DMagazine

Xu hướng sống độc lập, thích một mình của người trẻ

(Dân trí) - So với việc phải quan tâm đến ánh mắt của người khác, nhiều người trẻ gần đây có xu hướng dành khoảng thời gian rảnh rỗi cho bản thân mình nhiều hơn.

(Dân trí) - So với việc phải quan tâm đến ánh mắt của người khác, người trẻ gần đây có xu hướng dành khoảng thời gian rảnh rỗi cho bản thân mình nhiều hơn.

Xu hướng sống độc lập, thích một mình của người trẻ - 1

Không khó để bắt gặp người trẻ đi ăn, đi xem phim, hay làm việc một mình ở những nơi công cộng. Họ cho rằng đây là một cách yêu bản thân, cân bằng cuộc sống và giải tỏa áp lực.

So với việc phải gắn kết vào một tập thể nào đó hay phải quan tâm đến ánh mắt của người khác, người trẻ hiện dạo gần đây có xu hướng dành khoảng thời gian rảnh rỗi cho bản thân mình nhiều hơn.

Trong một cuộc khảo sát năm 2019, Virginia Thomas, Tiến sĩ tâm lý học tại Đại học Wilmington phát hiện ra những thanh thiếu niên dành thời gian nhiều cho bản thân có mức độ hạnh phúc cao hơn và ít cảm thấy cô độc hơn so với những người cùng lứa tuổi.

Điều này cũng đúng với những người trẻ trong khoảng từ 18-25 tuổi, chỉ số hạnh phúc và sức khỏe tinh thần ở mức cao và sự thấu hiểu bản thân tăng lên, đồng thời mức độ trầm cảm thấp hơn.

Xu hướng sống độc lập, thích một mình của người trẻ - 3

Nếu như trước đây, việc đi ăn, đi chơi, đi du lịch một mình là điều kỳ lạ thì ngày nay, lối sống này ngày càng được ưa chuộng.

Chu Thảo My (24 tuổi, nhân viên văn phòng) cho biết: "Thời gian mình học cấp 3 hay những năm đầu đại học, mỗi khi ra ngoài mình luôn muốn có người đi cùng vì mình cảm thấy đi một mình rất buồn, nhất là khi đi xem phim hoặc đi ăn.

Nhưng bây giờ mình lại thấy việc ra ngoài đi chơi một mình rất thú vị, nếu như đi cùng bạn mình sẽ phải trò chuyện, chụp ảnh nhưng khi đi một mình, mình có thời gian để cảm nhận môi trường sống xung quanh, có thời gian để ngẫm nghĩ và hơn hết là được làm mọi thứ theo ý thích mà không cần hỏi ý kiến của bạn đồng hành".

Xu hướng sống độc lập, thích một mình của người trẻ - 5

Vũ Phương Linh (19 tuổi, sinh viên) chia sẻ: "Mình thấy bản thân khi làm việc một mình đạt được hiệu quả cao, mình có thể làm theo ý tưởng mình muốn, nhất là khi ngồi quán cà phê làm việc, mình có thể tập trung hoàn toàn vào công việc mà không bị xao nhãng.

Bây giờ mỗi khi ra quán cà phê mình thấy các bạn ngồi học bài, làm việc một mình rất nhiều, dần dần nó thành điều bình thường trong cuộc sống chứ không có gì kỳ lạ như ngày trước, khi mà mọi người nhìn những người đi cà phê một mình bằng cái nhìn ái ngại".

"Mình có dự định đi du lịch một mình trong thời gian sắp tới để trải nghiệm cảm giác mới, mình đang cân nhắc điểm đến cùng các dịch vụ đi kèm có uy tín để bản thân được an toàn khi đi một mình.

Mình nghĩ bây giờ các bạn trẻ cảm thấy thoải mái nhiều hơn là tự ti khi làm mọi thứ một mình. Đối với mình chỉ cần bản thân thấy hạnh phúc, khi đó một mình hay nhiều mình không phải vấn đề quan trọng", Vũ Khánh Ly (25 tuổi, nhân viên kinh doanh).

Xu hướng sống độc lập, thích một mình của người trẻ - 8

Margarita Azmitia, giáo sư tâm lý học tại Đại học California (Mỹ) cho biết: "Việc ở một mình nhận lại nhiều chỉ trích không tốt, đặc biệt là đối với thanh thiếu niên, đó bị coi là không hòa hợp với xã hội, nhưng đôi khi, ở một mình cũng tốt. Cần phải học kỹ năng ở một mình, ở một mình sẽ giúp tinh thần bạn thoải mái".

Không chỉ người trẻ Việt, trong những năm gần đây, xu hướng này cũng bùng nổ ở Nhật Bản với tên gọi "Ohitorisama". Nếu tìm kiếm hashtag "Ohitorisama" trên Instagram, bạn sẽ tìm thấy hàng nghìn bức ảnh về bữa tối, buổi chiếu phim hay du lịch một mình.

Thuật ngữ này bắt nguồn từ một cộng đồng do cố ký giả Iwashita Kumiko sáng lập năm 1999. Nhóm có tên O-hitori Sama Koujou Iinkai (Hiệp hội vì lợi ích của những người độc thân). Từ năm 2007 trở đi, "Ohitorisama" được sử dụng rộng rãi cho cả nam lẫn nữ nhờ ảnh hưởng của nhà xã hội học Ueno Chizuko.

Nắm được xu thế này, các dịch vụ như solo travel (du lịch một mình), bữa ăn một người, cắm trại một người được các công ty phát triển.

Điển hình là dịch vụ đi ăn một mình tại một chuỗi nhà hàng lẩu nổi tiếng, khi khách đi một mình, nhân viên sẽ đặt một chú gấu bông ngồi đối diện nếu khách hàng có nhu cầu. Các nhà hàng lẩu một người cũng xuất hiện ngày càng nhiều để phục vụ nhu cầu của người trẻ hiện nay.

Xu hướng sống độc lập, thích một mình của người trẻ - 9
Xu hướng sống độc lập, thích một mình của người trẻ - 11

Thảo My là người đề cao lối sống này, cô chia sẻ: "Mình thích lối sống này vì sau một ngày làm việc, mình muốn có thời gian riêng cho bản thân để làm những việc mình thích mà không cần quan tâm đến ý kiến người khác, ngoài ra đi chơi hoặc đi ăn một mình cũng giúp mình tiết kiệm thời gian hơn".

Virginia Thomas, Tiến sĩ tâm lý học tại Đại học Wilmington cho biết: "Khi người trẻ dành thời gian ở một mình, khả năng sáng tạo được phát huy và tinh thần thoải mái. Họ muốn tận hưởng không gian yên tĩnh và suy ngẫm về câu chuyện của mình".

Tiến sĩ Tâm lý học Sherrie Bourg Carter đã viết trên trang Psychology Today: "Ở một mình có thể nâng cao chất lượng mối quan hệ của bạn với người khác bằng cách dành thời gian cho bản thân để hiểu rõ về con người mình cũng như những gì mình mong muốn. Từ đó bạn sẽ đưa ra lựa chọn tốt hơn về người mà bạn muốn đồng hành".

Xu hướng sống độc lập, thích một mình của người trẻ - 13

"Cuối tuần, thay vì tụ tập bạn bè, gần đây mình thích việc đi dạo ở công viên một mình hoặc ở nhà một mình hơn. Mỗi khi căng thẳng, mình chọn cách ở một mình để vỗ về bản thân, thấu hiểu chính mình.

Khi đó mình sẽ có không gian riêng tư để suy nghĩ những chuyện làm mình căng thẳng từ đó nghĩ ra cách giải quyết chúng. Sự yên lặng và riêng tư đó khó có được khi mình ra ngoài cùng bạn", Phương Linh tâm sự

Vũ Khánh Ly cũng chia sẻ: "Khi đi du lịch một mình, mình sẽ được "quyền ích kỷ". Mình được chọn nơi muốn đi, món ăn muốn thử, khách sạn muốn ở và chủ động về thời gian.

Lợi ích của trải nghiệm này là không phải tham khảo hay đáp ứng mong muốn của tất cả mọi người mà chỉ cần quan tâm đến nhu cầu của mình".

Xu hướng sống độc lập, thích một mình của người trẻ - 15

Yên tĩnh, thoải mái, tiết kiệm, tăng hiệu quả làm việc, không cần tham khảo ý kiến người khác là một trong số các lý do khiến người trẻ ưa chuộng xu hướng "một mình".

Việc kết nối với mọi người là điều tất yếu trong cuộc sống của chúng ta, tuy nhiên nhu cầu "sạc pin tâm hồn", tự thấu hiểu bản thân, để bản thân thoải mái cũng có ý nghĩa không kém.

Hiện nay có nhiều người nhầm lẫn giữa việc ở một mình với sự cô đơn và coi đó là trải nghiệm tiêu cực. Tuy nhiên, "một mình" nhưng không cô độc là cuộc sống của nhiều bạn trẻ hiện nay.

"Vì có rất nhiều nghiên cứu chứng minh rằng con người là sinh vật xã hội được hưởng lợi từ việc tương tác với người khác, nên số đông thường cố gắng bác bỏ rằng việc dành thời gian ở một mình cũng rất quan trọng", Robert Coplan, nhà tâm lý học phát triển và là Giáo sư tâm lý học tại Đại học Carleton phân tích.

"Trên thực tế, việc xác định ra những khoảnh khắc chúng ta cần ở một mình để nạp năng lượng và suy ngẫm có thể giúp chúng ta xử lý tốt hơn những cảm xúc và trải nghiệm tiêu cực, như căng thẳng và kiệt sức", nhà trị liệu tâm lý Emily Roberts cho biết.

Xu hướng sống độc lập, thích một mình của người trẻ - 17

Virginia Thomas và Azmitia đều khuyến khích mọi người có nhận xét tích cực về việc ở một mình. "Một mình" không phải là xấu, điều đó không có nghĩa là mọi người không muốn kết nối cùng bạn.

"Thời gian ở một mình có thể cải thiện được sức khỏe tinh thần của mỗi người, chúng ta cần hiểu biết nhiều hơn về lối sống này, chúng ta không cần luôn hòa đồng với mọi người, thời gian ở một mình sẽ giúp bản thân trở nên tốt hơn", chuyên gia khuyên.

Giáo sư Margarita Azmitia cũng cho rằng: "Sẽ rất tốt khi bản thân biết khi nào cần ở một mình và khi nào cần ở bên một người". Có rất nhiều lý do thuyết phục để người trẻ chọn lối sống "một mình" tuy nhiên, lối sống này không phải lúc nào cũng là lựa chọn tốt.

Chu Thảo My chia sẻ: "Mình thích lối sống này nhưng đôi lúc vẫn có cảm giác cô đơn và lạc lõng. Sau dịch Covid-19, mình cảm thấy hơi mệt mỏi khi phải tụ tập đám đông và giao tiếp với nhiều người vì mình đã quen với cuộc sống một mình".

Xu hướng sống độc lập, thích một mình của người trẻ - 19

Douglas Nemecek, MD, Giám đốc y tế về sức khỏe hành vi của Cigna cho biết: "Cô đơn có tác động tương tự đến tỷ lệ tử vong như hút 15 điếu thuốc mỗi ngày, thậm chí còn nguy hiểm hơn cả béo phì".

Việc một người chọn lối sống một mình trong thời gian dài rất dễ có cảm giác cô đơn, khả năng giao tiếp xã hội giảm xuống. Theo nghiên cứu của các chuyên gia Đại học California, việc ở một mình trong phần lớn thời gian có thể làm suy giảm khả năng thực hiện các công việc hàng ngày ví dụ như leo cầu thang hoặc đi bộ khó khăn hơn.

Sự cô lập và cô đơn có thể có hại cho sức khỏe não bộ và có liên quan đến chức năng nhận thức, nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ cao hơn (50%), đặc biệt là mắc bệnh Alzheimer. Không giống căn bệnh trầm cảm, sự cô lập xã hội và sự cô đơn thường không được chẩn đoán, tuy nhiên chúng sẽ để lại những tác động tiêu cực đến sức khỏe tinh thần.

Các chuyên gia của Đại học California cũng cho biết những người làm việc một mình, sinh hoạt một mình trong thời gian dài sẽ dần mất đi sự kết nối với cộng đồng. Họ dễ cảm thấy bị tổn thương và giảm đi sự tin tưởng vào người khác.

|Nội dung: Thùy Dương

|Thiết kế: Tuấn Huy