Bổ sung các đối tượng được miễn chịu phí lưu hành

(Dân trí) - Đã có những thay đổi đáng kể về tên gọi và đối tượng nộp các loại phí lưu hành vừa được bổ sung đề xuất trong văn bản Bộ Giao thông Vận tải trình Thủ tướng Chính phủ.

Sự thay đổi được cho là nổi bật nhất trong Tờ trình số 1818/BGTVT - TC của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa gửi Thủ tướng Chính phủ hôm 16/3 là tên gọi phí Lưu hành phương tiện giao thông cá nhân đường bộ đối với xe ô tô dưới 9 chỗ và xe mô tô (theo đề xuất cuối tháng 12/2011 - PV) được đổi thành phí Hạn chế phương tiện giao thông cá nhân đường bộ. Phí ô tô đi vào trung tâm giờ cao điểm vẫn được Bộ GTVT bảo lưu tên gọi.

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng giải thích trong tờ trình: “Việc đổi tên gọi như vậy là để cho sát với mục tiêu và nội dung của phí như góp ý của Bộ Tài chính”.

Bổ sung các đối tượng được miễn chịu phí lưu hành

Theo đề xuất bổ sung, một số đối tượng phương tiện đã được loại khỏi danh sách chịu phí.

Theo đó, một số phương tiện đã được loại khỏi danh sách thu phí Hạn chế phương tiện giao thông cá nhân đường bộ là xe ô tô thuộc các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập; xe quân đội; xe công an; xe của cơ quan, tổ chức ngoại giao nước ngoài.

Trước đó, tại văn bản số 3092/BTC-HCSN ngày 8/3/2012, Bộ Tài chính còn đề nghị Bộ GTVT loại trừ thu đối với xe của doanh nghiệp, tổ chức. Tuy nhiên, Bộ GTVT không thay đổi quan điểm thu phí đối với đối tượng này vì cho rằng nhiều xe ô tô tham gia giao thông như là phương tiện giao thông cá nhân nhưng về hình thức lại thuộc sở hữu của doanh nghiệp, tổ chức.

Với Tờ trình Thủ tướng hôm 16/3, Bộ GTVT giữ nguyên các mức thu đối với xe ô tô dưới 9 chỗ và xe mô tô như tờ trình trước đây nhưng giảm mức phí so với năm liền kề trước đó từ 10% xuống còn 5%/năm.

Cụ thể: áp dụng mức thu phí đối với xe ô tô từ 20 triệu/năm đến 50 triệu đồng/năm. Trong đó, mức phí 20 triệu đồng/năm áp dụng đối với ô tô có dung tích xi lanh không quá 2.000 cm3; ô tô có dung tích xi lanh từ trên 2.000 cm3 đến 3.000 cm3 áp thu 30 triệu đồng/năm và 50 triệu đồng/năm cho ô tô có dung tích xi lanh trên 3.000 cm3.

Mức thu đối với xe mô tô từ 500.000 đồng/năm đến 1 triệu đồng/năm. Trong đó, 500.000 đồng/năm cho mô tô có dung tích xi lanh dưới 175 cm3 và 1 triệu đồng/năm cho mô tô có dung tích xi lanh từ 175 cm3 trở lên.

Trao đổi với báo giới về mức thu này, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết: “Các mức thu này là phù hợp vì vừa hạn chế được sự phát triển số lượng phương tiện cá nhân, khuyến khích người dân sử dụng các phương tiện giao thông công cộng nhưng không tạo thêm gánh nặng kinh tế cho nhân dân”.

Với sự thay đổi này, Bộ GTVT đánh giá số lượng xe ô tô chịu sự tác động của chính sách thu phí phương tiện cá nhân là 612.691 xe (tương ứng với 612.691 chủ phương tiện, chiếm 0,77% dân số cả nước). Các xe này phần lớn được sử dụng cho các mục đích cá nhân (tuy có một số xe ô tô tham gia hoạt động vận tải là xe taxi, nhưng tỷ trọng khối lượng vận chuyển không lớn - PV). Vì vậy, về cơ bản không ảnh hưởng đến giá cả thị trường, giá thành hoạt động sản xuất kinh doanh.

Phí ô tô đi vào trung tâm giờ cao điểm gần như được giữ nguyên như đề xuất trước đó của Bộ GTVT. Đối tượng thu phí ô tô đi vào trung tâm thành phố giờ cao điểm vẫn sẽ là xe ô tô các loại, trong đó miễn thu phí đối với các loại xe công (xe cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập; xe quân đội; xe công an) và xe ô tô buýt.

Được biết, việc tổ chức thu phí sẽ thí điểm ở 5 thành phố lớn trực thuộc Trung ương, gồm: Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Cần Thơ và Hải Phòng. Khu vực thu và mức thu cụ thể sẽ do UBND cấp tỉnh quy định trên cơ sở nghị quyết của Hội đồng nhân dân. Dự kiến, mức thu 30.000 đồng/lượt đối với xe ô tô chở người đến 7 chỗ ngồi và 50.000 đồng/lượt đối với các loại ô tô còn lại.

Trong một diễn biến khác liên quan đến việc thu phí bảo trì đường bộ đang thu hút sự quan tâm lớn của dư luận xã hội, tại cuộc họp triển khai Nghị định của Thủ tướng về thành lập Quỹ Bảo trì đường bộ (BTĐB) sáng 20/3, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường khẳng định quyết tâm đưa Quỹ bảo trì đường bộ vào hoạt động đúng thời hạn. Mức phí, cách thức thu chi và bộ máy điều hành Quỹ bảo trì đã được Bộ GTVT dự thảo.

Vào cuối năm 2011, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các Bộ, ngành liên quan, Bộ GTVT đã trình Thủ tướng Chính phủ phương án và các mức thu phí trong Đề án Qũy bảo trì đường bộ. Đối với ô tô, phí bảo trì được dự kiến gồm 7 mức thu áp dụng với từng loại ôtô, trong đó mức cơ bản - mức thấp nhất tính với nhóm xe cơ sở là 180.000 đồng/tháng/xe, cao nhất là nhóm xe có tải trọng từ 18 tấn trở lên 1,44 triệu đồng/tháng/xe.

Phí bảo trì đối với môtô, xe gắn máy, mức phí do UBND cấp tỉnh quyết định trên cơ sở nghị quyết của HĐND, trong khung mức thu phí môtô được Bộ Tài chính ban hành. Dự kiến, có 4 khung áp dụng với từng loại xe có dung tích xi lanh khác nhau, thấp nhất 80.000 đồng, cao nhất 225.000 đồng/năm/xe. Mức này được tính toán dựa trên số km chạy trung bình một tháng là 400 - 500km, mức tiêu hao xăng khoảng 2 lít/100km.

Được biết, vào đầu tuần tới đây, Bộ GTVT sẽ họp bàn với Bộ Tài chính để thống nhất về cách thu, mức thu phí bảo trì được bộ và nhiều nội dung khác liên quan. Đầu tháng 4/2012, các cơ quan có thẩm quyền cần ban hành các văn bản pháp lý cần thiết, gồm có Thông tư của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ thu, quản lý thu phí sử dụng đường bộ, Thông tư của liên Bộ GTVT - Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng Quỹ BTĐB, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành cơ cấu tổ chức, bộ máy quản lý và quy chế hoạt động của Hội đồng quản lý Quỹ BTĐB Trung ương.

Quỳnh Anh