Dừng thu phí xe máy: Hợp lòng dân!
Các địa phương có cách giải quyết không giống nhau về việc thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy. Có nơi thực hiện nghiêm nhưng có nơi không nghiêm
HĐND TP Đà Nẵng đã quyết định tạm dừng thu phí sử dụng đường bộ (SDĐB) đối với xe máy kể từ ngày 7/7. Quyết định này được lãnh đạo TP Đà Nẵng cho là hợp với lòng dân và được nhiều đại biểu tán thành, cử tri hoan nghênh.
Đa số dân không đồng tình
TP Đà Nẵng triển khai thu phí SDĐB đối với xe máy từ tháng 3/2013 và được giao về từng phường. Theo đó, tổ trưởng tổ dân phố nhận trách nhiệm đến từng hộ dân thu nhưng kết quả không đồng đều. Bà Phạm Thị Hương, tổ trưởng một tổ dân phố ở quận Thanh Khê, cho biết: “Thu xong thì người dân nhận biên lai, tôi thấy tờ biên lai không mang lại giá trị gì. Ra đường cũng chẳng có cơ quan nào kiểm tra việc người dân đã đóng phí hay chưa nên gọi là bắt buộc nhưng nhiều người né đóng phí; người đóng, người không gây mất công bằng”.
Chủ sở hữu xe máy sẽ có cơ hội không phải đóng phí sử dụng đường bộ khi nhiều địa phương cùng đề xuất bỏ khoản phí này Ảnh: Hoàng Triều
Bà Đinh Thị Kiều Tiên, phụ trách Quỹ Bảo trì đường bộ TP Đà Nẵng, nói năm 2013, tổng thu phí SDĐB đối với xe máy là hơn 10 tỉ đồng, năm 2014 hơn 8 tỉ đồng. Đầu năm đến nay chỉ thu được 3 tỉ đồng. “Thu không đạt hiệu quả mà dân lại không đồng tình. Tạm dừng thu cũng không ảnh hưởng gì. Khi nào Chính phủ buộc phải thu thì HĐND sẽ có ý kiến lại” - bà Tiên nói.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Đà Nẵng, cho hay hiện nhiều địa phương trong cả nước có cách giải quyết không giống nhau về việc này. Tại Đà Nẵng, có nơi thực hiện nghiêm nhưng có nơi không nghiêm nên không có sự phân biệt giữa người nộp và không nộp. Cử tri đề nghị HĐND có chủ trương dứt khoát về việc này để làm sao mang lại công bằng và có lợi cho dân.
Ông Huỳnh Phước, đại biểu HĐND TP Đà Nẵng, cho rằng thu là đúng quy định nhưng không có chế tài nên người không nộp cũng như người đã nộp. “Không thu thì không đúng mà thu thì đa số người dân không đồng tình. Tôi nghĩ nên dừng thu, đợi quyết định chính thức của Chính phủ mới tính tiếp” - ông Phước nói.
Ông Trần Thọ, Bí thư Thành ủy TP Đà Nẵng, cũng cho rằng việc tạm ngưng thu là chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân. “Trước mắt, Đà Nẵng sẽ tạm dừng thu từ ngày 7/7 và xin ý kiến Chính phủ” - ông Thọ nói.
Do địa phương quyết định
Chiều 8/7, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) - cho biết quỹ bảo trì đường bộ là do các tỉnh, thành phố quyết định trực tiếp thu và quản lý. Thu với mức nào thì cũng đã có quy định tại Thông tư 133/2014/TT-BTC ngày 11/9/2014 của Bộ Tài chính, trong đó có quy định mức trần tối đa, mức tối thiểu là có thể thu 0 đồng. “Tổng cục Đường bộ không có quyền can thiệp bởi đó là nguồn quỹ để bảo trì các tuyến đường của địa phương” - ông Huyện khẳng định.
Theo ông Huyện, nguồn quỹ thu được cũng sẽ do tỉnh cân đối và địa phương nào gặp khó khăn thì nên thu, còn khá thì có thể không thu nếu có đủ ngân sách dành cho việc bảo trì đường.
Trả lời về việc các đô thị lớn như TP HCM đồng thuận với việc đề nghị bỏ thu phí SDĐB với xe máy, TP Đà Nẵng cũng đã quyết định tạm dừng thu từ ngày 7/7, vậy có nên đề xuất Chính phủ bãi bỏ việc thu phí SDĐB hay không, ông Nguyễn Văn Huyện nói: “Tôi tin nhiều địa phương sẽ không bỏ việc thu khoản phí này vì ngân sách nhiều địa phương eo hẹp, vẫn cần nguồn kinh phí này để sửa chữa đường giao thông nông thôn”.
Phải giải trình để nhân dân thấy thuyết phục Đại biểu HĐND TP HCM Lâm Thiếu Quân cho rằng việc TP Đà Nẵng tạm dừng thu phí SDĐB đối với xe máy là tín hiệu tốt. TP HCM cũng nên dừng triển khai vì hợp lòng dân, được nhân dân ủng hộ. TP có 20% xe máy ngoài tỉnh, chưa kể xe không chính chủ sẽ phát sinh rất nhiều khó khăn khi thực hiện. TP lại chưa có cơ chế xử phạt, nhân viên thuế với tài chính cũng không có thời gian mà đi kiểm tra người nộp, người không nộp. Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng nên bỏ thu phí SDĐB vì kết quả thu rất ít và thu chi quỹ không được công khai cụ thể; thu xong để đấy, không rõ phần trả công cho người đi thu là bao nhiêu, phần còn lại bao nhiêu; tạo mập mờ và dễ dẫn đến tình trạng lạm dụng thu quỹ; tạo sự bất bình đẳng giữa các địa phương có mật độ phương tiện khác nhau. Ông Phong cũng cho rằng trong luật pháp quy định về thu phí và lệ phí không hề đề cập đến phí SDĐB. Người dân cũng đã đóng nhiều loại phí gián tiếp qua giá xăng để có thể vận hành phương tiện. Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương, ông Lê Đình Khanh nói, thực tế việc thu phí SDĐB đúng là có điểm bất cập. Có hộ nhiều xe máy nhưng chỉ đi 1 hoặc 2 xe bởi vì có con đi học, đi làm xa và xe để ở nhà cả năm nhưng vẫn phải nộp phí. Trong khi có nơi thu được, có nơi không mặn mà thu. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Đinh Văn Nhã đề nghị phải có đánh giá, tổng kết xem thu phí đã được bao nhiêu, hiệu quả thế nào? Nếu tiếp tục thu thì phải có giải trình để nhân dân thấy thuyết phục, đảm bảo sự đồng lòng của xã hội. Ph.Anh - P.Nhung - T.Dũng |
Theo Người lao động