Chính phủ Pháp khiển trách lãnh đạo Renault

(Dân trí) - CEO Carlos Ghosn của Renault đã phải công khai xin lỗi 3 cựu lãnh đạo công ty bị buộc tội gián điệp oan, đồng thời có nguy cơ chịu một số “án phạt” từ chính phủ Pháp.

“Sẽ có những hậu quả đối với sự thiếu chuyên nghiệp một cách đáng kinh ngạc trong việc cáo buộc những người này,” Bộ trưởng Ngân sách Pháp Francois Baroin nói. Chính phủ, cũng là cổ đông lớn nhất của Renault, “không thể bỏ qua sự việc”, ông cho biết.

 

Ông Ghosn, CEO của Renault và Nissan, đang một lúc phải đối mặt với hai cuộc khủng hoảng, một là vụ gián điệp công nghiệp, hai là trận động đất lịch sử tại Nhật Bản tuần trước khiến Nissan phải đóng cửa 6 nhà máy.

 

Ông dự kiến sẽ tới Nhật vào ngày mai để giám sát hoạt động khôi phục sản xuất của Nissan, một nguồn tin nội bộ cho biết. Renault hôm 14/3 đã đề nghị phục chức và bồi thường cho 3 vị lãnh đạo từng bị cáo buộc gián điệp công nghiệp. Cảnh sát đã bác bỏ khẳng định của Renault rằng những người này nhận tiền của các công ty Trung Quốc qua tài khoản ở nước ngoài.
 
Chính phủ Pháp khiển trách lãnh đạo Renault - 1
CEO Carlos Ghosn của Renault

 

Khi vụ gián điệp công nghiệp bắt đầu được làm rõ, sức ép dồn lên ông Ghosn, người đã ủng hộ cáo buộc gián điệp khi phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với đài TF1 hồi tháng 1 rằng ông có trong tay nhiều bằng chứng của sự việc. Ông Ghosn hôm 14/3 đã phải rút lại các cáo buộc và hứa từ bỏ số tiền thưởng 1,6 triệu euro (2,23 triệu USD) và quyền chọn mua cổ phiếu.

 

Phát biểu trên đài LCI, ông Baroin, người đồng thời là phát ngôn viên chính thức của chính phủ Pháp, cho biết, việc từ chức của ông Ghosn không phải là chủ đề chính cần thảo luận lúc này.”

 

Cáo buộc gián điệp công nghiệp đối với 3 cựu lãnh đạo của Renault dựa trên những thông tin nói miệng mà giám đốc an ninh của công ty, ông Dominique Gevrey có được từ một nguồn bí mật mà Renault đã phải trả hơn 300.000 euro - công tố viên Jean-Claude Marin của tòa án Paris cho biết. Ông Gevrey đã bị bắt giam để phục vụ việc điều tra “gian lận có tổ chức”.

 

COO Patrick Pelata cùng các lãnh đạo khác của Renault liên quan đến cuộc điều tra nội bộ dẫn tới các cáo buộc sai lầm trên cũng sẽ phải trả lại toàn bộ tiền thưởng của năm 2010 và không được quyền chọn mua cổ phiếu trong năm nay.

 

Sự việc chưa kết thúc

 

Chính phủ Pháp, hiện nắm giữ cổ phần 15% ở Renault, vẫn đang trông đợi một cuộc điều tra độc lập để truy tận gốc trách nhiệm trong vụ việc này, Bộ trưởng Công nghiệp Pháp Eric Besson cho biết.

 

Ông Carlos Ghosn chịu một số trách nhiệm, vì ông chính là người phát biểu trên đài TF1 rằng ông có bằng chứng của sự việc.

 

Renault đã sa thải giám đốc phát triển Michel Balthazard, cùng phụ tá của ông là Bertrand Rochette và phó giám đốc dự án xe điện Matthieu Tenenbaum hồi tháng 1 năm nay, sau khi cáo buộc họ tổ chức gián điệp công nghiệp.

 

Trước mắt, ông Ghosn sẽ sang Nhật để giám sát việc khôi phục sản xuất của Nissan sau trận động đất lịch sử vào cuối tuần trước. Nissan, nhà sản xuất ô tô lớn thứ hai Nhật Bản, đã phải ngừng hoạt động của 4 nhà máy cho đến ngày 16/3 và hai nhà máy đến ngày 18/3.

 

Nhật Minh

Theo Bloomberg