Kỹ năng sống:

“Văn hóa xếp hàng” đang xuống cấp!

(Dân trí) - Chuyện xếp hàng chờ đến lượt tưởng như là điều rất bình thường, thể hiện một xã hội văn minh, hiện đại. Thế nhưng tại nhiều nơi, bên cạnh những người có ý thức xếp hàng thì vẫn xuất hiện cảnh chen lấn, xô đẩy nhau khiến nhiều người bức xúc.

 

“Văn hóa xếp hàng” đang xuống cấp! - 1
Chen lấn, giẫm đạp nhau để mua vé xe về Tết.

 

Cận tết nhu cầu mua vé về quê ăn Tết tại bến xe miền Đông rất lớn. Chính vì thế hàng ngàn người dân đã ùn ùn kéo đến mua vé, và cứ như đã được định sẵn, cảnh chen lấn, ùn đẩy nhau trước quầy vé đã diễn ra. Cả phòng bán vé lớn ngộp hơi người như nổ tung với những tiếng gọi, la ó lẫn chửi thề.

 

Nhễ nhại len ra khỏi đám đông, anh Phạm Minh, quê Bình Định hổn hển: “đến đây từ sớm, vào chỗ xếp hàng đàng hoàng đó chứ, thế nhưng khi quầy vé vừa mở cửa, là người ta cứ ào ào lấn tới, chẳng cần biết ai đến trước ai đến sau”. Vì nhỏ người, anh Minh không trụ nổi, thế là đành về không cho dù đã đến bến xe từ rất sớm.

 

Không chỉ bến xe, ngay tại các siêu thị, việc sếp hàng mua sắm để dùng bữa tại cửa hàng thức ăn nhanh, vào bãi gửi xe … hầu như ta đều gặp việc xếp hàng hàng ngày.

 

Nhưng việc xếp hàng chờ đợi hình như nhiều người lại coi là vấn đề chỉ tồn tại trên … lý thuyết. Mỗi khi vào dịp lễ, Tết, cuối tuần lượng người đi mua sắm đông thì việc xếp hàng thường ít được để ý. Đa số mọi người lại tìm cách chen nhau, xô đẩy để cố giành phần trước.

 

“Văn hóa xếp hàng” đang xuống cấp! - 2
Gửi xe vào bãi cũng nhiêu khê vì chen lấn.

 

Chị Thanh, đang cư ngụ tại đường Lê Quang Định, Q. Bình Thạnh cho rằng: “Cứ vào cuối tuần tôi lại đi bộ đến Co.opMart Đinh Tiên Hoàng để mua sắm. Chứ nếu đi xe đến, ngay từ khâu gửi xe cũng đã mất gần tiếng đồng hồ rồi. Thôi thì đi bộ cho đỡ phải chen lấn để gửi xe”.

 

Một nhân viên giữ xe tại siêu thị Co.opMart Đinh Tiên Hoàng cũng cho biết, vào những lúc cao điểm, nếu không có người đứng ra điều khiển thì rất dễ ùn tắc ngay trước cửa ra vào của bãi gửi xe.

 

“Đường vào bãi đã được thiết kế hẹp chỉ để 1 xe đi qua, tránh việc 2 – 3 xe lấn lên cùng lúc. Vậy mà nhiều người dù đến sau, cũng ráng ghé bánh xe chen ngang vào, thế là người trước không vào được, mà kẻ chen ngang cũng chẳng thể nhúc nhích, kẹt cứng cả làng. Nhiều lúc thấy bực cả mình”.

 

Anh Hoàng Trọng Tính (quận Bình Thạnh) lắc đầu nói: “Khi gặp cảnh đông đúc phải xếp hàng, đáng lý mọi người cần có ý thức để tiết kiệm cho nhau thời gian, công sức và cả tâm lý bực bội. Cần biết tôn trọng quyền ưu tiên theo thứ tự trước – sau nhưng ai cũng chỉ nghỉ cho bản thân, sợ bị “mất phần” nên đa số tự biến mình thành “chuyên viên chen lấn”.

 

“Văn hóa xếp hàng” đang xuống cấp! - 3
Trước đây thời bao cấp người dân văn hóa xếp hàng được thực hiện rất tốt.

 

“Tôi còn nhớ, mấy cụ lớn tuổi kể trước đây khi còn bao cấp, việc xếp hàng chờ đến lượt mua nhu yếu phẩm vẫn được mọi người thực hiện rất nghiêm túc. Không có cảnh chen lấn và xô đẩy như hiện nay” anh Tính tâm sự với vẻ mặt buồn buồn.

 

Điều đáng buồn nhất là “văn hóa xếp hàng” của người Việt đang bị nhiều bạn bè quốc tế chê trách. Ông James Thorian, giảng viên của Trung tâm Anh ngữ Bộ Ngoại Giao, có thói quen đi đâu, làm gì cũng tránh giờ cao điểm. Ông James thường đến trung tâm vào lúc 4 giờ chiều, dù đến 7 giờ mới có lớp, để tránh kẹt xe ngoài đường và … tại bãi giữ xe của trung tâm.

 

Ông cũng có thói quen mua sắm vào lúc 9 giờ sáng hay 2 -3 giờ chiều để vắng người. Bởi vì theo ông James Thorian, tôi rất mệt mỏi khi đối diện với đám đông người nhốn nháo vào giờ cao điểm, và cũng không muốn “trở thành một người huých tới, lấn lui như người khác”.

 

Giá mọi người biết nhường nhịn và có ý thức xếp hàng khi đông người thì chắc sẽ thoải mái và dễ chịu hơn.

 

Hoài Lương – Văn Hoài

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm