Câu chuyện buồn của công nhân GM

(Dân trí) - Kevin Corkhill chỉ là một trong hàng ngàn người vừa bị mất việc làm do nhà máy lắp ráp ô tô của GM ở thành phố Janesville, thuộc tiểu bang Wisconsin, đóng cửa. Đa số đang loay hoay lo lắng tìm lối thoát cho tương lai.

 
Câu chuyện buồn của công nhân GM  - 1
Kevin Corkhill với ánh mắt đượm buồn đứng trước nhà máy của General Motors (GM) ở Janesville, tiểu bang Wisconsin. (Ảnh: NYT)

 

Kevin Corkhill lớn lên vào đúng thời điểm và ở đúng nơi ngành chế tạo nói chung và ô tô nói riêng từng là “vua” - tiểu bang Wisconsin. Nhưng thời hoàng kim đó đã qua, hiện ông vừa bị sa thải khỏi nhà máy của GM và chưa biết tương lai ra sao.

 

Ông vẫn chưa quyết định thử xin việc tại một nhà máy khác của GM, chuyển việc, hay trở lại trường học. Gần đây, trong một lần tới trụ sở của Nghiệp đoàn ô tô Mỹ (UAW) tại Wiscosin, ông đã chỉ cho cậu con trai 8 tuổi của mình bức ảnh đen trắng chụp ông nội ông từ thời Thế chiến thứ Hai.

 

“Ông của bố làm việc tại đây, và bố của bố cũng làm việc tại đây,” Corkhill nói. “Bố của bố từng nói với bố rằng, con làm việc chăm chỉ để tạo ra những điều tốt đẹp cho thế hệ sau. Nhưng giờ đây bố sợ sẽ không còn cơ hội làm điều đó nữa.”

 

Ông đã phải quay mặt đi chỗ khác để giấu con trai những giọt nước mắt.

 

Tại thành phố Janesville, tiểu bang Wisconsin, việc mất đi nhà máy GM 90 năm tuổi cùng với 2.500 việc làm đã thổi bùng lên làn sóng giận dữ xen lẫn bối rối, lo lắng và đau đớn cho người dân ở đây.

 

Nhà máy GM ở Janesville đóng cửa, kéo theo hàng loạt nhà cung cấp ở quanh đó, đồng nghĩa với việc thành phố này mất đi 4.000 việc làm, tương đương hơn 6% dân số thành phố.

 

Nhận tiền đền bù thôi việc, hơn 1.000 người trong số này đã quay lại trường học, vì không thể tìm được việc ở nơi khác trong thành phố. Họ muốn tìm cơ hội kiếm sống khác, bằng cách học thêm nghề hàn, y tá, nấu ăn,…
 
Câu chuyện buồn của công nhân GM  - 2
Cơ sở ở Janesville, tiểu bang Wisconsin là một trong những nhà máy lâu đời nhất của GM, đã sản xuất xe bán tải, SUV và cả máy kéo từ năm 1919. (Ảnh: Janesville Gazette)
 
Hợp đồng lao động ký với nhà máy GM, theo các điều kiện của UAW, giúp những người vừa mất việc được nhận một khoản tiền kha khá - 48 tuần thất nghiệp được đền bù bằng 36 tuần lương và bảo hiểm y tế. Nhưng “tiền núi” rồi cũng hết, và trong tương lại họ khó có cơ hội tìm được một công việc có mức lương trung bình 28 USD/giờ như khi làm việc tại nhà máy GM.
 

Ông Robert Borremans, giám đốc điều hành Uỷ ban phát triển lực lượng lao động Tây Nam Wisconsin, tổ chức hỗ trợ việc làm cho người thất nghiệp của địa phương, cho biết: “Không có nhiều việc làm với mức lương 20 USD/giờ ở khu vực này. Nếu mọi người cần tới chừng đó để duy trì cuộc sống thì nên tìm chỗ khác.”
 

Hy vọng của nhiều người lao động ở đây là năm nay tình hình sẽ khá hơn. Trong khi đó, nhiều người bắt đầu tìm kiếm cơ hội mới.

Kimberly Pope, sau 30 năm làm thợ điện cho GM, đã nộp đơn theo học khoá đào tạo kỹ thuật điện X-quang.
 
Bill Truman, từng là nhân viên lái xe tải cho một nhà cung cấp của GM, đang dự định học thêm chuyên môn quản lý hàng vận và kho vận.
 
Diane Kudrna, một trong 800 công nhân gần đây bị mất việc do nhà máy Lear chuyên sản xuất ghế cho xe thể thao việt dã đóng cửa, đã có công việc mới - phụ tá cho một bác sỹ thú y, với mức lương 12,5 USD/giờ.
 
Trong khi đó, Robert Phelps, sau 13 năm làm việc tại Lear, đã đăng ký tham gia khoá học nấu ăn  2 năm tại Trường kỹ thuật Blackhawk để thực hiện ước mơi mở nhà hàng hoặc cung cấp dịch vụ ăn uống mà anh đã ấp ủ từ lâu. Giờ đây tôi đã có đủ điều kiện tài chính để đi học, vì vợ anh gần đây đã được nhận vào làm thư ký cho một trường học. “Việc nhà máy đóng cửa lại mở ra nhiều ‘cánh cửa’ khác cho tôi”.
 
Số đơn đăng ký theo học tại Trường kỹ thuật Blackhawk đã tăng 1.800 so với năm ngoái, tương đương mức 23%. Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Một phần ba đến một nửa những người bị mất việc gần đây đã nộp đơn vào trường chúng tôi. "Họ tìm các khoá học ngắn hạn với hy vọng có được việc làm thu nhập cao hơn. Mối lo của tôi là, liệu những công việc có còn ở đó khi họ học xong?” 
 
Câu chuyện buồn của công nhân GM  - 3
Các công nhân buồn bã rời nhà máy của GM tại thành phố Janesville, tiểu bang Wisconsin, sau khi chiếc xe cuối cùng, Chevy Tahoe màu đen, rời dây chuyền sản xuất vào ngày 23/12/2008. (Ảnh: Reuters) 
 

Nhiều công nhân vừa thất nghiệp của GM hiểu rằng không dễ tìm một công việc mới trong tình hình kinh tế khó khăn. Những người đã có thâm niên tại GM từ 20 năm trở lên đang cố thử tìm cơ hội việc làm tại các nhà máy khác của GM, nhằm đạt đủ thâm niên 30 năm để được hưởng mức lương hưu đầy đủ là 36.000 USD/năm. Tuy nhiên, vấn đề là các nhà máy khác của GM cũng hạn chế nhận công nhân loại này.

 

Các công nhân đang lo lắng về tương lai, nếu tình hình kinh tế không được cải thiện. Một số thậm chí cầu nguyện rằng trước khi khoản tiền đền bù thất nghiệp của họ hết, GM sẽ mở cửa lại nhà máy để họ được đi làm.

 

Trở lại trường hợp Kevin Corkhill đã nhắc tới ở phần đầu, anh cũng thử tìm cơ hội để được vào làm việc tại một nhà máy khác của GM, nhưng tương lai không mấy lạc quan. Để giải quyết khó khăn, anh đã phải cắt điện thoại và giảm sử dụng truyền hình cáp.
 
Câu chuyện buồn của công nhân GM  - 4
Ông Barack Obama phát biểu tại nhà máy của GM ở Wisconsin khi còn đang trong chiến dịch vận động tranh cử hồi tháng 2 năm ngoái

 

“Tôi rất tức giận trước bức tranh kinh tế hiện nay,” ông nói. “Tình hình đã khác nhiều do với hồi tháng 2 năm ngoái, khi ứng viên tổng thống Barack Obama tới nhà máy vận động tranh cử, thông báo kế hoạch việc làm trị giá 150 tỷ USD và nói rằng với một số biện pháp hỗ trợ của chính phủ, nhà máy này sẽ còn tồn tại thêm 100 năm nữa.”

 

Không lâu sau đó, giá dầu leo thang, nền kinh tế suy giảm và doanh số tiêu thụ xe thể theo việt dã giảm 40%, đưa đến một kết cục buồn cho nhà máy.

 

Còn với Kimberly Pope, người từng rất tự hào vì có thể cho hai con theo học Đại học Marquette và Đại học Wisconsin, giờ đây lo rằng trong tương lai chị sẽ bị đấy ra khỏi tầng lớp trung lưu, vì việc làm có mức lương 25-30 USD/giờ ngày càng hiếm, trong khi mức thu nhập này mới đủ để người ta cho con theo học đại học mà không phải lo nghĩ nhiều về tiền bạc.

 

“GM đã cho tôi và các con tôi những cơ hội tuyệt vời, nhưng giờ đây tôi không còn nhìn thấy những cơ hội như thế nữa ở quanh đây,” chị nói.

 

Đây cũng chính là lý do Andy Richardson, chủ tịch UAW tại Wisconsin và cũng là người có 24 năm làm việc tại GM, hy vọng nhận được việc làm tại một nhà máy khác của GM. Ông sẵn sàng chuyển tới bang khác làm việc dù không thể mang theo gia đình, vì vợ ông đang có một công việc tốt, còn hai cô con gái là những vận động viên sáng giá ở Wisconsin.

 

Hy vọng cuối cùng của ông là không phải làm việc tại một nhà máy của GM ở cách xa nhà quá 5 tiếng di chuyển. Cũng như Kevin Corkhill, ông đã phải cố giấu những giọt nước mắt khi nghĩ về tương lai.

 

Nhật Minh

Theo IHT