Văn nghệ sĩ, nhà báo trẻ góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp
Tuyên truyền, phổ biến Hiến pháp tới mọi người dân là cấp thiết
(Dân trí) - Nhạc sĩ Đỗ Bảo, phó giám đốc NXB Kim Đồng Nguyễn Huy Thắng cùng nhiều văn nghệ sĩ, nhà báo đã tích cực đóng góp ý kiến cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 trong Hội nghị diễn ra hôm 6/4.
"Hội nghị Nhà báo trẻ và văn nghệ sĩ góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992" đã diễn ra dưới sự chủ trì của Bí thư TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Dương Văn An. Hội nghị nhằm phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết của toàn dân nói chung trong và thế hệ trẻ nói riêng, trong đó có các nhà báo và văn nghệ sĩ trong việc đóng góp ý kiến xây dựng Hiến pháp.
Đây là cơ hội để các văn nghệ sĩ, nhà báo trẻ phát biểu một cách thẳng thắn, dân chủ những ý kiến, nguyện vọng của mình và phát huy trí tuệ tập thể trong vấn đề lập pháp của đất nước.
Khai mạc Hội nghị, Bí thư TW Đoàn Dương Văn An cho biết: "Nhận chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư TW Đoàn đã trực tiếp chủ trì 5 cuộc hội thảo trong hệ thống Đoàn viên các lực lượng vũ trang, tổ chức Đoàn sinh viên, tổ chức Đoàn chức sắc tôn giáo, thanh niên trong công nhân viên chức.
Với Hội nghị dành cho văn nghệ sĩ và các nhà báo trẻ, chúng tôi mong muốn nhận được những ý kiến thẳng thắn, để chúng tôi tiếp thu, tổng hợp ý kiến báo cáo lên Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp".
Tuyên truyền, phổ biến Hiến pháp tới mọi người dân là cấp thiết
Nhà văn Nguyễn Đình Tú, một cây viết quân đội mở đầu cho các nhà báo và văn nghệ sĩ đóng góp ý kiến:
Hiến pháp là đạo luật gốc, càng ngắn gọn càng tốt, Lời nói đầu của Hiến pháp 1946 chỉ có 238 chữ nhưng rất súc tích, dễ hiểu và có tầm khái quát cao. Sau nhiều lần thay đổi, sửa chữa, bổ sung, Lời nói đầu của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này cũng tương đối ngắn gọn, khái quát và súc tích, tuy nhiên tôi thấy đôi chỗ vẫn bị lặp lại, thừa chữ nên có đề nghị sửa chữa một số câu, chữ.
Dịch giả, TS. Giáo dục học Nguyễn Thụy Anh
Nên chăng Việt Nam có một ngày gọi là ngày Hiến pháp giống như một số nước trên thế giới để nhắc nhở người dân quan tâm hơn tới luật pháp, quyền và nghĩa vụ của mình.
Là một người được đào tạo về chuyên ngành giáo dục học, tôi quan tâm và mong muốn được góp ý với dự thảo Hiến pháp về mảng giáo dục, xã hội và một số điều liên quan đến trẻ em, thanh thiếu niên – nằm trong khuôn khổ chương II, III của Dự thảo Hiến pháp.
Việc bỏ điều 66 về vấn đề thanh niên, tôi cho rằng những người làm luật bỏ là có lí do nhưng không nên bỏ hoàn toàn mà phải đưa nó vào một điều nào khác, có thể là quy định chung về nhiều đối tượng khác.
Trong toàn bộ Hiến pháp không có dòng nào quy định về việc tạo điều kiện giải trí mà chỉ nhắc tới quyền, nghĩa vụ học tập. Tôi cho rằng Hiến pháp cần phải nhắc tới vấn đề này để có thể phát triển toàn diện nhân cách con người.
Nhạc sĩ Đỗ Bảo
Thực tế khách quan tại nước ta còn nhiều bất cập, không phải người dân nào cũng có điều kiện tiếp cận nội dung Hiến pháp, không phải người dân nào cũng tham gia thực hiện góp ý sửa đổi Hiến Pháp.
Vì vậy việc nghiên cứu phổ biến, tuyên truyền Hiến pháp và Pháp luật là một yêu cầu cấp bách, cần được nghiên cứu, đầu tư và thực hiện thích đáng như một kế hoạch mang tính chiến lược, qua đó mỗi công dân hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của mình, tạo tiền đề cho một xã hội với những công dân thượng tôn pháp luật, một xã hội hiện đại, công bằng, văn minh.
Nói một cách khác, Hiến pháp chỉ thực sự có ý nghĩa, phát huy được những giá trị chung và tốt đẹp của nó một khi Hiến pháp ấy thực sự được công dân biết đến và chấp hành nghiêm túc.
Tôi trân trọng đề nghị Hội nghị nhà báo, văn nghệ sĩ trẻ góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp nghiêm túc nghiên cứu để truyền đạt tới Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp nhằm bổ sung những điểm mới tại Chương I hoặc Chương II Hiến pháp trong đó xác lập rõ quy cách phổ biến, tuyên truyền Hiến pháp như một nhiệm vụ của Nhà nước, đồng thời xác lập rõ việc tiếp cận Hiến pháp, việc tham gia vào xây dựng sửa đổi Hiến pháp như một quyền của mỗi công dân Việt Nam.
Giữ lại các quy định về thanh niên
Nhà báo Đinh Thị Nguyệt Minh, báo Thanh Niên
Trong dự thảo Hiến pháp sửa đổi, không có một điều khoản nào nói về vai trò của các tổ chức đoàn thể, đặc biệt là Đoàn Thanh niên trong việc chăm lo, giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ; cũng không có quy định nào về trách nhiệm của nhà nước, gia đình và xã hội đối với thanh niên, trong khi Hiến pháp hiện hành, tại Điều 36 và Điều 66 có quy định khá cụ thể về nội dung này.
Vì vậy, tôi thống nhất với nhiều ý kiến đã phát biểu tại một cuộc hội thảo gần đây do Trung ương Đoàn tổ chức, và một số ý kiến đã được đăng tải trên các báo đề nghị giữ lại quy định hiện hành tại Điều 36 và Điều 66 của Hiến pháp 1992, hoặc quy định một Điều mới về thanh niên, về vai trò của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trong Hiến pháp sửa đổi, ở chương Chế độ chính trị.
Nguyễn Huy Thắng, Phó Giám đốc Nhà xuất bản Kim Đồng
Hiến pháp năm 1992 có dành riêng điều nói về thanh niên như sau:
Điều 66: Thanh niên được gia đình, Nhà nước và xã hội tạo điều kiện học tập, lao động và giải trí, phát triển thể lực, trí tuệ, bồi dưỡng về đạo đức, truyền thống dân tộc, ý thức công dân và lý tưởng xã hội chủ nghĩa, đi đầu trong công cuộc lao động sáng tạo và bảo vệ Tổ quốc.
Điều 36: Các đoàn thể nhân dân, trước hết là Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, các tổ chức xã hội, các tổ chức kinh tế, gia đình cùng nhà trường có trách nhiệm giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng.
Là những người làm công tác xuất bản sách cho thiếu nhi, nằm trong hệ thống báo chí - xuất bản của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, chúng tôi cho rằng việc bỏ điều 66 cũng như nội dung ở điều 36 trong Dự thảo Sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là không phù hợp.
Thực tế cho thấy ở nước ta Đoàn thanh niên có vai trò và vị thế đặc biệt quan trọng trong đời sống xã hội. Trong mọi thời kì cách mạng, công tác thanh niên đã không ngừng có những đóng góp cho sự nghiệp đấu tranh cách mạng, xây dựng và bảo vệ đất nước.
Thanh niên thực sự là lực lượng luôn đi đầu trong các mục tiêu cách mạng và các phong trào cụ thể. Đồng thời thanh niên cũng là những huynh trưởng sâu sát nhất với thiếu niên, nhi đồng, có tác động định hướng, giáo dục, chăm lo cho các em một cách thiết thực, hiệu quả.
Về phần mình, nhà nước cũng cần đặc biệt quan tâm đến công tác thanh niên, tạo điều kiện để thanh niên phát huy được tốt nhất vai trò và ưu thế của mình. Hiến pháp, như chúng ta biết, là đạo luật cơ bản nhất của nhà nước, thể hiện ý chí và nguyện vọng của đa số nhân dân. Chính vì vậy, chúng tôi kiến nghị Hiến pháp sửa đổi giữ nguyên tinh thần các điều nói trên về thanh thiếu niên.
Mai Châm (ghi)