Yoko? Ai rứa hỉ?

Sinh ra lớn lên ở Tokyo, học ở Mỹ, tốt nghiệp thạc sĩ ở Anh chuyên ngành phát triển cộng đồng, hiện làm dự án nghiên cứu về dân Vạn Đò xứ Huế, chi - mô - răng - rứa giọng Huế nhuyễn nhừ không khác chi o Huế chính hiệu. Đôi nét về Koseki Yoko như... rứa!

Một lần du lịch đến Việt Nam, trọ ở nhà nghỉ bình dân khu Đề Thám, cô chủ nhà gặp Yoko gợi chuyện làm quen, nói Yoko có nét giống người Việt, và hỏi cô có tính quay trở lại làm việc tại Việt Nam. Nghe vậy, nhưng Yoko chẳng mấy quan tâm vì đến Việt Nam chỉ với mục đích du lịch, hoàn toàn trong đầu chưa có khái niệm sẽ sống ở Việt Nam.

 

Về Nhật, Yoko là tình nguyện viên của JICA (Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản), lúc ấy JICA có dự án về Vạn Đò ở Huế. Như có mối cơ duyên, Yoko đăng ký đến Vạn Đò xứ Huế, nghiên cứu về dự án định cư và cải thiện đời sống của người dân Vạn Đò trong thời hạn 3 năm.

 

Ở một nơi hoàn toàn xa lạ, không rành tiếng bản ngữ, không người quen, lại tiếp xúc với dân nghèo ở đủ mọi thành phần của xã hội, Yoko đã trải bao khó khăn, gian khổ, cùng mồ hôi và nước mắt cùng dân Vạn Đò.

 

Những ngày gian khó

 

Tháng 7/2003, đặt chân đến Việt Nam, Yoko học 1 tháng tiếng Việt ngắn hạn tại Hà Nội, cuối tháng 8 vào Huế bắt tay ngay vào việc. Khó khăn dồn dập ập đến. Tiếng Việt giọng Hà Nội nghe chưa kịp quen, vào Huế nghe toàn chi - mô - răng - rứa, Yoko mù tịt, lại không người phiên dịch, cách duy nhất để hiểu được ngôn ngữ Huế là tự học.

 

Xuống Vạn Đò, lúc nào cũng kè kè cuốn sổ ghi chép, vừa nghe vừa ghi những từ mới để đêm về học lại. Cố gắng sử dụng tiếng Việt để viết báo cáo, điều tra, nhờ bạn bè chỉnh chính tả, ngữ pháp, sau đó đọc lại rút kinh nghiệm. Bằng cách học tiếng Việt như thế, Yoko dần khắc phục điểm yếu ngôn ngữ, nói chuyện bằng giọng Huế không khác gì một cô gái Huế chính hiệu.

 

Thân con gái, xa nhà nên lúc nào cũng nhớ. Yoko tâm sự: “Nhớ nhà, nhưng làm tình nguyện phải hy sinh mình mới phục vụ tốt cho cộng đồng được. Ba mẹ và anh trai ở Nhật cũng thường xuyên sang thăm và động viên nên nỗi nhớ cũng vơi đi phần nào”.

 

Mỗi ngày, lịch làm việc của Yoko dày đặc, thức dậy 6h30 sáng, 7h40 đạp xe lên cơ quan, lăn lộn với tài liệu, làm việc với các cơ quan, tổ chức, đi khảo sát, điều tra ở Vạn Đò đến chiều tối, đến các lớp học tình thương gặp gỡ trẻ Vạn Đò, về nhà làm báo cáo, phân tích kết quả điều tra đến 1 giờ sáng mới đi ngủ. Lịch sinh hoạt thường nhật của Yoko gần ba năm nay vẫn thế.

 

Để quen với cách sống ở Vạn Đò, thời gian đầu quả là vất vả, ngồi trên đò sóng nước dập dềnh chưa quen chỉ một chút là chóng mặt. Đi khảo sát gặp ngay chuyện say xỉn đánh nhau, sợ quá chạy về không dám quay lại. Nhưng với tính kiên trì, ngày nào cũng thế, những vấn đề lớn nhất của dân Vạn Đò lần lượt được Yoko ghi nhận, phân tích, mổ xẻ đưa ra câu trả lời.

 

Hình ảnh cô gái Nhật nhỏ bé, mỗi ngày lang thang khắp Vạn Đò đã trở nên quen thuộc với người dân, đặc biệt đối với các em nhỏ.

 

Lớp học cho tương lai

 

Tìm hiểu cặn kẽ từng góc độ cuộc sống cư dân Vạn Đò, Yoko đặc biệt chú trọng đến các em nhỏ, thường ngày phụ cha mẹ nhặt ve chai, bán đậu phộng, thậm chí đi xin ăn đây đó gần các khu du lịch. Phải làm điều gì đó cho các em có cuộc sống tốt hơn, có cơ hội thoát nghèo, tạo một việc làm để các em tự kiếm tiền hơn là cho tiền, vì cho tiền các em sẽ ỷ lại.

 

Những trăn trở ấy làm thao thức Yoko mỗi khi tiếp xúc với trẻ Vạn Đò. Sẵn có đam mê sưu tầm và khéo tay làm các mẫu xâu cườm thành bông hoa, ngôi sao, con thú...

 

Yoko quyết định lập ra một lớp học xâu cườm thành những dây đeo điện thoại, dây buộc tóc, nhẫn đeo... để các em Vạn Đò làm bày bán ra thị trường. Số tiền thu được sẽ dùng mua lại vật liệu, phần gom vào quỹ khuyến học, còn lại chia cho các em theo công lao động tương xứng.

 

Đã bốn tháng qua, lớp học xâu cườm của Yoko gồm 10 em tuổi 15 trở lại đã bán được 1.200 sản phẩm với hơn 30 mẫu các loại. Hiện lớp học này đang tất bật chuẩn bị nguồn hàng bày bán tại hội chợ cho Festival.

 

Trong căn phòng nhỏ xíu của một cô giáo dạy lớp học tình thương cho mượn, các em nhỏ tíu tít: Cô ơi em làm đúng chưa cô? em sai ở chỗ mô?... Yoko cần mẫn: Cái chi hè? Rồi chỉnh sửa, góp ý cho các em làm đúng theo mẫu, lâu lâu lớp học lại lặng đi khi nghe cô giáo nạt: Chỗ ni sai rồi! Ồn quá đi!

 

Cô và trò tíu tít như thế mỗi ngày từ 9 giờ sáng đến 11 giờ trưa. Cuối giờ tổng kết sản phẩm làm được của từng em. Yoko chấm công và phát tiền, sau đó đem sản phẩm đi ký gửi ở quầy hàng lưu niệm trong thành phố Huế. Những hôm nói mãi các em hiếu động không nghe lời, bực quá chỉ biết khóc.

 

Yoko tâm sự: “Qua khảo sát, mình thấy các em Vạn Đò rất khéo tay, trong 2 giờ làm mỗi ngày, em khá nhất kiếm được 9 nghìn, những em khác trung bình được 4 nghìn. So ra với bươn chải ngoài đời thì đan cườm nhẹ nhàng hơn. Em nào học cũng thích, đòi làm cả ngày nhưng mình không cho, phải để các em đến trường nữa”.

 

Festival 2006, các em trong lớp học Yoko có dịp thể hiện khả năng của mình qua gian hàng bày bán, và đan cườm ngay tại hội chợ. Các em đang rất phấn khởi, tự tin chờ đợi ngày vui ấy.

 

Phần việc nghiên cứu cho dự án của Yoko đang đi vào giai đoạn cuối và tiến triển tốt đẹp, lớp học nghề mở ra cũng gặt hái được thành công. Khởi nguồn từ lớp học như vậy, Yoko đã chứng tỏ khả năng của những em nhỏ Vạn Đò. Từ đó, những lớp học kế tiếp về thủ công mỹ nghệ sẽ được mở, giúp trẻ Vạn Đò đi lên bằng chính khả năng và sức lao động của mình chứ không của ai khác.   

 

Theo Lam Phong
Sài Gòn Tiếp Thị