Cứu trợ ngành ô tô - Con dao hai lưỡi

(Dân trí) - Việc Nhà Trắng phê duyệt gói cứu trợ khẩn cấp cho ngành ô tô nước này hôm 21/12 vừa qua được xem như cú huých cho hàng loạt tuyên bố tương tự sau đó của chính phủ nhiều nước khác. Biện pháp này có thực sự hiệu quả hay chỉ khiến tình hình xấu thêm?

Làn sóng cứu trợ

 

Chỉ một ngày sau khi Tổng thống sắp mãn nhiệm của nước Mỹ, George W. Bush, công bố gói cứu trợ khẩn cấp trị giá 17,4 tỷ USD cho ngành chế tạo ô tô Mỹ, thì chính phủ Canađa và chính quyền tỉnh Ontario cũng quyết định duyệt chi khoảng 3,3 tỷ USD để hỗ trợ ngành ô tô trong nước duy trì hoạt động trong thời gian tiến hành tái cơ cấu.

 

Ba nhà sản xuất ô tô lớn nhất của Mỹ, General Motors (GM), Ford và Chrysler, một lần nữa trở thành đối tượng hưởng lợi chính của gói cứu trợ này.

 

Từng động thái của chính phủ Mỹ đối với ngành công nghiệp ô tô nước này đều được các nhà sản xuất châu Âu theo dõi sát sao. Họ đã yêu cầu Ngân hàng đầu tư châu Âu cho vay ưu đãi 40 tỷ euro (52 tỷ USD), nhưng dưới vỏ bọc là để phát triển các mẫu xe thân thiện với môi trường hơn.

 

Hồi đầu tháng, Pháp đã chi 1,5 tỷ euro (2 tỷ USD) để hỗ trợ ngành công nghiệp ô tô đang trong tình cảnh khó khăn. Và mới hôm 23/12 vừa qua, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy lại hứa hẹn vào cuối tháng sau sẽ công bố gói hỗ trợ mới.

 

Tại Đức, Thủ tướng Angela Merkel cho biết chính phủ sẽ sớm có quyết định về yêu cầu đảm bảo tín dụng mà ban lãnh đạo GM châu Âu đã đưa ra.

 

Tại Anh, chính phủ cũng đang thảo luận với tập đoàn Tata, chủ sở hữu hai thương hiệu Jaguar và Land Rover, về gói cứu trợ trị giá lên tới 1 tỷ bảng Anh (1,5 tỷ USD).

 

Thuỵ Điển, quê hương của Volvo (thuộc Ford) và Saab (thuộc GM), đã thông qua gói cứu trợ 3,6 tỷ USD nhằm tránh sự sụp đổ của ngành công nghiệp ô tô nước này.

 

Cứu trợ ngành ô tô - Con dao hai lưỡi - 1
Người tiêu dùng cân nhắc nhiều hơn với những khoản chi lớn như mua ô tô (Ảnh: AFP)

 

Ngoài việc bơm tiền, một số nước còn có những biện pháp khác nhằm hỗ trợ ngành ô tô. Chính phủ Nhật Bản đang cân nhắc khả năng hạ giá đồng nội tệ, vì việc đồng yên lên giá đã làm tăng chi phí sản xuất của doanh nghiệp ô tô Nhật Bản, đồng thời giảm lợi nhuận xuất khẩu.

 

Trong khi đó, nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô trong nước, Hàn Quốc đã giảm 1/3 thuế tiêu dùng ô tô, còn Nga tăng thuế lên ô tô nhập khẩu. Ngoài ra, các doanh nghiệp Nga còn được chỉ đạo ngừng mua sắm ô tô nước ngoài.

 

Thời buổi khó khăn

 

2008 là một năm khó khăn đối với các nhà sản xuất ô tô trên toàn thế giới. Giá dầu liên tục tăng kỷ lục khiến người tiêu dùng Mỹ - xưa nay là những người sử dụng ô tô nhiều nhất thế giới - cũng phải giảm lái xe. Và khi giá dầu “rơi tự do”, do tác động của tình hình suy giảm kinh tế, thì nhu cầu tiêu thụ xe hơi cũng giảm mạnh.

 

Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính lan rộng toàn cầu, ngành công nghiệp ô tô chịu tác động lớn của những biến động trên thị trường tín dụng, khi người tiêu dùng không thể vay tiền để mua xe, trong khi các doanh nghiệp ô tô thì cạn nguồn tiền mặt để duy trì hoạt động. Thời gian gần đây, hầu như ngày nào cũng có thông tin về việc các nhà sản xuất ô tô cắt giảm nhân công hoặc tạm đóng cửa nhà máy. Trong tình hình kinh tế khó khăn, người tiêu dùng có xu hướng hạn chế mua sắm những mặt hàng có giá trị lớn như ô tô.

 

Cứu trợ ngành ô tô - Con dao hai lưỡi - 2
Hàng trăm xe mới của GM vẫn nằm trong bãi để xe ở Sao Bernardo do Campo, cách thành phố Sao Paulo của Brazil 25km về phía Nam (Ảnh: AFP)

 

Theo công ty dự báo kinh tế IHS Global Insight, sản lượng ô tô toàn cầu trong quý 4 năm nay giảm 16%. Ngay cả Toyota, tập đoàn nổi tiếng có khả năng kiểm soát tình hình tốt, cũng đã thông báo khả năng thua lỗ lần đầu tiên trong 71 năm qua. Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu chưa có dấu hiệu khởi sắc, năm 2009 có thể tình hình còn tệ hơn.

 

Do đó, khi ba nhà sản xuất ô tô lớn nhất của Mỹ (Big 3) khẩn thiết yêu cầu chính phủ hỗ trợ tài chính để tránh nguy cơ phá sản thì mối lo không chỉ thuộc về Detroit. Sự sụp đổ (nếu có) của Big 3 sẽ gây tác động rất lớn. Trước hết, nước Mỹ sẽ chứng kiến GDP giảm 1%, thêm 1,1 triệu người mất việc làm, và thêm 13 tỷ USD tiền trợ cấp thất nghiệp. Nước láng giềng Canada sẽ mất 600.000 việc làm và 80% sản lượng trong ngành công nghiệp phụ trợ.

 

Tại Đức, nơi có khoảng 1/5 lực lượng lao động đang làm việc, trực tiếp hoặc gián tiếp, trong ngành ô tô, hàng triệu việc làm cũng sẽ bị đe doạ. Ngay cả các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản, đối thủ lớn nhất của Big 3, cũng không thoát khỏi sự ảnh hưởng dây chuyền nếu Big 3 sụp đổ, vì họ có chung nhà cung cấp và hệ thống đại lý tại thị trường Bắc Mỹ.

 

“Nếu một nhà sản xuất ô tô lớn ở Mỹ phá sản, có thể sẽ dẫn tới sự sụp đổ của toàn chuỗi cung cấp,” nhà phân tích chiến lược Heino Ruland của công ty Frankfurt Finanza ở Đức nói.

 

Trong tình hình hiện tại, khi tỷ lệ thất nghiệp của nhiều nước đang ở mức cao kỷ lục và lòng tin của người tiêu dùng đã giảm xuống đáy, thì không có gì ngạc nhiên khi các nước lao vào cứu ngành công nghiệp ô tô trong nước, theo sau động thái của Mỹ.

 

Tiến thoái lưỡng nan

 

Khi đứng trước quyết định cứu ngành ô tô, chính phủ các nước đều thấy rất khó xử, vì nếu để các công ty phá sản mà không cứu sẽ khiến tình hình suy thoái kinh tế thêm nghiêm trọng. Tuy nhiên, việc dùng tiền thuế của người dân để cứu một ngành công nghiệp mà nhiều người cho rằng “đáng chết” có thể sẽ là hoài của.

 

Nhiều người nghi ngờ vào khả năng khởi sắc của ngành công nghiệp ô tô Mỹ vì họ đã phải vật lộn để tồn tại từ trước khi xảy ra suy thoái. Chi phí nhân công tăng cao, mô hình kinh doanh không thành công và sự yếu kém trong quản lý là nguyên nhân chính làm tắt ánh hào quang một thời của các nhà sản xuất ô tô Mỹ. Thị phần được chuyển sang các đối thủ Nhật Bản.

 

Theo giáo sư Joseph Stiglitz, người từng đoạt giải Nobel kinh tế năm 2001, những gì cần làm để giúp các nhà sản xuất ô tô làm lại từ đầu và để họ có thể tập trung sản xuất xe tốt, hơn là cố xoay sở để đáp ứng các quy định cũ. “Ngành ô tô Mỹ sẽ không sụp đổ, nhưng cần phải tiến hành tái cơ cấu,” ông Stiglitz nói.

 

Trong khi đó, giáo sư Paul Krugman của Đại học Princeton (Mỹ), cũng là một chủ mục của tờ New York Times, cho rằng các chính phủ quyết định hành động vì không sẵn sàng chấp nhận sự thất bại của một ngành công nghiệp lớn, giữa lúc kinh tế đang suy giảm nghiêm trọng. “Cuối cùng có thể các công ty này cũng sẽ biến mất,” giáo sư Krugman phát biểu hồi đầu tháng 12, ông tới Stockholm (Thuỵ Điển) để nhận giải Nobel kinh tế năm nay.

 

Con dao hai lưỡi

 

Cứu trợ ngành ô tô - Con dao hai lưỡi - 3
 Công nhân ngành ô tô, thành viên của Nghiệp đoàn ô tô Mỹ (UAW) tập trung nhằm kêu gọi chính phủ thông qua gói cứu trợ khẩn cấp cho ngành ô tô (Ảnh: AFP)

 

Trong trường hợp ngành ô tô Mỹ, ngay cả nếu kế hoạch cứu trợ của chính phủ phát huy tác dụng, thì mọi vấn đề đều có hai mặt.

 

Là sự can thiệp sâu rộng nhất của chính phủ vào ngành ô tô trong nhiều năm trở lại đây, gói cứu trợ mới đây sẽ tạo ra tiền lệ sử dụng tiền công quỹ để cứu một ngành đang thoi thóp. Nếu tình hình kinh tế tiếp tục xấu đi, mà nhiều khả năng là như vậy trong năm tới, các ngành sản xuất khác hoặc các doanh nghiệp bị thua lỗ có thể cũng sẽ đòi chính phủ trợ giúp tương tự.

 

Vì kế hoạch cứu trợ ngành ô tô không được Thượng viện Mỹ thông qua, nên chính phủ phải trích từ gói cứu trợ trị giá 700 tỷ USD được duyệt chi để mua nợ xấu của các định chế tài chính. Và việc này đang khiến nhiều người thắc mắc không biết chính phủ Mỹ sẽ xử trí thế nào nếu có thêm đơn vị xếp hàng xin một phần trong 350 tỷ USD còn lại.

 

Sự trợ giúp của chính phủ Mỹ đối với ngành ô tô có thể gây lo ngại về sự cạnh tranh thiếu bình đẳng và trợ cấp xuất khẩu, dẫn tới những tranh chấp thương mại hoặc khuyến khích bảo hộ thương mại.

 

Giờ đây, tất cả những vấn đề này đang chờ Tổng thống mới đắc cử Barack Obama giải quyết khi nhậm chức vào tháng 1/2009. Một điều chắc chắn ông sẽ phải đối mặt là thái độ mệt mỏi chán chường của người dân Mỹ đang đóng thuế cho chính phủ trước các gói cứu trợ.

 

Nhật Minh

Theo Xinhua