Cơ sở bảo hành xe con phải rộng tối thiểu 40m2

(Dân trí) - Đó là một phần yêu cầu nêu trong dự thảo thông tư hướng dẫn của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), quy định về các điều kiện bảo hành, bảo dưỡng đối với các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô như trong thông tư 20/2011 của Bộ Công thương quy định.

Trong dự thảo lần thứ 3, Bộ GTVT đề xuất các doanh nghiệp nhập khẩu phải công bố chế độ bảo hành cho từng loại sản phẩm cung cấp ra thị trường, với các tài liệu về bảo hành sản phẩm ghi rõ chế độ, địa chỉ bảo hành. Các cơ sở bảo hành này phải được đặt tại các tỉnh, thành phố nơi doanh nghiệp kinh doanh xe.
 
Cơ sở bảo hành xe con phải rộng tối thiểu 40m2 - 1

Ngoài ra, các doanh nghiệp này phải tự tổ chức, xây dựng hệ thống bảo hành bảo dưỡng khi kinh doanh xe nhập khẩu ô tô chở người từ 9 chỗ trở xuống và thực hiện bảo hành bảo dưỡng sau bán hàng (hiện tại, trong dự thảo này không tách riêng nhập khẩu ô tô cũ hay mới, mà quy định chung cho cả nhập khẩu xe mới và xe cũ - PV). Đối với các doanh nghiệp được ủy quyền chính hãng sản xuất, xe sẽ được xem xét công nhận đối với từng trường hợp cụ thể.

Về tiêu chuẩn kỹ thuật của các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô, dự thảo của Bộ GTVT còn quy định diện tích tối thiểu cho một vị trí bảo hành, bảo dưỡng, sửa chữa xe con phải đảm bảo từ 40m2 trở lên. Diện tích tối thiểu cho một vị trí làm việc bao gồm sửa chữa tổng thành là 15m2, gò-hàn-lốp là 20m2 và diện tích cho một công nhân tối thiểu là 10m2. Diện tích nhà xưởng dịch vụ kỹ thuật phải được xây dựng có mái che, cửa ra vào có chiều cao tối thiểu 4,5m, chiều rộng tối thiểu là 3m.

Ngoài ra, bản dự thảo này của Bộ GTVT cũng đề ra những yêu cầu rõ ràng về đội ngũ công nhân kỹ thuật (người điều hành các cơ sở bảo dưỡng phải có bằng tốt nghiệp trung cấp cơ khí ô tô trở lên hoặc phải là thợ cơ khí ô tô bậc 5/7; có ít nhất 1 thợ sửa chữa bậc 5/7; các công việc kiểm tra, lắp ráp, điều chỉnh phải do thợ cơ khí ô tô có trình độ tối thiểu từ 3/7 trở lên thực hiện...) cũng như trang thiết bị tối thiểu cho các doanh nghiệp xây dựng hệ thống bảo hành, bảo dưỡng đúng tiêu chuẩn.

Bản dự thảo thông tư của Bộ GTVT còn quy đinh rõ về việc giấy chứng nhận đạt chuẩn này sẽ hết hiệu lực và thu hồi khi các doanh nghiệp nhập khẩu vi phạm nghiêm trọng các quy định liên quan đến việc bảo hành, bảo dưỡng cũng như không thành hiệnv việc bảo hành, bảo dưỡng tại cơ sở đã được đánh giá và xác nhận.

Ông Đỗ Hữu Đức, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, cho biết: “Các quy định tiêu chuẩn cơ sở sửa chữa bảo dưỡng của nhà nhập khẩu là rất cần thiết để nâng cao chất lượng phục vụ, người tiêu dùng sử dụng xe ô tô nhập khẩu sẽ được hưởng các chế độ bảo hành, bảo dưỡng tốt hơn; các doanh nghiệp bán xe nhập khẩu phải có trách nhiệm với sản phẩm mà mình bán ra. Cục Đăng kiểm sẽ là cơ quan có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ, đánh giá và cấp Giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng đối với xe ô tô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống chưa qua sử dụng của các doanh nghiệp nhập khẩu trên cả nước...”.

Việt Hưng