Câu chuyện kỳ thú về một bộ sưu tập xe Bugatti

(Dân trí) - Những chiếc xe Bugatti được xem như kim cương xanh nước Pháp trong làng ô tô thế giới.

Cho dù giá xe Ferrari cổ luôn là tâm điểm của dư luận, nhưng Bugatti vẫn là hãng sở hữu kỷ lục giá xe đắt nhất thế giới. Một chiếc Type 41 Royale đời 1931 đã được bán đấu giá vào năm 1987 ở mức gần 10 triệu USD, lập và duy trì kỷ lục trong suốt 2 thập kỷ.

 

Trong tháng 5 này, một chiếc Bugatti Type 57SC Atlantic coupe đời 1936 từng giành chiến thắng tại Pebble Beach Concours d’Élégance vào năm 2003 đã được bán với giá hơn 28 triệu USD, theo người phát ngôn của Gooding & Company, nhà đấu giá môi giới thương vụ này.

 

Tuy nhiên, trước đây và cả bây giờ vẫn có những trường hợp xe Bugatti được bán với giá rất “mềm”. Hồi tháng 1 năm nay, một chiếc Brescia Type 22 đời 1922 đã được bán cho một viện bảo tàng với giá 345.000 USD. Đó là chiếc xe đã nằm dưới đáy hồ Maggiore ở Thuỵ Sĩ hơn 70 năm do chủ xe không đủ khả năng trả thuế nhập xe từ Pháp vào Thụy Sĩ.

 

Một thương vụ giá rẻ bất ngờ khác liên quan đến xe Bugatti là vào giữa thế kỷ 20. Một ngày tháng 3/1964, 30 chiếc Bugatti của một người Mỹ đã được chuyển lên tàu hoả ở Illinois, Mỹ, để bán cho một khách hàng ở Pháp mà anh chưa bao giờ gặp mặt, với giá chỉ 85.000 USD, tính cả phí vận chuyển. Số tiền này khi đó tương đương 600.000 USD hiện nay- cho 30 chiếc Bugatti - “rẻ như cho”.

 
Câu chuyện kỳ thú về một bộ sưu tập xe Bugatti - 1
 

Bên bán là John W. Shakespeare (ảnh trên), một người giàu có đam mê đua xe thể thao. Anh sinh năm 1905, sở hữu ngoại hình đẹp như một tài tử điện ảnh. Ông theo học toán và vật lý tại Học viện công nghệ Carnegie, quan tâm tới lĩnh vực dầu mỏ, bất động sản và xe hơi.

 

Bên mua là Fritz Schlumpf, từng là một nhà môi giới than, sau đó trở thành người buôn len sừng sỏ ở Pháp.

 

Shakespeare và Schlumpf  biết nhau qua sự giới thiệu của hai người hâm mộ Bugatti.

 

Năm 1957, sau cái chết của người mẹ, Schlumpf sử dụng tiền thừa kế để lập một bộ sưu tập ô tô. Ông yêu thích xe hơi nói chung và những chiếc Bugatti nói riêng. Khi bộ sưu tập mở rộng đến mức biệt thự của gia đình không đủ chỗ chứa, ông đã mua một nhà máy sợi cũ và một khách sạn lớn để trưng bày xe.

 

Để có được một bảo tàng xe, Schlumpf đã gửi thư đến các chủ xe Bugatti ở khắp nơi trên thế giới, thuyết phục họ bán xe cho mình. Năm 1962, thư đề nghị của Schlumpf đến tay Shakespeare, người đang muốn bán bộ sưu tập xe Bugatti của mình với giá 105.000 USD.

 

Schlumpf đã yêu cầu được cung cấp số seri và ảnh của xe cũng như đồ dự phòng, đồng thời mặc cả giá xuống còn 70.000 USD nếu những chiếc xe không tỳ vết. Schlumpf cũng cho biết dù rất muốn tới tận nơi xem bộ sưu tập, nhưng ông không có thời gian. Vì có khá nhiều người am hiểu lĩnh vực này nên ông gợi ý chọn ai đó mà cả hai bên đều tin tưởng tuyệt đối để thực hiện giao dịch.
 
Câu chuyện kỳ thú về một bộ sưu tập xe Bugatti - 2

 

Và người được chọn là Bob Shaw, một thành viên của câu lạc bộ chủ xe Bugatti đang sống tại Illinois, Mỹ. Một tháng sau khi có những trao đổi ban đầu giữa bên bán và bên mua, Shakespeare mời ông Shaw tới kiểm tra bộ sưu tập xe Bugatti của mình, lưu ý trước rằng 5 chiếc xe đã được “mổ” để phục chế.

 

Shakespeare cho biết chủ một sòng bạc mê sưu tập xe rất thích chiếc Type 41 Royale limousine trong bộ sưu tập này, nhưng vì muốn tất cả 30 chiếc Bugatti được về cùng một chỗ, nên ông có thể chấp nhận lỗ.

 

Bản báo cáo của ông Shaw sau khi tới xem bộ sưu tập xe của Shakespeare vào đầu năm 1963 có đoạn: “Gara để xe là một xưởng đúc được cải tạo. Hầu hết xe được để trong nhà, trên sàn bụi bẩn, cửa kính vỡ, mái dột và có tổ chim trong nhà. Tất cả xe đều không được chăm sóc cẩn thận và hoạt động trong ít nhất 18 tháng.”
 
Câu chuyện kỳ thú về một bộ sưu tập xe Bugatti - 3


Câu chuyện kỳ thú về một bộ sưu tập xe Bugatti - 4

 

Thông tin này chẳng hề khiến Schlumpf nảm lòng. Ông nâng giá lên 85.000 USD và bắt đầu làm thủ tục thanh toán để sở hữu cả 30 chiếc Bugatti càng sớm càng tốt.

 

Khi chuẩn bị chuyến số xe Bugatti cho Schlumpf, thợ cơ khí của Shakespeare phát hiện ra rằng vỏ động cơ 8 xy-lanh thẳng hàng của chiếc Royale đã bị nứt. Schlumpf gợi ý hàn lại.

 

Trong một năm sau đó, hai bên nảy sinh nhiều mâu thuẫn. Shakespeare có lần doạ huỷ thương vụ, còn Schlumpf doạ kiện Shakespeare ra toà. Nhưng rồi cuối cùng hai bên cũng tìm được tiếng nói chung.

 

Vào lúc 8 giờ 30 phút ngày 30/3/1964, bộ sưu tập gồm 30 chiếc Bugatti của Shakespeare được chuyển lên 3 toa tàu mở, chuyên dụng chở ô tô, tại Illinois.
 
Câu chuyện kỳ thú về một bộ sưu tập xe Bugatti - 5
 
Câu chuyện kỳ thú về một bộ sưu tập xe Bugatti - 6

Câu chuyện kỳ thú về một bộ sưu tập xe Bugatti - 7
Một chiếc Bugatti Type 57S đang được đưa lên toa tàu, phía sau là chiếc Bugatti Royale
 
Câu chuyện kỳ thú về một bộ sưu tập xe Bugatti - 8

Một chiếc Type 13 đời 1914

Câu chuyện kỳ thú về một bộ sưu tập xe Bugatti - 9

Một chiếc Type 55 đời 1932 đang được chuyển lên tàu

Câu chuyện kỳ thú về một bộ sưu tập xe Bugatti - 10

Câu chuyện kỳ thú về một bộ sưu tập xe Bugatti - 11

Câu chuyện kỳ thú về một bộ sưu tập xe Bugatti - 12


Câu chuyện kỳ thú về một bộ sưu tập xe Bugatti - 13

 
Sau hành trình bằng tàu hoả tới New Orleans và đi đường biển tới Le Havre, Pháp, 30 chiếc Bugatti về tay chủ mới - Schlumpf.

 

Khoảng chục năm sau đó, Schlumpf lặng lẽ thuê một nhóm nghệ nhân phục chế toàn bộ số xe. Khi các công nhân biểu tình đột nhập các khu nhà máy của Schlumpf vào năm 1977, họ phát hiện "kho báu" bên trong, với khoảng 600 chiếc ô tô bóng lộn, trong đó có 122 chiếc Bugatti.

 

Các nhà máy của Schlumpf sau đó bị trưng thu và hai anh em ông bị khép vào nhiều tội, trong đó chủ yếu là vi phạm luật thuế, bị kết án 4 năm tù, cùng nhiều mức phạt. Tuy nhiên, họ đã trốn sang Thuỵ Sĩ. Trước khi qua đời vào năm 1992, Fritz Schlumpf chỉ một lần duy nhất được thăm lại bộ sưu tập xe hơi đồ sộ của mình.

 

Về phần John W. Shakespeare, ông cũng có một kết cục buồn. Năm 1975, ông bị sát hại trong tầng hầm nhà mình ở Illinois. Nghi phạm ở 10 tiểu bang và 3 nước ngoài đã bị thẩm vấn nhưng đến nay vụ án vẫn chưa có câu trả lời.
 
Câu chuyện kỳ thú về một bộ sưu tập xe Bugatti - 14

 

Năm 1981, các toà án ở Pháp đã thanh lý toàn bộ tài sản của Schlumpf. Bộ sưu tập xe Bugatti được đưa vào bảo tàng ô tô ở Mulhouse, Pháp.

 

Tuy nhiên, câu chuyện về bộ sưu tập xe này chưa dừng ở đó.

 

Năm 2008, 62 chiếc Bugatti nằm trong bộ sưu tập của Schlumpf ở Mulhouse được bán cho Peter Mullin, một thương gia người Mỹ đang lập bảo tàng ô tô Art Deco ở Oxnard, tiểu bang California. Sau đó, ông Mullin bán đi một nửa số xe. Số còn lại, trong đó có 6 chiếc nằm trong bộ sưu tập của Shakespeare, được chuyển sang Mỹ.

 

Thay vì phục chế để số xe này có thể lăn bánh, bảo tàng ô tô của ông Mullin giữ các xe nguyên trạng. Đây cũng chính là bảo tàng hiện sở hữu chiếc Type 22 Bugatti vớt được dưới hồ ở Thuỵ Sĩ. Chiếc xe này cũng được giữ nguyên trạng.

 

Nhật Minh

Theo NYT