8 mẹo đàm phán lương khi đi xin việc

Minh Hiếu

(Dân trí) - Đàm phán lương là một kỹ năng quan trọng giúp bạn nhận được sự đãi ngộ xứng đáng với năng lực và kinh nghiệm của bản thân.

Thị trường tuyển dụng đang sôi động trở lại ở nhiều lĩnh vực, đã đạt hoặc thậm chí vượt qua mức phát triển trước đại dịch Covid-19. Trên hết, sự thiếu hụt lực lượng lao động có kỹ năng, tay nghề cao cũng đang làm gia tăng sự cạnh tranh giữa các công ty để giành được những ứng viên tài năng hàng đầu.

Nhiều người còn bỡ ngỡ và cảm thấy lúng túng khi muốn thương lượng mức lương với nhà tuyển dụng. 

8 mẹo đàm phán lương khi đi xin việc - 1

Dù có chuyên môn và một bản sơ yếu lý lịch ấn tượng, nhưng bạn vẫn có thể sẽ phải chịu thiệt thòi nếu không thể thương lượng được mức lương phù hợp (Ảnh: Zapier).

Hầu hết các nhà quản lý tuyển dụng đều sẽ cho bạn cơ hội để suy nghĩ về lời đề nghị và không cần câu trả lời ngay lập tức. Vì vậy, hãy cứ chủ động đưa ra yêu cầu xứng đáng.

Dưới đây là những bí kíp chiến lược về cách thương lượng mức lương có thể giúp bạn khéo léo và tự tin yêu cầu những gì mình mong muốn.

1. Tìm hiểu về mức thu nhập chung của ngành

Trước khi bắt đầu đàm phán mức lương với nhà tuyển dụng, bạn cần trang bị cho bản thân càng nhiều kiến thức liên quan tới ngành và vị trí bạn định ứng tuyển càng tốt. Thông tin sẽ là đồng minh trung thành và hữu ích nhất của bạn.

Để có cái nhìn thực tế hơn đối với lương thưởng trong lĩnh vực của bạn, hãy tham khảo mức lương trung bình, từ đó nắm được đãi ngộ phù hợp cho vị trí và cấp độ kinh nghiệm của bản thân.

Đặc biệt, khi tìm hiểu xu hướng mức lương thưởng hiện nay, hãy chú ý đến các phần "công việc hot nhất" và "kỹ năng được yêu cầu nhiều nhất". Ứng viên có thể trả lời một cách tự tin hơn nếu nhận thấy mình đang ứng tuyển cho một trong những công việc hấp dẫn và phù hợp với bản thân. Nhà tuyển dụng có thể gặp khó khăn trong việc tìm kiếm một người có đầy đủ kỹ năng, kinh nghiệm, nên nếu ứng viên sở hữu điều đó sẽ dễ dàng mở ra cơ hội để thương lượng mức lương cao hơn.

2. Thành tích công việc

Một khi ứng viên đã nhận được lời đề nghị làm việc với một mức lương không mấy lý tưởng, đừng chỉ tập trung vào việc phản đối và đưa ra một con số cao hơn. Hãy trình bày lại những thành tích trong công việc của bạn. Đây là dẫn chứng hiệu quả để giải thích được lý do tại sao bạn cảm thấy mình xứng đáng được nhận nhiều hơn. 

8 mẹo đàm phán lương khi đi xin việc - 2

Hãy nêu bật những điểm mạnh của cá nhân, nêu chi tiết tất cả những giá trị mà bạn có thể đáp ứng được cho công việc và công ty (Ảnh: Roberthalf).

Trước khi thương lượng mức lương, hãy trình bày những ví dụ cụ thể về lợi ích mà kỹ năng và kinh nghiệm của bạn sẽ mang lại cho công ty mới, chẳng hạn như chứng chỉ hoặc kỹ năng kỹ thuật chuyên ngành.

Bằng cách kết nối những điểm mạnh của bản thân với vai trò, vị trí mà bạn sẽ đảm nhận, ứng viên sẽ tạo ra một ấn tượng tốt đối với nhà tuyển dụng, đồng thời, củng cố cho lý do tại sao bạn nên được trả nhiều hơn so với mức lương đề nghị ban đầu.

3. Trung thực

Trung thực là yếu tố tối quan trọng khi đàm phán lương. Nếu nhà tuyển dụng phát hiện ra bạn đã đưa ra những thông tin, con số không chính xác về kinh nghiệm làm việc trước đây, thì ứng viên sẽ tạo ra một ấn tượng xấu, mất đi cơ hội trúng tuyển vào vị trí mong muốn.

4. Linh hoạt giữa tăng lương và các lợi ích khác

Các cuộc thảo luận về tiền lương thường đề cập đến một số đặc quyền và phúc lợi của nhân viên. Trong đó, nhà tuyển dụng có thể đưa ra một số phương án phúc lợi ít tốn kém hơn, thay thế cho việc tăng lương, chẳng hạn như thêm ngày nghỉ phép, giờ làm việc linh hoạt hoặc một số lịch trình làm việc tại nhà.

Hãy cân nhắc xem điều gì có giá trị và đem lại lợi ích cho bạn hơn. Nếu bạn đang phân vân giữa nhiều lời đề nghị, hãy nhớ so sánh cùng với các điều kiện như bảo hiểm y tế, quỹ hưu trí và các lợi ích khác để đưa ra một quyết định sáng suốt. Ngoài ra, các yếu tố như cơ hội phát triển, thăng tiến trong nghề nghiệp cũng đáng để cân nhắc.

5. Diễn tập

Thoạt đầu, việc này nghe có vẻ không quá cần thiết đối với một số người. Nhưng bạn nên thực hành cách đàm phán lương với một người bạn đáng tin hoặc một cố vấn. Đối tác lý tưởng là những người có kinh nghiệm trong giới doanh nghiệp, hiểu biết về kinh doanh, nhân sự.

Diễn tập trước các tình huống có thể xảy ra sẽ giúp bạn rèn luyện sự tự tin và trả lời các câu hỏi bất ngờ. Thực hiện việc này nhiều lần có thể khiến bạn cảm thấy tự tin hơn khi tham gia vào cuộc đàm phán chính thức.

6. Biết kiểm soát thời gian

Một nhà tuyển dụng uy tín sẽ không rút lại lời đề nghị chỉ vì bạn đã cố gắng thương lượng về tiền lương. Tuy nhiên, việc kéo dài quá trình thương lượng có thể khiến nhà tuyển dụng nản lòng.

Nếu công ty không thể đáp ứng yêu cầu của bạn sau một vài cuộc thảo luận, hãy rút lui và tập trung vào các cơ hội phù hợp hơn với kỳ vọng lương thưởng của bạn.

7. Xác nhận mọi thứ dưới dạng văn bản

Một khi ứng viên và nhà tuyển dụng nhất trí về mức lương, hãy yêu cầu họ cung cấp tài liệu bằng văn bản. Bên cạnh số tiền lương, trong văn bản đó nên bao gồm thêm các thỏa thuận đặc biệt nếu có, chẳng hạn như tiền thưởng ký kết hoặc phụ cấp cho chi phí di chuyển, mô tả công việc và trách nhiệm cho vai trò mới của ứng viên. Đảm bảo tài liệu có chữ ký của cả bạn và nhà tuyển dụng. Một số công ty có thể tự động cung cấp những điều này như một phần của hợp đồng lao động. Nếu không, hãy yêu cầu một số loại tài liệu chứng thực bổ sung.

8. Luôn lạc quan

Hãy nhớ rằng hầu hết các nhà tuyển dụng cũng không thích đàm phán. Ông chủ tương lai của bạn không phải là đối thủ của bạn. Giữ thái độ tích cực trong khi thương lượng lương và đặc quyền sẽ giúp bạn điều hướng hiệu quả hơn các cuộc thảo luận này.

Nếu muốn nhận được mức lương khởi điểm tốt hơn thì bạn phải biết yêu cầu. Nhiều ứng viên tìm việc thường chấp nhận con số đầu tiên được nhà tuyển dụng đưa ra. Nhưng cho dù với mức lương nào đi chăng nữa, các nhà tuyển dụng đều mong muốn mang về những thành viên có kỹ năng và chuyên môn chuyên biệt để có thể hỗ trợ họ hiệu quả nhất. Chuẩn bị tinh thần sẵn sàng, cộng thêm sự khéo léo và tự tin là chìa khóa để bạn thành công trong việc đàm phán lương.

Theo www.roberthalf.com