Tỷ phú từ nuôi ong lấy mật

Khởi nghiệp từ những đồng vốn vay mượn, chàng trai Trần Xuân Phong (sinh năm 1984) ở xã An Khang, TP Tuyên Quang đã mạnh dạn mở mô hình nuôi ong lấy mật. Đến nay, anh Phong đã có 1.700 đàn ong khắp Nam - Bắc với thu nhập gần 2 tỷ đồng mỗi năm.

Đứng lên sau thất bại

 

Vượt quãng đường rừng hàng trăm km, tôi tới trang trại nuôi ong của gia đình anh Phong. Hàng nghìn thùng nuôi ong đặt khắp vườn, mùi thơm của mật ong phảng phất ngay từ ngoài cổng.

 

Trần Xuân Phong sinh ra và lớn lên ở xã An Khang, học xong THPT, Phong thi đại học nhưng không đỗ. Lớn lên gắn liền với những ong, sáp mật mà gia đình nuôi nên anh nghĩ ngay tới việc sẽ làm giàu từ việc mở mô hình nuôi ong lấy mật.

 

“Lúc đầu tôi băn khoăn về việc chọn nghề. Bạn bè cùng trang lứa rời quê đi học tập, làm ăn hết, mỗi mình ở nhà bám lấy mấy đàn ong liệu có tương lai? Nhưng chính lúc đó bố tôi đã động viên và khuyên tôi cố gắng theo nghề nuôi ong làm giàu trên chính mảnh vườn gia đình”, Phong kể.

 
Anh Phong kiểm tra các tầng mật
Anh Phong kiểm tra các tầng mật
 

Năm 2002, Phong được bố giao lại 150 đàn ong mật giống nội để nuôi. Bước đầu vào nghề, anh luôn vấp phải khó khăn, thiếu đủ thứ, từ kinh nghiệm, vốn và đầu ra, nên chịu nhiều thất bại.

 

Phong chia sẻ: “Nuôi ong chỉ để lấy mật dùng thì khá dễ nhưng nuôi số lượng lớn để làm giàu rất khó, phải am hiểu thời tiết, các vùng địa lý nhiều nơi và thấu hiểu được bản chất của con ong. Sống với nó như bạn thì mới nuôi nó được. Muốn ong cho mật tốt phải đem ong đến những vùng có mùa hoa nở rộ. Lúc đầu, tôi đưa đàn ong đến những nơi có hoa để hút mật thì hoa đã tàn.

 

Khi trở về, ong bị đói, cắn nhau chết hàng đàn, mật thì không có. Những lúc đó nhiều người khuyên nên chuyển sang nghề khác chứ nuôi ong không làm giàu được, nhưng tôi nghĩ do mình chưa thật sự hiểu về ong, mỗi lần thất bại là một bài học kinh nghiệm để mình phát triển sự nghiệp sau này”.

 

Đầu năm 2005, anh Phong tiếp tục mạnh dạn đưa sổ đỏ đi thế chấp, vay ngân hàng để mua sắm vật tư, con giống, nâng số lượng đàn ong lên. Đầu năm 2006, thị trường tiêu thụ mật ong dần ổn định, bước đầu đem lại thu nhập kinh tế để Phong mạnh dạn mở rộng mô hình.

 

Vào Nam ra Bắc cùng ong

 

Để nâng cao năng suất và chất lượng mật cho ong, Phong không ngừng học tập và tìm cách lai giống chúng. Năm 2006 anh đã tìm ra cách lai tạo giữa giống ong vàng của miền Bắc với giống ong Ý của miền Nam, tạo thành giống ong lai, vừa cho lượng mật cao, vừa chống chọi được với cái lạnh của miền Bắc.

 

Năm 2008, anh đã ký hợp đồng chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm với Cty Ong Đắk Lắk, sản phẩm ra đến đâu được tiêu thụ ngay đến đó, vừa lấy mật vừa nhân đàn, đến nay anh đã có 1.700 đàn ong.

 

Tuyên Quang là tỉnh có diện tích rừng, cây ăn quả, cây trồng vụ đông rất lớn, đầy tiềm năng để phát triển nghề nuôi ong mật (thức ăn chính là mật và phấn hoa tự nhiên). Nhưng để đàn ong có sản lượng mật quanh năm thì phải di chuyển đi đón những mùa hoa ở cả các tỉnh miền Nam.

 

“Cứ vào đầu tháng 12 hàng năm là tôi phải di chuyển đàn ong vào tỉnh Bình Phước đón hoa điều, tháng 2 lên tỉnh Gia Lai hưởng hoa cà phê, tháng 3 quay về tỉnh Bắc Giang đón vụ hoa vải, sau đó chuyển về đón hoa nhãn tại tỉnh Hưng Yên. Tháng 7 chuyển ong lên tỉnh Sơn La đón vụ hoa càng cua, tháng 10, 11 về tỉnh Hà Giang có hoa bạc hà”. Việc di chuyển ong phải làm trong đêm, vì thời gian này là đàn ong về tổ ngủ, không bị phân tán đàn và bị chết do thay đổi khí hậu đột ngột. Đàn ong của Phong cho 4 vụ mật/năm.

 Đến nay, đàn ong của Phong đã thu trên 100 tấn mật/năm, trị giá trên 3 tỷ đồng, trừ đầu tư chi phí anh còn thu lãi gần 2 tỷ đồng, góp phần tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động là đoàn viên thanh niên trên địa bàn, với mức thu nhập 4 - 5 triệu đồng/người/tháng.

 

Xuất khẩu

 

Để tạo điều kiện cho những hộ nuôi ong trong vùng trao đổi kinh nghiệm, giúp nhau tiêu thụ sản phẩm, tháng 5/2013, anh Phong đứng ra thành lập HTX nuôi ong Phong Thổ gồm 25 xã viên là những hộ nuôi ong trên địa bàn xã, trong đó có 70% là đoàn viên thanh niên, nâng tổng số đàn ong của HTX lên trên 4.000 đàn.

 

Khát vọng của Phong không chỉ là mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước mà anh còn muốn mang sản phẩm mật ong của mình xuất khẩu sang cả những thị trường khó tính như Hoa Kỳ.

 

Anh chia sẻ: “Sản lượng mật ong của HTX thì không ngừng tăng nhưng ngoài bắc chưa có nhà máy chế biến nên phải mang sản phẩm thô vào Tây Nguyên để chế biến để xuất khẩu ra nước ngoài. Tốn chi phí xe cộ, lại không mang được thương hiệu mật ong của HTX mình.

 

Khi xây dựng thành công nhà máy chế biến mật ong ở đây sẽ giảm được nhiều chi phí, không những thuận lợi cho phát triển mô hình nuôi ong trong tỉnh mà cả các tỉnh miền núi phía bắc nữa”.

 

Theo Quang Lộc

Tiền phong