Vụ giả mạo Hoa khôi Đại học Luật: Cơ quan điều tra có thể vào cuộc xác minh

Mai Châm

(Dân trí) - "Cơ quan an ninh điều tra cũng có thể vào cuộc xác minh làm rõ hành vi giả mạo này và các vấn đề khác liên quan đến tài chính nếu có, để giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật".

Vụ việc một cô gái trẻ mạo danh Hoa khôi Đại học Luật, dùng danh xưng này chia sẻ thông tin với một số đơn vị truyền thông mà Dân trí vừa đăng tin sáng nay (1/6), đang thu hút sự quan tâm của dư luận.

Theo đó, cô gái này sử dụng một bức ảnh chụp "thẻ sinh viên Đại học Luật Hà Nội" để qua mắt phóng viên nhưng sau đó trường đại học này đã xác nhận mã số sinh viên trên ảnh là giả.

Trả lời báo Dân trí, Đại học Luật Hà Nội khẳng định, trong danh sách sinh viên đang học tại trường không có sinh viên này.

Ban tổ chức cuộc thi "Duyên dáng nữ sinh trường Đại học Luật Hà Nội - Charm of Law 2020" cũng phủ nhận, cô gái Lý Thu Thảo có liên quan tới cuộc thi, đồng thời bác bỏ thông tin Lý Thu Thảo là Hoa khôi sinh viên ĐH Luật như một số trang tin điện tử đã đăng tải.

Vụ giả mạo Hoa khôi Đại học Luật: Cơ quan điều tra có thể vào cuộc xác minh - 1

Luật sư Đặng Văn Cường đưa ra nhận định về vụ việc Hoa khôi giả mạo.

Trao đổi với phóng viên Dân trí về vụ việc này, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội nhận định: "Đây là một vụ việc giả mạo nghiêm trọng, không những ảnh hưởng đến uy tín của trường Đại học luật Hà Nội mà còn có thể xảy ra những giao dịch liên quan đến tiền bạc có yếu tố gian dối trong lĩnh vực quảng cáo, kinh doanh.

Bởi vậy, nếu trường đại học luật Hà Nội và các cơ quan tổ chức có liên quan không có đơn trình báo, tố giác thì cơ quan an ninh điều tra cũng có thể vào cuộc xác minh làm rõ hành vi giả mạo và các vấn đề khác liên quan đến tài chính nếu có, để giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật".

Luật sư Đặng Văn Cường trích dẫn, theo thông tin từ phía trường Đại học Luật Hà Nội, cơ sở đào tạo này cho biết, không có Hoa khôi Charm of Law nào có tên tuổi, thông tin trùng khớp với người này, đồng thời trường cũng không có sinh viên nào có thông tin nhân thân như vậy.

"Điều này cho thấy thông tin mà cô gái kia đưa ra là giả mạo, thậm chí còn có thẻ sinh viên ngụy tạo. Bởi vậy, cơ quan điều tra có thể vào cuộc xác minh làm rõ có hành vi làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan tổ chức hay không, động cơ mục đích của làm giả tài liệu con dấu này, giả mạo thông tin này để làm gì?", luật sư nêu ý kiến.

Vụ giả mạo Hoa khôi Đại học Luật: Cơ quan điều tra có thể vào cuộc xác minh - 2

Lý Thu Thảo đưa ra một bức ảnh chụp thẻ sinh viên. Đại học Luật Hà Nội xác nhận rằng đây không phải là thẻ sinh viên thật, nhà trường không có sinh viên này.

Theo vị luật sư này, trong trường hợp thẻ sinh viên có dấu pháp nhân của nhà trường mà dấu này bị làm giả, thì đây là hành vi làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan, tổ chức. Nếu sử dụng tài liệu con dấu giả sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 341 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Trường hợp đối tượng sử dụng thông tin gian dối, giả mạo để ký các hợp đồng quảng cáo hoặc thực hiện các giao dịch dân sự, kinh tế để nhận được tiền, tài sản của các tổ chức, cá nhân thì đây là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Cụ thể hơn, trường hợp tổ chức, cá nhân bị giả mạo và bị chiếm đoạt số tiền từ 2.000.000 đồng trở lên thì cũng có thể tố cáo đến cơ quan công an để được xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật.

Mở rộng vấn đề, luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, hiện nay hoạt động kinh doanh, giải trí, các ngành dịch vụ rất phát triển trong đó những người đẹp có danh hiệu trong các cuộc thi sắc đẹp, đặc biệt những người đẹp có trí thức là sinh viên hoặc đã từng tốt nghiệp đại học thì rất dễ chiếm được cảm tình, thiện cảm của người hâm mộ.

Vụ giả mạo Hoa khôi Đại học Luật: Cơ quan điều tra có thể vào cuộc xác minh - 3

Cô gái trẻ mạo danh Hoa khôi Đại học Luật Hà Nội, có nhiều bài viết về cô này trên các trang thông tin điện tử.

Nhờ uy tín của cuộc thi, đơn vị tổ chức cuộc thi cùng với trình độ năng lực và nhan sắc, những người đẹp dễ dàng có thể ký được những hợp đồng quảng cáo giá trị lớn, có cơ hội phát triển bản thân trong nhiều lĩnh vực.

Tuy nhiên, nếu vì động cơ cá nhân, người nào giả mạo thông tin là hoa khôi, là sinh viên của cơ sở đào tạo uy tín để chiếm đoạt tài sản thì đây là hành vi vi phạm pháp luật.

"Trong trường hợp người giả mạo thông tin của trường đại học mà thực hiện các hành vi trái pháp luật, có những lời nói, hành động, phát ngôn, đời sống lối sống không phù hợp với chuẩn mực xã hội, thuần phong mỹ tục thì có thể ảnh hưởng đến uy tín của cơ sở đào tạo, ảnh hưởng đến danh dự uy tín của các sinh viên khác.

Bởi vậy, vấn đề này cần phải làm rõ và xử lý nghiêm minh trước pháp luật. Trường hợp hành vi có dấu hiệu tội phạm về tội làm giả tài liệu con dấu của cơ quan tổ chức, sử dụng tài liệu con dấu giả hoặc có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì cần phải xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật", luật sư Đặng Văn Cường nêu rõ.