Vượt lên nghịch cảnh, 8X trở thành ông chủ thời trang

(Dân trí) - Mặc dù sinh ra không may mắn như nhiều người khác, Đoàn Mạnh Huy vẫn nỗ lực học tập và gây dựng được một chuỗi cửa hàng thời trang nam có uy tín tại Hà Nội ở tuổi 24.

Vượt lên nghịch cảnh

 

Khi còn nhỏ, Đoàn Mạnh Huy đã mắc bệnh động kinh. Tuy nhiên sau thời gian chữa trị, gia đình Huy dừng việc điều trị và để bạn sinh hoạt, làm việc như một người bình thường. Hàng ngày, Huy chăm chỉ học tập, cùng bố mẹ đi chợ, giao hàng,…

 

Khi đỗ vào trường ĐH Thương mại cũng là lúc căn bệnh dần dần tự khỏi, song Huy lại gặp đôi chút mặc cảm do nói chuyện không được lưu loát nên bị bạn bè trêu chọc. Dù vậy, niềm đam mê đối với kinh doanh đã thôi thúc Huy “làm một cái gì đó”.

 

Trước dịp Tết năm đầu tiên đại học, thấy được tiềm năng của thị trường rượu cần dưới thủ đô, Huy đã về quê (Hòa Bình) để lấy hàng xuống bán. Số tiền lãi trong chuyến “làm ăn” ấy đã giúp bạn thêm động lực thực hiện tiếp những dự định.

 

Huy chia sẻ: “Mình nhìn nhận bản thân và cuộc sống hoàn toàn khác. Huy hiểu rõ mình được sinh ra đã là một sự may mắn, một niềm hạnh phúc và có ý nghĩa lớn lao. Nhiều người bất hạnh hơn, vẫn thành công, tại sao mình không làm được? Chính suy nghĩ ấy đã thôi thúc mình tự tin hơn và mạnh dạn khởi nghiệp”.

 
Vượt qua những khó khăn ban đầu, Mạnh Huy đã có vốn liếng từ 6 cửa hàng thời trang.
Vượt qua những khó khăn ban đầu, Mạnh Huy đã có vốn liếng từ 6 cửa hàng thời trang.
 

Đến năm cuối đại học, Huy cùng một người bạn kinh doanh quần áo nam. Lúc đó, trong người không có tiền, bạn phải đi vay, góp mỗi người 3 triệu đồng. Ban đầu, vì vốn ít, đồng thời có thế mạnh khi học ngành thương mại điện tử, Huy cùng cộng sự sử dụng hình thức kinh doanh online.

 

Sau một tháng buôn bán, hai người thu lãi 20 triệu. Đã có một mức vốn, Huy mở một cửa hàng để bày sản phẩm bên cạnh hình thức online như cũ. Lúc này, nhận thấy mình không có thế mạnh về thời trang, Huy cùng bạn đã có sự phân phối về công việc.

 

Cộng sự là người hiểu rõ thời trang nên phụ trách nghiên cứu sản phẩm, còn Huy đi sâu về con người, về dịch vụ khách hàng. Lúc đó chỉ có 2 người làm, chưa có nhân viên nên cả hai học hỏi, bổ trợ cho nhau kiến thức để thay phiên tư vấn, bán hàng.

 

Không có những mối quan hệ, Huy từng phải trải qua những ngày lang thang khắp phố phường Hà Nội tìm các nhà cung cấp tốt. Đến giờ, bạn vẫn nhớ một sự cố “đau đớn” khi bị phản bội lòng tin.

 
Huy và bạn bè, người thân trong dịp khai trương một cửa hàng của mình.
Huy và bạn bè, người thân trong dịp khai trương một cửa hàng của mình.
 

Cách đây 2 năm, một số người bạn nhờ Huy mở cửa hàng với điều kiện lấy hàng bên mình. Sau khi Huy tư vấn cách đạt hiệu quả trong kinh doanh online và nhường rất nhiều mối khách hàng, họ đã chuyển sang tìm nhà cung cấp khác. Lúc này, bạn rất hẫng hụt và thất vọng.

 

Huy cho biết: “Mình mất niềm tin vào con người và cảm thấy chán nản. Nhưng sau khi bình tâm lại, Huy biết đó chỉ là số ít và tự nhắc nhở bản thân phải là người tỉnh táo để không bị lợi dụng. Mất đi lượng khách lớn, Huy phải tìm cách có nhiều khách hàng mới nên sự cố này cũng được coi là một may mắn bởi nó buộc mình phải nỗ lực nhiều hơn”.

 

Từng học trong nhà trường về tâm lý khách hàng, Huy đã vận dụng và tạo ra những dịch vụ rất tốt, mang tính khác biệt. Bạn biết được những cách tạo dựng lòng tin khi đưa thông tin cụ thể vào web, chọn gương mặt người mẫu uy tín, ...

 

Bên cạnh việc tăng thêm số lượng và chất lượng sản phẩm, bạn mở thêm nhiều ưu đãi trong dịch vụ khách hàng. Thậm chí từng hành động nhỏ nhất như: gấp cẩn thận trang phục, bỏ vào túi cho người mua trước khi ra về cũng được Huy chú trọng yêu cầu nhân viên thực hiện để thể hiện sự tôn trọng khách hàng, tạo lòng tin về sự cẩn thận, sự chu đáo.

 

Cứ thế, Huy cùng cộng sự vừa làm, vừa tích cóp. Đến tháng 6/2012, Huy đã có 2 cửa hàng. Đến tháng 10, số shop đã tăng lên gấp đôi. Và cho đến thời điểm hiện tại, Huy có 6 cửa hàng, 4 cái ở Hà Nội, 2 cái ở Thái Nguyên và Bắc Ninh.

 
Với Huy, ngoài tin tưởng, tôn trọng cần có chữ Tâm trong kinh doanh
Với Huy, ngoài tin tưởng, tôn trọng cần có chữ "Tâm" trong kinh doanh
 

Chữ “tâm” trong kinh doanh

 

Để đảm bảo sự hiệu quả và ăn ý trong công việc, Huy cùng người bạn luôn tin tưởng, tôn trọng lẫn nhau. Bên cạnh đó, còn có điểm chung giữa hai người: Chữ “tâm” trong kinh doanh.

 

Chữ “tâm” ấy thể hiện ở cách làm việc, đối xử với nhân viên. Huy không coi họ là người làm thuê mà là cộng sự của mình, đảm bảo cho họ có cảm giác thoải mái nhất, sống với nhau như người một nhà. Mọi người có thể chia sẻ với nhau những chuyện riêng tư, đời thường.

 

Đối với khách hàng, Huy luôn cố gắng đảm bảo về giá cả và sản phẩm. Để làm được điều ấy, bạn mở rộng, nâng cấp xưởng riêng của công ty. Từ đầu năm 2012 đến nay, số công nhân của Huy đã tăng từ 60 - 100 người.

 

Thậm chí, Huy cũng được các nhà cung cấp yêu quý vì cách đối đãi chân tình. Bạn thường tặng những món quà mang ý nghĩa tinh thần như rau đặc sản ở quê, chai café pha sẵn,... và điều đó đã tạo được tình đoàn kết, mối bạn bè thân thiết, chứ không đơn thuần là công việc.

 

Huy cũng luôn trích ra một phần để tổ chức các chương trình từ thiện nhỏ nhưng thể hiện tấm lòng của ông chủ trẻ. Bạn nói: “Mình muốn đem lại một chút gì đó cho những người kém may mắn hơn.

 

Chính điều này cũng giúp tâm hồn Huy luôn vui vẻ, hạnh phúc vì đã làm được điều ý nghĩa và tốt đẹp. Nhờ vậy, mình có thể chuyên tâm và sáng tạo hơn trong công việc”.

 

Hoàng Dung