Văn hóa thần tượng "lệch chuẩn" trong giới trẻ
(Dân trí) - Khi hàng loạt bê bối của người nổi tiếng trong và ngoài nước bung ra, những phản ứng mù quáng, bất chấp mọi chuẩn mực đã phản ánh rõ nhất văn hóa thần tượng "lệch chuẩn" của một bộ phận giới trẻ.
Bảo vệ thần tượng bất chấp đúng sai
Mới đây, bê bối đời tư của ca sĩ, diễn viên Trung Quốc Ngô Diệc Phàm đã gây "rúng động" giới giải trí châu Á. Anh vướng loạt cáo buộc hiếp dâm với trẻ vị thành niên, cưỡng dâm tập thể, sử dụng ma túy, môi giới mại dâm, lừa đảo các cô gái trẻ và có lối sống thác loạn.
Ngô Diệc Phàm đã bị tạm giam để phục vụ công tác điều tra và các chuyên gia pháp lý nhận định nam diễn viên này sẽ phải đối diện án tù từ 10 năm đến chung thân. Các kênh truyền thông hàng đầu tại Trung Quốc đồng loạt đăng bài chỉ trích và bày tỏ quan điểm: "Trước khi làm một người nổi tiếng, xin hãy làm người".
Tuy nhiên, một bộ phận fan cuồng mù quáng ra sức bảo vệ thần tượng. Họ thành lập "Hội bảo vệ Ngô Diệc Phàm", yêu cầu nhà chức trách trả tự do cho thần tượng của mình, cũng như đòi đổi quốc tịch, chuyển từ hâm mộ Ngô Diệc Phàm qua Lý Gia Hằng (tên thật của Ngô Diệc Phàm). Những fan cuồng này còn liên tục vào Weibo của nạn nhân bị Ngô Diệc Phàm cưỡng dâm, để công kích, phỉ báng và đe dọa.
Trong khi đó, tại Việt Nam, ca sĩ Trịnh Trần Phương Tuấn, nghệ danh Jack, vướng scandal tình ái có con riêng, "sở khanh", cùng lúc có mối quan hệ với nhiều cô gái. Scandal tình ái của Jack không có hồi kết khi không chỉ một mà đến 3 người cùng lên tiếng bóc phốt Jack trong một ngày.
Không thừa nhận những sai lầm của thần tượng, nhiều người hâm mộ vẫn tìm cách để ủng hộ đến mức mù quáng. Họ lợi dụng sự phát triển của các nền tảng mạng xã hội để "lên tiếng" thay cho thần tượng của mình.
Trên TikTok xuất hiện hàng loạt những clip kèm lời "động viên": "Nếu Jack có sai, chúng em sẽ sai cùng anh", "một ngày là thần tượng mãi mãi là thần tượng"; "Điều 1: Jack luôn đúng. Điều 2: Jack là số một. Điều 3: Jack đứng nhất, mọi thứ khác đều đứng sau...".
Một điều đáng lo ngại đó là phần lớn những người hâm mộ này mới chỉ đang học cấp 1, cấp 2. Việc hâm mộ và bảo vệ thần tượng bất chấp sai trái như vậy có thể ảnh hưởng lớn đến nhận thức, hành vi của lớp thế hệ trẻ. Thậm chí, không ít ý kiến cho rằng việc có con với thần tượng là "điều vinh hạnh", và Jack không có lỗi trong chuyện này.
Xây dựng văn hóa thần tượng lành mạnh
Thực chất, thần tượng một ai đó là một nhu cầu cơ bản trong cuộc sống và sẽ là một nét đẹp văn hóa nếu nó thúc đẩy người trẻ có suy nghĩ và hành động tích cực hơn, có tinh thần vươn lên trong cuộc sống.
Tuy nhiên trên thực tế, không phải người hâm mộ nào cũng đủ tỉnh táo để kiểm soát và điều chỉnh sự ngưỡng mộ thần tượng một cách tích cực để bản thân vươn lên, tiến bộ không ngừng. Văn hóa thần tượng vẫn còn nhiều điều "gợn" khi có những tranh cãi về hiện tượng sùng bái điên cuồng, bắt chước, hùa theo những thói hư tật xấu của thần tượng và nghiêm trọng hơn là việc fan cuồng, fan quá khích đang ngày càng "trẻ hóa", với lứa tuổi cấp 1, cấp 2.
Bàn về vấn đề này, chuyên gia tâm lý Dương Thị Thu Hà - Trung tâm Tâm lý trị liệu NHC Việt Nam nêu quan điểm: "Thần tượng có 3 mức; và tôn thờ, cuồng thần tượng là mức cao nhất, đôi khi còn được xem như một hình thức bệnh tâm lý. Những người này có xu hướng bị quá ám ảnh với những thành công, thất bại của thần tượng, trở nên gắn bó một cách cưỡng bức với cuộc sống của thần tượng."
Lý giải hiện tượng văn hóa thần tượng "lệch chuẩn", bà Hà cho rằng: "Có nhiều cơ chế tâm lý dẫn đến thần tượng một người ở mức độ này. Xu hướng lãng mạn hóa, tức là người trẻ phỏng chiếu những khát vọng hoặc mơ ước phi thực tế của cá nhân họ vào những người nổi tiếng và thành công để thông qua thần tượng cảm thấy mình có cảm giác chạm tay vào những ước mơ mà cá nhân không thể với tới...".
Lúc này, các fan sẽ dần trở nên phụ thuộc vào thần tượng, có thể là thay đổi ngoại hình theo thần tượng, thay đổi các mối quan hệ xã hội, thay đổi cảm xúc cá nhân với những người thích hoặc không thích thần tượng của mình. Thậm chí thay đổi cả các giá trị, quan điểm niềm tin theo những phát ngôn, hành xử của thần tượng, có thể còn ảnh hưởng tới cả các kế hoạch tương lai của bạn trẻ.
Thế nên, nếu thần tượng đem lại các hiệu ứng tích cực thì đó là việc tốt, đáng khuyến khích. Nhưng nếu thần tượng càng có hành vi ứng xử hay phát ngôn lệch chuẩn thì các fan sẽ càng có xu hướng bắt chước phong cách lệch chuẩn theo".
Theo chuyên gia tâm lý Dương Thị Thu Hà, trang cá nhân của những nghệ sĩ nổi tiếng có đến hàng triệu hay chục triệu người theo dõi, nên tầm ảnh hưởng của họ lên người hâm mộ là rất lớn. Để góp phần xây dựng văn hóa thần tượng lành mạnh, cần đặt vấn đề quản lý về tư cách, phẩm chất đạo đức, lối sống, trách nhiệm xã hội của các nghệ sĩ cũng như có những chế tài xử phạt nghiêm đối với những nghệ sĩ sai phạm.
Việc người hâm mộ ngày càng "trẻ hóa" ở lứa tuổi cấp 1, cấp 2 đã đặt ra yêu cầu đối với nhà trường và phụ huynh trong việc tuyên truyền và quản lý; trong đó phải đặc biệt hạn chế sự tiếp xúc của trẻ đối với thiết bị di động và các nền tảng mạng xã hội như: Facebook, Youtube, Instagram… khi còn nhỏ tuổi. Bên cạnh đó, cũng cần quan tâm đến tâm sinh lý của trẻ bởi đây là lứa tuổi dễ bị ảnh hưởng tâm lý nhất.
"Và đối với bản thân người hâm mộ dù có ở lứa tuổi nào cũng cần sự lý trí và hiểu biết. Chúng ta có thể thần tượng một ai đó nhưng chúng ta không thể bao che hay mù quáng trước những sai lầm của họ. Hãy nhớ rằng những thần tượng, nghệ sĩ chân chính luôn "bán" cho công chúng những sản phẩm lao động nghệ thuật hàm chứa đầy giá trị nhân văn, và vì thế họ sẽ sống mãi cùng những tác phẩm trong ký ức của cộng đồng. Còn những nghệ sĩ với hành vi không chuẩn mực, "buôn bán" thị phi, vi phạm pháp luật thì sớm muộn cũng sẽ bị pháp luật xử lý và công chúng quay lưng", nữ chuyên gia nhấn mạnh.
Bạn nghĩ thế nào về việc văn hóa thần tượng ngày càng lệch chuẩn? Hãy chia sẻ ý kiến trong phần bình luận bên dưới bài viết!