Xu hướng của năm: Sống theo đam mê

Tổng kết năm 2017, một diễn đàn sống trẻ cho rằng: trend (xu hướng) của năm chính là “sống theo đam mê”. Từ người nổi tiếng đến giới bình dân, bỏ công việc ổn định đi theo đam mê được cho là lựa chọn sang chảnh, thời thượng và “không phí hoài tuổi trẻ”.


Chi Pu đang được lăng xê vì đi theo đam mê.

Chi Pu đang được lăng xê vì đi theo đam mê.

Một ví dụ sáng chói về công thức “chỉ cần đam mê, thẳng tiến” thời gian qua là việc hot girl Chi Pu đi hát. Trong khi cả cộng đồng mạng ném đá và các nhà chuyên môn đánh giá “giọng hát phô và yếu” thì cô gái này vẫn khẳng định: “đam mê cũng là một tài năng” và “năm năm nữa ca sĩ Chi Pu vẫn đang cố gắng”.

Cuộc tranh cãi về việc Chi Pu có nên tiếp tục đứng trên sân khấu hay không còn hạ hồi phân giải, nhưng thực tế là MV “Từ hôm nay” của cô đã thu hút được gần 15 triệu lượt xem, con số khiến cả những ngôi sao ca nhạc hiện nay cũng phải mơ ước. Chưa hết, Chi Pu còn được chọn làm “Nghệ sĩ trẻ đột phá” trong hạng mục giải thưởng được “giới trẻ yêu thích nhất” của We Choice Award.

Đối với các fan điện ảnh, Phan Gia Nhật Linh là một thần tượng mới, thành danh từ việc “để đam mê dẫn lối”. Nhật Linh tốt nghiệp trường kiến trúc, trở thành một nhà phê bình phim nổi tiếng với bút danh Phan Xi Nê. Khi anh chuyển nghề làm đạo diễn, chính đạo diễn Nguyễn Quang Dũng đã cảnh báo: “coi chừng điện ảnh Việt Nam thiếu đi một nhà phê bình phim xuất sắc, mà có một đạo diễn bình thường”.

Kết quả, năm nay phim “Cô gái đến từ hôm qua” của Nhật Linh đạt doanh thu 50 tỉ sau 10 ngày công chiếu, được đánh giá là bộ phim “cứu vớt niềm tin của khán giả trẻ với điện ảnh Việt”.


Phan Gia Nhật Linh được đánh giá là đạo diễn cứu vớt niềm tin của giới trẻ vào điện ảnh Việt.

Phan Gia Nhật Linh được đánh giá là đạo diễn cứu vớt niềm tin của giới trẻ vào điện ảnh Việt.

Trong lĩnh vực kinh tế, dự án Lozi (một ứng dụng mua bán) của chàng trai Nguyễn Hoàng Trung được quỹ nước ngoài đầu tư tới 2 triệu đô cũng làm nức lòng dân khởi nghiệp. Để theo đuổi dự án này, Trung đã bỏ dở việc du học bằng học bổng và bắt đầu với số 0.

Hoàng Kevin (chủ nhân của topic: trend năm nay) nhận định: chưa khi nào mà làn sóng “sống với đam mê” lại ảnh hướng đến giới trẻ nhiều như giai đoạn này. Những ví dụ “người thực việc thực” khiến cho nhiệt huyết của họ bị thổi bùng lên. Trên diễn đàn năm ba ngày lại thấy có người tuyên bố: bỏ việc đi theo đam mê. Lý thuyết của những người này là: dù thất bại thì chúng ta vẫn còn cả tuổi trẻ phía trước. Nhưng nếu không thử, về già nhất định hối tiếc”.

Hơn 30 tuổi vẫn bị truyền cảm hứng

Câu chuyện “sống thật với mong muốn của mình” không chỉ gây sốt trong giới trẻ 18-25 tuổi, ngay cả những người “rất chín chắn”, đã có địa vị xã hội ở lứa tuổi 30-40 cũng bị ảnh hưởng.


 Phan Ý Ly.

Phan Ý Ly.

Thạc sĩ phát triển cộng đồng Phan Ý Ly (sinh năm 1981) từng là một cái tên rất nổi trong giới “nghệ thuật mới” ở Thủ đô. Hai năm trước, Ly tuyên bố “về hưu”, thề không vắt kiệt bản thân cho sự nghiệp, tiền bạc hay sự nổi tiếng. Cô quay về tìm hiểu những giá trị bên trong, học đàn cổ và sống tùy ý.

Rất nhiều fan đề nghị Ly tổ chức lớp học để nói với họ về cách: làm thế nào sống bình tĩnh, làm sao quyến rũ hơn, đàn bà hơn và thong dong với số thu nhập chỉ bằng một phần ba trước kia. Lớp học của Ly rất đông học viên, lớp này chưa xong đã có hàng dài danh sách chờ học, từ Hà Nội lan cả vào TP. Hồ Chí Minh. Những người được Ly truyền cảm hứng gồm nhiều lứa tuổi, ngành nghề, trong đó đa số là nữ trí thức, doanh nhân và những người có thu nhập cao trong phân khúc 25-40 tuổi.

Đào Chi Anh, sáng lập hệ thống The Kafe, từng “khuấy đảo thiên hạ” khi có thể gọi vốn đầu tư lên tới 5,5 triệu đô la cũng đã từ bỏ vai trò doanh nhân để đi theo “tiếng gọi trái tim”. Hiện nay, cô tập trung vào một dự án ẩm thực dành cho những người có cùng sở thích bếp núc và xem việc chăm sóc gia đình là một nguồn cảm hứng mang đến hạnh phúc.

Cô lý giải về bước ngoặt này: “Khi mình có khả năng từ bỏ cái gì đó rất lớn hoặc đã từng là tất cả cuộc sống của mình thì sau đó cảm thấy rất nhẹ nhõm, có thể cầm lên, đặt xuống bất cứ thứ gì dễ dàng hơn, đỡ sợ hãi hơn”.

Rosie Nguyễn cũng là một từ khóa “nghìn like” hiện đang hot. Từ bỏ vị trí quyền trưởng phòng trong một công ty đa quốc gia, lương cao để đi phượt và viết sách chỉ vì câu hỏi “đời mình chỉ có thế thôi sao”?

Rosie Nguyễn từng kể, quyết định bỏ việc bởi bỗng nhận ra công việc không còn đem lại niềm vui và những chuyến tha hương giúp cô nhận ra mình là ai, mình cần gì và muốn gì. Cuốn sách “Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu” (NXB Hội Nhà văn) của cô hiện đứng thứ ba trên vị trí best seller của Tiki (trang bán sách trực tuyến lớn nhất Việt Nam hiện nay).

Cuốn sách này đang được rất nhiều người trẻ chia sẻ, họ coi nó như một kim chỉ nam, một thứ truyền lửa cho những lựa chọn của mình. Một đoạn trích trong sách được tổng kết là đoạn trích được lấy lại nhiều nhất trong năm: “Bạn hối tiếc vì không nắm bắt lấy một cơ hội nào đó, chẳng có ai phải mất ngủ/ Bạn trải qua những ngày tháng nhạt nhẽo với công việc bạn căm ghét, người ta chẳng hề bận lòng/ Bạn có chết mòn nơi xó tường với những ước mơ dang dở, đó không phải là việc của họ/ Nên hãy làm những điều bạn thích. Hãy đi theo tiếng nói trái tim. Hãy sống theo cách bạn cho là mình nên sống/ Vì sau tất cả, chẳng ai quan tâm”.

Đôi khi nhầm lẫn

Không thể phủ nhận, làn sóng cảm hứng từ những cá nhân “sống và làm việc theo đam mê” đã khơi dậy được những cảm xúc tích cực từ đại bộ phận giới trẻ đang sống nhạt và sống mòn. Ngược lại, nó tạo ra một tiền lệ xấu, khiến nhiều người nhầm lẫn và tệ hơn: ảo tưởng!

Một biên tập viên chia sẻ: “Hàng ngày chúng tôi nhận được rất nhiều đề nghị in sách của những người có tham vọng truyền cảm hứng cho người khác từ chính câu chuyện cuộc đời họ. Bởi vì tác giả bỏ tiền in, chúng tôi bỏ ra phần lớn công sức để biên tập, định hướng và trau chuốt câu chữ.

Khi sách ra, truyền thông lăng xê, không ít người trong số đó nhầm lẫn mình là nhà văn rồi, nổi tiếng rồi và họ bắt đầu cư xử như một ngôi sao”.


 Diễn giả Nguyễn Duy Nhân.

Diễn giả Nguyễn Duy Nhân.

Anh Nguyễn Duy Nhân (chuyên gia maketing, giám đốc công ty MNS Training) chia sẻ: “Đặc điểm nguy hiểm nhất của đam mê chính là sự nhầm lẫn. Đây cũng là điểm khiến cho nhiều người có lòng phải bỏ phí phần lớn cuộc đời vẫn chưa thể tìm thấy đam mê chân chính của họ.

Một phần cũng là do sự định hướng của thời đại, ví dụ như vài năm trước công nghệ thông tin mới phát triển làm cho nhiều người trẻ nghĩ rằng mình cũng rất có thể là Bill Gates thứ hai, họ lao theo ngành tin học và nhận ra nó không dễ dàng, thú vị như họ nghĩ. Tôi cũng từng lầm tưởng như vậy trong một thời gian dài, cũng có một số thành tựu nhất định nhưng rồi tôi nhận ra đó không phải là con đường mình mong muốn.

Hay như sự bùng nổ của giới ca nhạc hiện nay khiến nhiều người trẻ đi theo tiếng gọi đam mê và tạo ra khá nhiều “thảm họa” “bi kịch” “scandal”. Ở lĩnh vực văn hóa cũng vậy, sách vở ngày nay quá nhiều, các loại triết lý, văn chương, thơ phú để “tham khảo” nhiều đến mức chỉ cần chăm chỉ đọc và học là có thể trở thành “nhà văn” “nhà thơ” “nhà hiền triết” ở một mức độ nào đó”.

Anh Nhân cũng cho rằng: “Để tìm kiếm đam mê, hãy nghĩ về sở trường của mình. Chuyện mà mình có thể làm tốt nhất là gì? Khi làm tốt điều gì đó, mọi việc sẽ dễ dàng hơn, thành công nhiều hơn và giúp ta càng hứng thú hơn nữa để đi tiếp con đường đó cho đến hết cuộc đời.

Quan trọng là đừng vội xác định việc gì là sở trường khi số chuyện mình làm chỉ đếm trên đầu ngón tay! Hãy quan sát, nghiên cứu, hãy tham gia, hãy làm nhiều việc khác nhau để hiểu về khả năng của chính mình và xem mình thích làm chuyện gì nhất, không quan trọng chuyện đó có tốt hay không trong mắt người khác”.

Tôi nghe ai đó hay nói là: “Hãy theo đuổi đam mê, thành công sẽ theo đuổi bạn”. Rất hay và rất đúng! Nhưng đoạn đường từ lúc bạn theo đuổi đam mê cho tới khi thành công đuổi kịp bạn là bao xa? Bao lâu? Trong thời gian đó bạn sống bằng gì? Ai nuôi? Sống ở đâu? Vợ, con bạn ai nuôi?

Muốn theo đam mê, bạn phải vạch ra một kế hoạch, một lộ trình đi đến ước mơ, trong đó ước mơ của bạn phải sinh ra tiền để nuôi sống bạn. Nếu thấy con đường đó quá mức bất khả thi, hoặc đã thực hiện và đã thất bại thì nên chọn con đường thứ hai, đó là hãy tìm việc làm để nuôi hai “đứa”: Bạn và đam mê của bạn. Có thể bạn sẽ học một ngành khác, làm một nghề khác, chỉ cần bạn đừng nghĩ rằng hết đại học là hết đời, thế thì bạn có cả cuộc đời để theo đuổi đam mê.

Diễn giả Nguyễn Duy Nhân

Theo Đạt Nhi

Tiền phong