Góp ý kiến vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng

Xây dựng thế hệ trẻ giỏi giang, tử tế

Làm sao hạn chế việc chảy máu chất xám để thu hút nhân tài, đặc biệt là xây dựng thế hệ trẻ thời đại mới giỏi về chuyên môn, giàu kỹ năng mềm, có đạo đức lối sống trong sáng, bản lĩnh chính trị vững vàng là những vấn đề được đặt ra tại Hội nghị trí thức trẻ, giảng viên trẻ, sinh viên góp ý Dự thảo Văn kiện Đại hội XII của Đảng, do T.Ư Đoàn tổ chức, ngày 12/10.

Chảy máu chất xám

Tại hội nghị, nhiều đại biểu cùng chung niềm trăn trở trước thực trạng “chảy máu chất xám” hiện nay. Trần Trọng Biên, thủ khoa xuất sắc Đại học Y Hà Nội năm 2015 cho biết: “Thực tế cho thấy, có nhiều bạn sinh viên du học ở nước ngoài rồi ở hẳn, không về nước.

Đơn cử như trong số 13 nhà vô địch chương trình Đường lên đỉnh Olympia, có đến 12 người quyết định làm việc ở nước ngoài. Hay như gần đây báo chí nói nhiều đến việc Làng cờ vua Việt Nam có nguy cơ mất kỳ thủ Lê Quang Liêm vào tay Mỹ”.


Các trí thức trẻ, giảng viên trẻ góp ý tại Hội nghị.

Các trí thức trẻ, giảng viên trẻ góp ý tại Hội nghị.

Theo Trọng Biên, thực trạng đó xuất phát từ những nguyên nhân: Chính sách đãi ngộ không xứng đáng và môi trường làm việc ở nước nhà chưa thực sự tốt để thu hút nhân tài. Thực trạng “nhất hậu duệ, nhì quan hệ, ba tiền tệ” trong vấn đề xin việc đã làm hạn chế khả năng tìm được việc làm của các du học sinh, không ít du học sinh về nước rơi vào cảnh thất nghiệp hoặc làm việc không đúng với chuyên môn.

Việc thiếu môi trường khoa học, lại bị chèn ép, kèn cựa và hàng loạt những vấn đề tế nhị khác về thủ tục hành chính, kinh phí, con người… là lực cản để trí thức trẻ về nước cống hiến.

Bí thư Đoàn trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp Cần Thơ Diệp Bình Nguyên đề xuất giải pháp “níu chân” các nhà khoa học trẻ về nước cống hiến bằng cách tạo môi trường làm việc thuận lợi, chế độ ưu đãi tốt, đặc biệt xây dựng, đầu tư tại một số trường, học viện các trang thiết bị, công nghệ hiện đại để người trẻ có môi trường thực hiện đam mê nghiên cứu của mình.

PGS. TS Nguyễn Ngọc Lưu Ly, giảng viên trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, để phát huy tiềm năng của tầng lớp trí thức trẻ vào sự nghiệp dựng xây đất nước, Nhà nước cần có sự trọng dụng thích đáng và trao quyền cho đội ngũ này. Đặc biệt, Đảng, Nhà nước cần có cơ chế đặc thù, tập hợp, đầu tư những nhà khoa học bên ngoài vào các trường đại học để tăng cường đội ngũ trí thức chất lượng cao phục vụ cho công tác đào tạo trong nhà trường.

“Thực tế hiện nay, những đề tài nghiên cứu trọng điểm tại các trường học hầu hết phụ thuộc vào các “cây đa, cây đề”, còn đội ngũ trí thức trẻ chưa có cơ hội đóng góp được nhiều”, PGS TS Nguyễn Ngọc Lưu Ly nói.

Xây dựng lớp người trẻ tử tế

Nhiều đại biểu cho rằng, học sinh, sinh viên ngày nay quá chú trọng vào việc học, bằng cấp, mà quên đi những những giá trị tinh thần, đạo đức xã hội truyền thống. Trong những phương hướng về giáo dục nói chung của Đảng, cần phải chỉ rõ tầm quan trọng của việc xây dựng một đội ngũ sinh viên mạnh về chất xám, có đạo đức, có lý tưởng cộng sản.

Theo PGS. TS Nguyễn Ngọc Lưu Ly, việc đổi mới giáo dục, đào tạo bên cạnh nâng cao kiến thức chuyên môn, các trường cần chú trọng dạy kỹ năng mềm, xây dựng nhân cách cho học sinh, sinh viên để hình thành lớp người tử tế trong xã hội. Đồng quan điểm, chị Phạm Thị Minh Huệ, giảng viên Đại học Công nghiệp Hà Nội cho rằng, việc dạy kỹ năng mềm cho học sinh, sinh viên là việc rất quan trọng.

“Thực tế cho thấy, những bạn trẻ sau khi ra trường nhanh chóng xin được việc làm, có vị trí công việc xứng đáng không hẳn là những người có bằng cấp xuất sắc mà chủ yếu là những người có tấm bằng loại khá.

Nhưng những em đó, trong thời sinh viên thường rất năng động, tham gia hoạt động Đoàn, Hội, các hoạt động tình nguyện, cộng đồng để rèn luyện các kỹ năng mềm cho mình. Học giỏi nhưng thiếu các kỹ năng cần thiết cũng không dễ mà xin được việc làm”, chị Minh Huệ nói.

Theo chị Minh Huệ, tầng lớp trí thức trẻ của thời kỳ hiện đại cần hội tụ đủ các yếu tố: Giỏi kỹ năng chuyên môn, nhuần nhuyễn kỹ năng mềm, có sức khỏe tốt và đặc biệt là có một trái tim, tâm hồn đẹp biết hướng đến cộng đồng.

Các đại biểu cho rằng, để đào tạo thế hệ trẻ thời đại mới có sự phát triển toàn diện, giỏi về chuyên môn, tốt về nhân cách, Đảng, Nhà nước cần đầu tư nhiều hơn nữa cho nền giáo dục nước nhà.

Ngô Thu Trang, thủ khoa xuất sắc Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội kiến nghị: “Theo World Bank năm 2010, đầu tư cho giáo dục đại học của Việt Nam chiếm 14% đầu tư của ngân sách nhà nước. So với GDP thì tỷ lệ đầu tư công cho giáo dục đại học chỉ 0,9%. Con số này rất nhỏ so với ý nghĩa và tầm quan trọng của việc đào tạo nguyên khí quốc gia”.

Theo Lưu Trinh

Tiền phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm