Giới trẻ Hàn Quốc ngày càng... ngại kết hôn

Theo Yonhap, giới trẻ Hàn Quốc đang ngày càng ngại kết hôn, do áp lực tài chính đè nặng lên vai các cặp đôi khi chi phí cho một đám cưới trung bình lên tới hơn 100 triệu Won (khoảng 100.000 USD), chưa kể khoản tiền phải chi ra để mua căn hộ ở các thành phố lớn.

Với tỉ lệ thất nghiệp ở độ tuổi 15 - 29 đang tăng cao kỉ lục, gánh nặng về tài chính là rào cản không hề nhỏ đối với những cặp đôi Hàn Quốc hiện nay. Vì nguyên nhân này mà họ quyết định trì hoãn việc kết hôn và mơ ước về "ngôi nhà và những đứa trẻ" của mình.

 

Theo dữ liệu thống kê của Hàn Quốc vào năm 2013, độ tuổi trung bình kết hôn ở nam giới là 32,2 và ở nữ giới là 29,6; nhiều hơn 2 tuổi so với thanh niên một thập kỉ trước. Số lượng các cặp vợ chồng kết hôn cũng đang có xu hướng giảm dần. Thực tế "ảm đạm" này đã dẫn tới sự hình thành hiện tượng "sampo-jok" - nghĩa là những người nói không với hẹn hò, hôn nhân và con cái - vì lí do kinh tế.

 

Đối với các cặp đôi thực sự muốn kết hôn, họ buộc phải lựa chọn cách tổ chức đám cưới quy mô nhỏ và tiết kiệm hơn. Kim Go-eun, một nhân viên xã hội 29 tuổi, quyết định không chụp ảnh cưới ở studio để tiết kiệm tiền. Thay vào đó, cô nhờ các em mình ghi lại những khoảnh khắc của hai vợ chồng tại những nơi mà họ đã từng hẹn hò.

 

Kim cho hay: "Tôi muốn có những bức ảnh đặc biệt chứ không phải là những khuôn hình đẹp nhưng giống hệt nhau. Tôi cũng có thể tự thực hiện việc này mà chỉ mất một nửa chi phí so với giá của studio".
 
Giới trẻ Hàn Quốc ngày càng... ngại kết hôn
Những bức ảnh cưới lung linh nhưng khuôn mẫu là một phần trong đám cưới tại Hàn Quốc. Ảnh: IDO Wedding

 

Xu hướng tổ chức "đám cưới tiết kiệm" phổ biến tới mức giờ đây chỉ cần một cú nhấp chuột trên mạng Internet là các khách hàng đều có thể tìm thấy cho mình hàng trăm doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ cho thuê liên quan đến đám cưới, từ thuê váy áo, trang điểm cho đến các hội trường, studio.

 

Chính sách "thắt lưng buộc bụng" cũng khiến giới trẻ Hàn Quốc thiên về việc lựa chọn các địa điểm công cộng để tổ chức hôn lễ hơn là thuê các hội trường sang trọng. Xu hướng này đã khiến ban quản lí các công trình công cộng như thư viện, hội trường thị trấn, thậm chí cả Văn phòng Tổng thống quyết định "làm thêm" vào cuối tuần để phục vụ các cặp đôi. Chẳng hạn như giá cho thuê, trả trước 6 tháng của Hội trường Nhân dân Seoul ở hầm Tòa thị chính là 66.000 Won/lần.

 

Kết quả của một cuộc khảo sát khác của Cơ quan tiêu dùng Hàn Quốc cũng cho thấy, các cặp đôi mới cưới gặp khá nhiều áp lực trong việc tìm một căn hộ để sống. Trung bình họ sẽ dành khoảng 272 triệu Won (272.000 USD) để mua nhà hoặc 154 triệu Won (154.000 USD) cho "jeonse" - một dịch vụ cho thuê nhà với hợp đồng hai năm một.

 

Không chỉ gánh trên vai áp lực về tài chính, các cặp đôi còn phải tìm cách làm hài lòng các vị phụ huynh của mình. Tại Hàn Quốc, nhiều người vẫn coi đám cưới như sự kiện của phụ huynh hơn là của cô dâu và chú rể.

 

Một số phụ huynh "tận dụng" đám cưới như một cơ hội để kiếm tiền. Kim cho biết, nhiều phụ huynh muốn mời hàng trăm khách đến dự đám cưới của con mình, vì thế họ sẽ rất thất vọng nếu như con cái mình tổ chức một đám cưới quy mô nhỏ.

 

Vì tất cả những nguyên nhân trên mà giờ đây, nhiều cặp đôi Hàn Quốc đã chọn cách trì hoãn kết hôn, bởi việc cân bằng áp lực kinh tế và kì vọng của cha mẹ quả là một điều không dễ dàng trong thời đại hiện nay.

  

Theo Thục Anh

Tuổi trẻ thủ đô