Các hãng xe Trung Quốc chưa từ bỏ tham vọng
(Dân trí) - Chưa một lần chinh phục thành công các thị trường phát triển, sau nhiều lần thử, nhưng các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc tiếp tục nuôi tham vọng ghi danh trên bản đồ ngành công nghiệp ô tô thế giới. Các thị trường mới nổi được coi như bước đệm cần thiết.
Ngân hàng phát triển Trung Quốc cũng cấp khoản tín dụng 43 tỷ nhân dân tệ (6,6 tỷ USD) trong vòng 5 năm tới nhằm giúp Chery Automobile, nhà sản xuất ô tô tư nhân lớn nhất Trung Quốc, củng cố vị thế ở các thị trường nước ngoài.
“Chính phủ Trung Quốc có một kế hoạch tổng thể nhằm đưa các nhà sản xuất ô tô nước này ra trường quốc tế, và trong năm nay khuyến khích họ mở rộng hoạt động tại các thị trường châu Phi, Nam Mỹ và châu Á, nơi nhu cầu đối với ô tô giá rẻ đang tăng do sự phát triển cơ sở hạ tầng nhanh chóng, cũng do Trung Quốc hỗ trợ,” nhà phân tích Namrita Chow nêu trong báo cáo mới đây của công ty nghiên cứu thị trường ô tô IHS. “Hầu hết các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đều đã công bố kế hoạch xây dựng nhà máy ở nước ngoài.”.
Các thị trường mới nổi là mục tiêu hàng đầu, là bước thử nghiệm để các hãng xe chinh phục các thị trường phát triển.
Tập đoàn công nghiệp ô tô Bắc Kinh (BAIC) dự kiến bán xe tải và xe buýt hiệu Foton ở Ấn Độ, Nga, Mexico, Thái Lan và Brazil.
Mục tiêu và lộ trình của các hãng rất khác nhau.
“Chery Automobile có thể là nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đầu tiên có nhà máy ở nước ngoài, lắp ráp xe dưới dạng CKD tại Iran vào năm 2003, tiếp đến là tại Nga, Ukraine, Brazil, Uruguay và Indonesia,” giáo sư Tomoo Marukawa của Đại học Tokyo cho biết.
Chery hiện vận hành 14 nhà máy ở nước ngoài, và 4 nhà máy khác đang trong quá trình xây dựng. Hãng kỳ vọng doanh số năm nay ở nước ngoài sẽ đạt 120.000 xe, tăng 30% so với mức 91.986 của năm 2010.
Great Wall cũng đang lắp ráp xe ở 12 thị trường mới nổi, trong đó có Nga, Ukraine, Philippines, Việt Nam, Iran, Ai Cập, Senegal và Ethiopia. Công ty cũng dự kiến xây dựng thêm 4 nhà máy nữa ở nước ngoài vào năm 2015.
Tổng tiêu thụ ô tô con của các thị trường lớn ở châu Phi (gồm Ai Cập, Marốc, Nam Phi và Tunisia) đạt 637.308 xe trong năm 2010, trong đó xe Trung Quốc chỉ chiếm 4%, theo IHS Automotive, và tiềm năng thị trường tăng trưởng 60% vào năm 2015.
Các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đang nhắm tới một miếng bánh lớn hơn tại châu Phi.
Ở Ai Cập, nơi ô tô Trung Quốc thống lĩnh sàn Triển lãm Formula Al Ahran 2011, xe của Shenyang Brilliance, Great Wall, Jianghuai Auto và Chery đang được lắp ráp theo hợp đồng uỷ nhiệm.
Theo thông tin trên website của Chery, doanh số của hãng tại Ai Cập trong năm 2010 đạt 18.000 xe, với tỷ lệ nội địa hoá 45%, chiếm 7,5% thị phần ô tô nước này.
IHS Automotive đánh giá Nam Phi là thị trường trọng yếu của các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc, dù thị phần mới của họ trong tổng tiêu thụ 3,6 triệu xe trên toàn thị trường trong năm 2010 mới chỉ là 1,3%.
Theo IHS, tiêu thụ ô tô của khu vực thị trường này sẽ tăng 32,8% lên 4,7 triệu xe vào năm 2015, và thị phần của xe Trung Quốc sẽ tăng khi sản lượng tại đây tăng lên.
Tại Peru, theo hãng tin Reuters, các thương hiệu ô tô Chery, Zhejiang Geely và Great Wall nằm trong top các nhãn hàng Trung Quốc bán chạy nhất. Giới phân tích dự báo tiêu thụ ô tô mới tại Peru sẽ tăng 41,5% lên 170.000 xe trong năm nay, và thị phần của xe Trung Quốc sẽ tăng từ 12% lên 15%.
“Giá xe Trung Quốc là một yếu tố quan trọng với khách hàng Peru,” ông Edwin Darteano, Phó chủ tịch Hiệp hội ô tô Peru, nhận định.
Trong khi đó, ở Chilê, ô tô Trung Quốc hiện chiếm thị phần 7%, so với mức chỉ 1% ở Brazil.
Do doanh số chưa cao nên ở các thị trường mới nổi này, hiện các hãng xe Trung Quốc chủ yếu lắp ráp dạng CKD, với linh kiện, phụ tùng nhập từ Trung Quốc.
“Nhiều nhà máy lắp ráp xe Trung Quốc ở nước ngoài thuộc sở hữu của các nhà sản xuất địa phương ký hợp đồng lắp ráp với hãng xe Trung Quốc,” giáo sư Marukawa cho biết.
Hiện chỉ có vài doanh nghiệp ô tô Trung Quốc “mon men” các thị trường phát triển, trong đó có Chery bắt đầu xuất khẩu xe sang Australia, và Tập đoàn công nghiệp ô tô Thượng Hải (SAIC) cùng với Great Wall xuất xe sang Israel.
SAIC, tập đoàn ô tô lớn nhất Trung Quốc, đã bắt đầu đẩy mạnh phát triển các mẫu xe của riêng mình, nhằm giảm sự lệ thuộc vào các đối tác liên doanh là General Motors (GM) và Volkswagen.
DAIC đã bắt đầu lắp ráp mẫu MG6 tại Anh, với phụ tùng sản xuất tại Trung Quốc, và dự kiến xuất khẩu mẫu Maxus Daton V80 từ Trung Quốc sang Anh, Nam Phi và một số thị trường Đông Nam Á.
J.D. Power & Associates cho biết xuất khẩu xe của Trung Quốc đã tăng 38% lên 648.951 chiếc vào năm 2008, sau đó giảm 53% xuống còn 285.533 chiếc vào năm 2009 do nhu cầu của thị trường Nga sụt giảm và ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Năm ngoái, xuất khẩu ô tô của Trung Quốc tăng 56% lên 510.064 xe, và trong 5 tháng đầu năm nay đã tăng 54% lên 231.386 xe, hướng tới mức 550.000 xe trong cả năm 2011.
Bán xe ở nước ngoài không dễ dàng với các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc. Giá rẻ là yếu tố hấp dẫn nhất của họ, nhưng hoạt động marketing còn sơ khai.
“Chiến lược ở nước ngoài của các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc, ít nhất cho tới năm 2009, là bán được càng nhiều xe càng tốt ở một nước nào đó, và sau đó chuyển sang nước khác, chứ không phải là thiết lập mạng lưới đại lý hay dịch vụ hậu mãi,” giáo sư Marukawa phân tích.
Trong khi đó, nhà phân tích Chow của công ty IHS cho rằng, danh tiếng của các hãng xe Trung Quốc thường không tốt. Họ không những phải tung ra những mẫu xe hấp dẫn, mà còn phải xây dựng dịch vụ hậu mãi, hệ thống đại lý chuyên nghiệp và nhiều thứ khác có thể mới đối với họ nhưng cần có ở các thị trường phát triển. Họ phải rất nỗ lực mới thuyết phục được khách hàng.
Bà Chow cho biết thêm: “Các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc nhận ra rằng họ phải hợp sức lại. Trung Quốc hiện có Chương trình đánh giá xe mới của chính phủ, với những tiêu chuẩn khắt khe hơn, và hiện đã có những trung tâm kỹ thuật để kiểm tra xe mới và xếp hạng an toàn.”
Nhật Minh
Theo Ward’s Auto