Fiat - “Ngư ông đắc lợi”

(Dân trí) - Gần đây, cái tên Fiat bỗng xuất hiện dày đặc trên các phương tiện truyền thông, với hàng loạt kế hoạch sáp nhập. Họ không giấu giếm tham vọng trở thành nhà sản xuất ô tô lớn thứ hai thế giới trong tương lai gần.

 
Fiat - “Ngư ông đắc lợi” - 1
CEO Sergio Marchionne của Fiat nhận định: “Opel không thể kiếm được tiền với quy mô hiện tại, và nếu không thể kiếm tiền thì họ sẽ không thể tồn tại.”

 

Ngay sau thỏa thuận tuần trước về việc ban đầu sẽ nắm giữ 20% cổ phần Chrysler, sau đó tăng lên 35%, Fiat tiếp tục xác nhận rằng họ muốn tiếp quản cả GM châu Âu, bao gồm hai thương hiệu Opel và Vauxhall.

 

Saab cũng thuộc GM châu Âu, nhưng có thể không nằm trong nội dung thỏa thuận này, vì đang tiến hành tái cơ cấu theo luật Thụy Điển.

 

Nếu thỏa thuận với GM châu Âu thành công, Fiat tiên lượng họ sẽ trở thành nhà sản xuất ô tô lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Toyota, tức là nhảy 8 bậc so với vị trí thứ 10 hiện tại.

 

Vài nét về Fiat

 

- Nhà sản xuất ô tô lớn thứ 6 châu Âu xét về doanh số

- Doanh thu năm 2008 đạt 59,4 tỷ eurom tương đương 78,8 tỷ USD

- Trụ sở đặt tại Turin, tây bắc nước Ý

- Sử dụng khoảng 200.000 nhân công

- Fiat Auto sở hữu các thương hiệu: Fiat, Lancia và Alfa Romeo

- Tập đoàn Fiat còn sở hữu Maserati, 85% thương hiệu Ferrari và nhà sản xuất xe tải và thương mại Iveco

 

CEO Sergio Marchionne của tập đoàn Fiat cho ví von liên minh Fiat, GM châu Âu và Chrysler tới đây sẽ là “một cuộc hôn nhân thiên đường”.

 

Ông Marchionne cho biết bản thân các con số đã nói lên tất cả: Ông dự đoán liên minh Fiat - GM châu Âu - Chrysler có thể tiêu thụ hơn 6 triệu xe mỗi năm. Riêng Fiat đã tiêu thụ được 2,15 triệu xe trong năm 2008.

 

Tuy nhiên, một số nhà phân tích đang nghi ngờ về sự kết hợp sản phẩm giữa Fiat với Opel. Theo chuyên gia phân tích ngành ô tô Tim Urquhart của công ty nghiên cứu thị trường IHS Global Insight, Opel và Fiat có danh mục sản phẩm gần như giống hệt nhau tại châu Âu.

 

Có ý kiến cho rằng xe cỡ nhỏ của Fiat có thể ghép vào cùng các xe hạng trung và xe cỡ lớn của Opel để làm thành một danh mục sản phẩm hấp dẫn hơn, nhưng gợi ý này có vẻ chưa thuyết phục lắm. Ông Urquhart cho rằng khó thấy sự logic trong liên minh Fiat-Opel.

 

“Đại hạ giá” thương hiệu

 

Trong bối cảnh doanh số tiêu thụ xe hơi toàn cầu đang tiếp tục giảm sút khi cuộc suy thoái kinh tế chưa có nhiều dấu hiệu hồi phục, tại sao Fiat đột nhiên thể hiện tham vọng bành trướng?

 

Có hai lý do chính - hoàn cảnh và chủ nghĩa cơ hội.

 

Ông Marchionne, người đã “chèo lái” thành công Fiat, đưa lợi nhuận về với nhà sản xuất ô tô Ý này vào năm 2006 sau 6 năm thu lỗ, từ lâu đã khẳng định rằng trong tương lai, nếu muốn tồn tại, các nhà sản xuất ô tô phải tiêu thụ được hơn 6 triệu xe mỗi năm.

 

Theo ông, đây là mức tối thiểu để đảm bảo lợi thế quy mô, từ đó duy trì lợi nhuận.

 

Giữa lúc Chrysler và GM phải đối mặt với những khó khăn về tài chính tại Mỹ, thì Fiat có thể nắm bắt cơ hội mua cổ phần Chrysler và GM châu Âu với giá rẻ.

 

Theo thỏa thuận vừa ký, Fiat ban đầu sẽ nhận 20% cổ phần Chrysler mà không phải bỏ ra chút tiền nào. Cái họ đổi lại là công nghệ sản xuất ô tô cỡ nhỏ để Chrysler thực hiện tái cơ cấu. Còn với GM, tập đoàn này cũng đang đứng trước nguy cơ phá sản, nên nhiều khả năng sẽ đồng ý bán phân nhánh châu Âu với giá rẻ để tập trung cho hoạt động tại Mỹ.

 

Theo cách ví von của nhà phân tích Michael Robinet (CSM Worlwide), ngành ô tô đang trong giai đoạn đại hạ giá và ông Marchionne có cơ hội chọn những món "hời".

 

Dù chi tiết tài chính chưa được tiết lộ, nhưng theo dự đoán ban đầu, Fiat có thể mua được GM châu Âu chỉ với 1 tỷ euro (1,3 tỷ USD). Và có vẻ như các thương vụ này không đem đến nhiều rủi ro về tài chính cho Fiat. "Cũng giống như thỏa thuận với Chrysler, kế hoạch liên minh với Opel của nhà sản xuất ô tô Ý này không chứa rủi ro tài chính," ông Urquhart nói. 

 

Bộ trưởng kinh tế Đức Karl-Theodor zu Guttenberg đã xác nhận rằng Fiat đang muốn một khoản đảm bảo tín dụng trị giá 7 tỷ euro từ chính phủ nhiều nước châu Âu, để mua và thanh toán các khoản nợ của GM châu Âu.

 

Hầu hết các nhà phân tích đều cho rằng nếu không có các khỏan đảm bảo tín dụng này, Fiat sẽ không thể mua được GM châu Âu, vì Fiat còn đang phải ôm khoản nợ 5,9 tỷ euro từ cuối năm ngoái.
 

Nguy cơ dư thừa

 

Đã bắt đầu xuất hiện lo lắng rằng việc sáp nhập có thể khiến nhiều người mất việc làm, hay thậm chí là đóng cửa một số nhà máy chính của GM châu Âu.

 

Ông Marchionne cũng đã cảnh báo về nguy cơ này, khi sự kết hợp của Fiat và GM châu Âu có thể sẽ giúp mỗi năm tiết kiệm 1 tỷ euro. Tuy nhiên, theo ông, Opel không thể có lợi nhuận với quy mô hiện tại, và nếu không thể kiếm tiền thì thương hiệu này không thể tồn tại.

 

Vài nét về GM châu Âu

 

- Doanh thu năm 2008 đạt 34,4 tỷ USD

- Vận hành 10 nhà máy ở 7 nước

- Sử dụng khoảng 54.500 lao động

- Sở hữu các thương hiệu: Vauxhall, Opel và Saab

 

 “Tất nhiên, nhân công sẽ giảm xuống. Không ai có thể thay đổi điều đó. Các nhà máy phải hoạt động hiệu quả hơn.”

 

Ông Marchionne đã đảm bảo rằng các nhà máy ở Đức của GM châu Âu sẽ không bị đóng cửa, nhưng điều đó không có nghĩa là việc làm sẽ được đảm bảo.

 

Phương tiện truyền thông Anh cũng đưa ra những ý kiến lo ngại nguy cơ cắt giảm việc làm tại nhà máy Vauxhall, thuộc GM châu Âu, ở Ellesmere Port, Cheshire, nơi sản xuất xe Astra và sử dụng 2.500 lao động.

 

Trong khi đó, nhà phân tích độc lập Robin Roberts cho rằng không có cơ sở để lo lắng. “Giúp Fiat mua GM châu Âu sẽ là giải pháp tốt nhất cho chính phủ Đức,” ông nói. “Nếu nhìn ra toàn châu Âu, ta có thể thấy là có quá nhiều nhà máy sản xuất ô tô. Tuy nhiên, nhà máy ở Ellesmere Port là một trong những nơi hoạt động hiệu quả nhất của GM châu Âu, và Astra vẫn có doanh số tốt. Nếu phải cắt giảm nhân công liên quan đến Astra thì có thể sẽ là ở Bỉ.”

 

Theo ông Roberts, nếu Fiat mua được GM châu Âu, họ sẽ duy trì thương hiệu Vauxhall ở Anh.

 

Trong một động thái trấn an dư luận, hôm qua, 6/5, Fiat đã lên tiếng phủ nhận thông tin họ sẽ cắt giảm 18.000 việc làm và đóng cửa 10 nhà máy nếu đạt được thỏa thuận với GM châu Âu.

  

Nhật Minh

Theo BBC