Điều chỉnh tăng giá cước, có phải các hãng xe công nghệ đang tận thu?

Trường Thịnh Trần Quang

(Dân trí) - Lùm xùm về việc các hãng xe công nghệ điều chỉnh tăng giá cước có vẻ như vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khi câu chuyện lại rẽ sang hướng các hãng xe công nghệ đang tận thu. Nhưng nếu hiểu rõ bản chất, lý lẽ đó đang có phần "vu oan" cho các hãng.

Giá cước "cõng" thêm thuế GTGT - thực hiện nghĩa vụ đóng thuế theo quy định

Nghị định 126 quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế. Tại điểm c khoản 5 Điều 7 của Nghị định 126 nêu rõ: "Tổ chức hợp tác kinh doanh với cá nhân thì cá nhân không trực tiếp khai thuế. Tổ chức có trách nhiệm khai thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với toàn bộ doanh thu của hoạt động hợp tác kinh doanh theo quy định của pháp luật về thuế và quản lý thuế của tổ chức mà không phân biệt hình thức phân chia kết quả hợp tác kinh doanh, đồng thời khai thay và nộp thay thuế thu nhập cá nhân cho cá nhân hợp tác kinh doanh".

Theo quy định này, kể từ ngày 5/12, các nền tảng gọi xe công nghệ sẽ phải thực hiện kê khai và thu hộ thuế GTGT. Mức thuế thu hộ là 10% tính trên tổng doanh thu phát sinh và thuế này không áp lên doanh nghiệp và đối tác tài xế mà do khách hàng chi trả. Con số này hoàn toàn khác biệt so với trước kia, khi thuế VAT tính sau mức chia sẻ.

Điều chỉnh tăng giá cước, có phải các hãng xe công nghệ đang tận thu? - 1

Tài xế Grab biểu tình phản đối tăng chiết khấu.

Theo ông Nguyễn Quang Đồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách & Phát triển truyền thông, các công ty kết nối lâu nay đã trả thuế GTGT trên doanh thu được chia của họ (tạm gọi là khoản 20%). "Nghị định 126 giờ yêu cầu Công ty kết nối phải khấu trừ tiền của tài xế để trả hộ cho doanh thu 80% được chia như mức của doanh nghiệp. Tức là từ sau ngày 5/12, doanh thu tài xế phải trả thêm tiền thuế 7% với doanh thu trên 100 triệu đồng, vì trước kia họ đang đóng thuế 3% theo phương pháp trực tiếp, còn ai có thu nhập dưới 100 triệu đồng thì mức tăng thêm lên tới 10% vì trước kia họ không phải đóng bất kỳ loại thuế nào" - ông Đồng cho biết. Với quy định mới của Nghị định này, các công ty kết nối dịch vụ công nghệ bắt buộc phải gia tăng tỷ lệ khấu trừ đối với đối tác tài xế khai và nộp hộ thuế GTGT cho nhà nước.

Thuế GTGT nếu hiểu đúng bản chất là mức thuế người sử dụng dịch vụ phải trả và các hãng có trách nhiệm thu hộ. Bởi vậy, không có gì khó hiểu khi gần như ngay lập tức sau khi nghị định 126 có hiệu lực, các hãng xe công nghệ như Grab, GoJek, Baemin đều có động thái điều chỉnh giá cước để đưa thuế GTGT vào cơ cấu giá, qua đó, thực hiện nghĩa vụ đóng thuế theo đúng tinh thần của Nghị định.

Tăng giá cước và bài toán tái đầu tư của các doanh nghiệp

Hơn một tuần nay, việc điều chỉnh giá cước của các hãng xe công nghệ thu hút sự quan tâm của dư luận mặc dù trước đó, việc này đã được dự báo trước. Tuy nhiên, việc các hãng có phải đang "tận thu" hay không lại còn phải tính đến bài toán tái đầu tư của các doanh nghiệp.

Cần thống nhất quan điểm rằng, các hãng xe cũng không muốn đưa mình vào tình trạng bất lợi khi đánh mất lợi thế giá rẻ để xe ôm và taxi truyền thống có dịp lên ngôi chiếm thị phần khách hàng chuộng giá rẻ. Các ứng dụng gọi xe có lẽ đã phải rất thận trọng trong việc tính toán chiến lược giá, để làm sao có thể giữ chân cả tài xế mà vẫn không mất lòng khách hàng trong cuộc cạnh tranh về giá cả.

Tuy nhiên, việc tăng giá cước đối với các hãng xe sau Nghị định 126 là việc không thể không làm. Họ không thể gánh luôn thuế cả phần thuế trên phần doanh thu thực chất không nhận được mà vẫn giữ mức giá cũ nếu muốn đứng vững và phát triển thị trường. Có điều chắc chắn rằng, một khi đã có sự điều chỉnh tăng giá, doanh nghiệp sẽ phải tính toán mọi cách để có lợi cho cả tài xế và khách hàng.

Với số tiền nhận về, các hãng xe công nghệ sau khi đóng thuế thu nhập doanh nghiệp lại tính đến việc tăng mức thưởng cho tài xế, giúp họ cải thiện thu nhập, đời sống bớt khó khăn. Họ chấp nhận từ bỏ lợi thế giá rẻ, đánh mất một phần khách hàng để đảm bảo ổn định cho tài xế. Đó không chỉ là sự tuân thủ quy định mà còn là sự trân trọng, quan tâm đến đời sống của các đối tác tài xế.

Số tiền này cũng dùng để khuyến mãi ngược lại cho khách hàng, bảo hiểm tai nạn cho khách, chi phí vận hành hệ thống và hàng loạt các chi phí khác… Đây là bài toán tái đầu tư mà bất cứ doanh nghiệp nào cũng phải tính đến chứ không phải là chuyện "tận thu", đặc biệt đối với các hãng xe công nghệ đã thực hiện nghiêm túc Nghị định 126 như Grab hay GoJek… thì việc tái đầu tư để nâng cao chất lượng dịch vụ, làm hài lòng khách hàng… là cực kỳ quan trọng trong cuộc cạnh tranh gay gắt với xe truyền thống.

Chốt lại, việc các hãng xe công nghệ điều chỉnh tăng giá cước sau ngày 5/12 nhằm đảm bảo thực hiện đúng nghĩa vụ thuế theo quy định mới, đảm bảo đời sống cho các đối tác tài xế cũng như tái đầu tư để phát triển doanh nghiệp.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm