“Nở rộ” dịch vụ học thuê dịp cận Tết

(Dân trí) - “Học là hoạt động mệt mỏi và phức tạp. Bởi vậy chúng tôi luôn cố gắng cao nhất và chuyên nghiệp nhất để lựa chọn người phù hợp trong từng trường hợp của quý vị”, đây là đoạn giới thiệu của một trung tâm nhận học thuê- dịch vụ “đắt khách” cận Tết...

Cung chẳng đủ cầu

 

Gõ từ khóa “nhận học thuê” lên công cụ tìm kiếm Google, chỉ trong vòng 0,36 giây đã cho ra 34.400.000 kết quả. Liên hệ tới một vài số điện thoại và nick yahoo trong hàng trăm lời rao tràn lan trên mạng, tình trạng chung nhận được là những người làm dịch vụ này đều đang rất bận rộn vì số lượng người yêu cầu khá nhiều, không thể đáp ứng hết.

 

Ở những “trung tâm” chuyên nhận học thuê có uy tín, giá trung bình cho một lần học trong khoảng trên dưới 100.000/buổi, nhưng muốn hẹn sắp xếp lịch lại hết sức khó khăn vì... thiếu “nhân viên”.

 

Với mức giá bèo hơn, thông thường mỗi trường ĐH đều có vài nhóm chuyên nhận học thuê cho chính sinh viên trường mình. Những sinh viên này chỉ lấy giá trung bình 60.000đ/buổi, nếu có làm bài kiểm tra hộ, mức giá có thể tăng lên 10 - 20.000.

 

N.L. (sinh viên năm 2, ĐH Ngoại ngữ) cho biết: “Em mới bắt đầu nhận học cho các anh chị khóa trên được một thời gian, ban đầu “thu nhập” cũng bập bõm chẳng được bao nhiêu, nhưng gần đây có khá hơn nhiều. Cứ 1, 2 ngày em lại nhận được tin nhắn, điện thoại nhờ học hộ.

 

Có người còn thuê em học luôn từ giờ đến qua Tết 2, 3 tuần liền, trả trọn gói cả tiền làm bài kiểm tra luôn. Bây giờ, những lúc một mình không đi hết được, em kiêm luôn nhiệm vụ giới thiệu các bạn cùng phòng ký túc xá cho ai có nhu cầu”.

 
Không khó để tìm thấy những lời “mời gọi” cho dịch vụ học thuê trên mạng.
Không khó để tìm thấy những lời “mời gọi” cho dịch vụ học thuê trên mạng.
 
Những hậu quả không lường trước

 

Gần Tết, số “khách hàng” tìm đến dịch vụ này ngày càng nhiều. Lý do thì muôn hình vạn trạng: muốn về quê sớm cùng gia đình, cúp học vài ba buổi ngao du thiên hạ, hay thậm chí là vì trời lạnh chẳng muốn đến trường...

 

P.T. (SV năm 3 ngành Ngân hàng) ngán ngẩm: “Gần Tết, đến lớp cũng chỉ ăn với ngủ chứ còn tâm trạng đâu mà học. Giảng viên thì ai khó tính mới chăm kiểm tra, gọi phát biểu nhìn mặt, chứ phần lớn thầy cô tâm lý cũng dễ dãi, toàn điểm danh cho có, lớp thì đông, ai mà nhớ hết được tên được mặt sinh viên. Có trường hợp học hộ mà mỗi buổi một người đi học khác nhau, sinh viên trong lớp còn để ý chứ thầy cô cũng chẳng quan tâm”.

 

Nhưng, không phải thực sự giảng viên nào cũng dễ bị qua mặt. Khoa Báo chí Học viện Báo chí & Tuyên truyền từng có một phen “sóng gió” khi vụ thuê người học hộ của 3 sinh viên trong cùng một lớp bị phanh phui.

 

Hậu quả tất yếu những sinh viên này nhận được là đình chỉ thi, học lại, và vô số phiền toái khác mà khi nghỉ học vì những lý do riêng họ không thể lường trước được.

 

Bên cạnh việc chịu kỷ luật nếu bị phát hiện, việc thuê người học hộ, thậm chí làm bài kiểm tra hộ còn mang đến không ít hệ lụy trong quá trình học tập của mỗi sinh viên. Hổng kiến thức, không nắm rõ lý thuyết cơ bản,... là những hậu quả tất yếu sau một thời gian dài nhờ người khác lên lớp. Những sinh viên này có lẽ chưa nghĩ đến việc mình sẽ phải đối diện với tờ giấy thi như thế nào vào cuối mỗi học kỳ.

 

Đừng để học hành thành gánh nặng

 

Câu chuyện học thuê xuất phát từ tâm lý ham chơi và lười học của sinh viên những ngày cuối năm. Kỳ nghỉ Tết càng đến gần, sinh viên càng dễ sa đà vào những cuộc vui không có điểm dừng.

 

“Sắp nghỉ Tết rồi lo gì” là lý do chung được những sinh viên này vin vào để nghỉ học không suy nghĩ, sẵn sàng bỏ ra một khoản chi phí không hề nhỏ để “dâng” những kiến thức đáng lẽ là của mình cho người khác.

 

“Bên cạnh việc lên án thói lười học của sinh viên, cũng cần xem lại cách giảng dạy và trách nhiệm của đội ngũ giáo viên. Càng gần Tết, càng sát ngày nghỉ, càng phải siết chặt kỷ luật.

 

Đôi khi, hình thức xử lý đối với hành vi học thuê, học hộ chưa đủ tính răn đe, từ đó có thể khiến sinh viên coi nhẹ việc vi phạm. Học hành là trách nhiệm và quyền lợi của mỗi người. Chối bỏ quyền lợi của mình là hành động thiếu suy nghĩ vô cùng”, cô Phạm Thị Phương, giảng viên ĐH Hà Nội nhận định.

 

Hà My