dụng công nghệ và tiến tới chế tạo được các chi tiết, linh kiện quan trọng như bộ truyền động, hộp số, động cơ, thân vỏ xe... cho một vài chủng loại xe.
Đồng thời, công ty phụ trợ trong nước tăng cường hợp tác với các hãng ô tô lớn để lựa chọn chủng loại phụ tùng, linh kiện mà Việt Nam có thể sản xuất. Từ đó, những doanh nghiệp này tham gia chuỗi sản xuất - cung ứng toàn cầu.
Với riêng loại từ 9 chỗ trở xuống, vốn đòi hỏi tiêu chuẩn kỹ thuật và nhiều thành phần phức tạp hơn xe thương mại, mục tiêu nội địa hóa đạt mức 30-40%. Nhưng đến năm 2023, theo báo cáo của Bộ Công Thương, con số đạt được chỉ khoảng 20%.
Đại diện Toyota Việt Nam cho biết, hầu hết các mẫu xe gắn mác "made in VietNam" đều là dạng lắp ráp CKD với tỷ lệ nội địa hóa thấp. Những linh kiện được nội địa hóa thường là loại cơ bản trong cơ cấu một chiếc ô tô, cần nhiều nhân công như bộ dây điện, da, nỉ bọc ghế, ống dẫn…
Theo thống kê của Tổng cục Hải Quan, tính đến tháng 10, trị giá nhập khẩu linh kiện, phụ tùng ô tô vào Việt Nam là 3,91 tỷ USD. Điều này cho thấy, ngành công nghiệp hỗ trợ đang bị lãng phí hoặc chưa được các doanh nghiệp Việt khai thác.
Nỗ lực thay đổi
Trong số nhiều hãng đang sản xuất, lắp ráp xe tại Việt Nam, Toyota là một trong những thương hiệu quyết liệt trong việc thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ. Từ lâu, hãng xe Nhật Bản đã lên ý tưởng đồng hành cùng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nội địa, giúp họ cả về công nghệ lẫn quy trình quản lý chất lượng.
Năm 2018, Toyota Việt Nam (TMV) thành lập Ban chuyên trách hỗ trợ các nhà cung ứng linh kiện. Liên doanh Nhật quy tụ các chuyên gia giàu kinh nghiệm, phối hợp cùng Cục Công Nghiệp, Bộ Công thương (MOIT) xây dựng kế hoạch hỗ trợ, từng bước đồng hành cùng các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ thuần Việt.
Dự án của TMV và MOIT được thực hiện thường niên trong suốt 5 năm qua. Sau nhiều tháng đánh giá kỹ lưỡng, những công ty có đủ năng lực sẽ được lựa chọn tham gia vào chương trình hỗ trợ. Bằng kinh nghiệm dày dặn làm việc với các nhà cung ứng linh kiện, chuyên gia của TMV đã nhìn ra những hạn chế trong quy trình làm việc của các doanh nghiệp nội địa.
Ở Công ty Cổ phần tập đoàn kỹ thuật và công nghiệp Việt Nam (Intech), một trong nhiều vấn đề tồn tại ở dây chuyền sản xuất là máy hàn con lăn nhông chỉ ép được một sản phẩm, chưa kể thời gian chờ đợi rất lâu. Nhờ tư vấn của các chuyên gia TMV, công ty thiết kế lại máy hàn với cơ cấu bánh răng liên động để gá được 2 con lăn. Với việc hàn 2 con lăn cùng lúc, hiệu suất tăng 163%.
"Sau khi TMV hỗ trợ, cái lớn nhất chúng tôi đạt được là thay đổi tư duy cải tiến, tư duy về 5S, về phương pháp Karakuri để áp dụng sâu vào thực tiễn sản xuất, nâng cao vai trò của đội ngũ quản lý", ông Hoàng Hữu Yên - Tổng giám đốc Intech cho biết.
Bốn công ty khác cũng nhận được đánh giá, tư vấn, cải tiến dây chuyền sản xuất là công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Hoa An, Nhà máy Z131, Công ty Sigma Việt Nam và công ty TNHH công nghiệp Haast Việt Nam.
Kết quả nổi bật của chương trình hỗ trợ năm nay là diện tích nhà xưởng tiết kiệm 1.424m2, năng suất dây chuyền tăng 52%, số lượng nhân lực giảm 31,5 người và quãng đường di chuyển trong nhà máy giảm 310km/tháng.
TMV hiện có tổng số 5 mẫu xe lắp ráp trong nước với 60 nhà cung cấp, trong đó 13 nhà cung cấp thuần Việt.
Toyota, thương hiệu sắp kỷ niệm cột mốc 30 năm có mặt tại Việt Nam, là một trong những hãng ưu tiên linh kiện nội địa nhất khi có gần 1.000 sản phẩm các loại đã được sử dụng. Đây là cơ sở quan trọng góp phần nâng cao giá trị gia tăng cho nền kinh tế, tạo việc làm cho người lao động và thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô.
Hôm 20/12, TMV và UBND tỉnh Vĩnh Phúc ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tại Vĩnh Phúc trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô nhằm phát triển ngành công nghiệp ô tô, hỗ trợ nâng cao năng lực doanh nghiệp và thúc đẩy kinh tế địa phương. Hoạt động sẽ được triển khai từ năm 2025 đến năm 2027. Đây là bước đi tiếp theo thể hiện nỗ lực bền bỉ và khẳng định cam kết đồng hành lâu dài của TMV cùng sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô và ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam.