Vừa đầu năm, sinh viên lại “xanh mặt” vì giá tăng

Ngó qua một lượt các loại rau củ quả được bầy bán, cậu sinh viên phân vân vì không biết nên lấy loại rau nào, cứ nâng lên hỏi giá lại đặt xuống vì mỗi mớ rau cải nhỏ nhẹm một bàn tay 5-6 nghìn đồng….

“Rau đắt như tôm tươi”…..

 

Từ khoảng đầu tháng 1 (dương lịch) các giá thực phẩm các mặt hàng kể cả thịt, cá, rau, củ quả, …bắt đầu tăng đáng kể. Các mặt hàng như thịt và gạo thì tăng chậm, giá ổn định hơn: tăng từ 1 đến 2 giá. Tăng giá nhanh nhất đó là các loại rau của quả.

 

Vấn đề này khiến cho bài toán chi tiêu của các bạn sinh viên ngày càng khó khăn. Bạn Thu, sinh viên trường ĐH Công nghiệp Hà Nội cho biết: “Các loại rau như bắp cải tháng trước chỉ tầm 7-8 nghìn/1 kg, đến giờ là 15 nghìn đồng/1 kg, rau cải ngọt và rau muống cũng tăng gấp đôi”.

 

Theo khảo sát giá tại một số chợ ở địa điểm gần các trường ĐH như ĐH Công nghiệp Hà Nội, Đh Quốc gia Hà Nội giá của các loại rau tăng gần như gấp đôi so với các tháng trước. Ví dụ: Rau cải canh và cải chíp 4-5 nghìn đồng/mớ (tăng 2-3 nghìn đồng), cải ngọt và cải ngồng 18 - 20 nghìn đồng/kg (tăng 5-10 nghìn đồng/1kg), cà chua 18 nghìn đồng/kg (trước chỉ tầm 10-15 nghìn đồng); rau muống 5-6 nghìn đồng/mớ, rau ngót 4,5 - 5 nghìn đồng (tăng 2 - 3 nghìn đồng/mớ).

 
Vừa đầu năm, sinh viên lại “xanh mặt” vì giá tăng
 

Bạn Nghĩa, sinh viên trường CĐ Công nghệ: “Bây giờ đi chợ, nhiều hôm tôi còn không dám mua rau, hoặc phải đắn đo mới mua, nếu chỉ mua 2 bó rau thôi cũng mất đến hơn chục nghìn rồi”.

 

Để giải quyết bài toán khó khăn cho chi tiêu này, bạn Hòa, sinh viên ĐH Thành Đô chia sẻ: “Cách duy nhất mình có thể tiết kiệm được chi tiêu đó là hạn chế mua rau (cười). Mình thường so sánh giữa các loại rau để mua chứ không chọn thoải mái như trước nữa. Mong là tình trạng này sẽ nhanh qua để mọi người có thể yên tâm”.

 

Điêu đứng giá xe về...

 

“Giá xe mỗi dịp gần tết tăng nhanh bằng cả các đợt bão giá xăng cộng lại trong năm”, Hải, SV Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội ví von.

 

Theo thống kê thì đợt tết Dương lịch vừa rồi, vé của các xe khách phụ thu tăng 20%- 60% so với vé ngày thường, còn giá vé tàu cũng tăng 46% so với ngày thường.Và giá tàu xe sẽ còn tăng mạnh vào thời gian gần tết Âm lịch.

 

Xe khách và tàu là hai loại phương tiện di chuyển dịp tết phổ biến nhất đối với sinh viên . Tuy nhiên nếu tình trạng vé tàu xe cứ ngày một tăng thì cũng đáng lo ngại, đặc biệt là các sinh viên ở xa như Quảng Bình, Quảng Trị, Nghệ An, Thanh Hóa, Lào Cai…

 

Các xe khách tư nhân chạy Hà Nội – Thanh Hóa ngày thường đều vào giá chung 70 -80 nghìn đồng, đến dịp tết cũng tăng từ 120 – 150 nghìn đồng, vào dịp 25 -27 Tết có thể tăng 200 – 250 nghìn đồng/ người. Vào những dịp cháy vé cuối năm này, các nhà xe còn tìm đủ cách nhồi nhét hành khách để kiếm thêm lợi nhuận.

 

Bạn Thương, quê Hoằng Hóa, Thanh Hóa, thở dài: “Mỗi lần lễ Tết bắt xe khách về quê, không những phải chịu mức vé cao, ngày thường giá vé chỉ 70-80 nghìn đồng thì dịp này 100-150 nghìn đồng, mà còn phải ngồi chen chúc nhau, thậm chí có đoạn đường phải “nằm” để núp công an giúp nhà xe”.

 

Theo Bùi Thị Ánh

Vietnamnet