Tuổi 18 - Đừng chỉ “yêu"

(Dân trí) - Đến Mỹ từ đầu năm 2013, điều đầu tiên mà tôi học được về văn hoá Mỹ là ngày Valentine không chỉ là dành cho tình yêu lứa đôi. “Happy Valentine’s Day" - bố mẹ homestay hàng năm vẫn tặng tôi một món quà nhỏ, cùng với chocolate, bánh, và hoa.


Tác giả bài viết Võ Tường An là nữ sinh từng giành học bổng của 12 trường ĐH danh tiếng thế giới.

Tác giả bài viết Võ Tường An là nữ sinh từng giành học bổng của 12 trường ĐH danh tiếng thế giới.

Người Mỹ dành ngày Valentine để thể hiện tình yêu và sự biết ơn dành cho gia đình và những người thân thương nhất. Tôi thích cái khái niệm đó về tình yêu của người Mỹ, vì tình yêu không chỉ là những cảm xúc rung động trong một cơn say nắng đầu đời.

Tuổi 18, tôi bước ra khỏi mái trường trung học với nhiều băn khoăn. Tôi tò mò về tất cả mọi thứ xảy ra quanh mình, về tình yêu, tình bạn, những mối quan hệ, công việc, và cả những tầng lớp trong xã hội. Cứ như thế, tôi luôn thấy mình lạc lối và bấp bênh.

Và rồi ngày Valentine lại đến, thẫn thờ trong suy nghĩ về 4 năm qua, tôi vẫn luôn mỉm cười mỗi lúc nhớ về sự ngây ngô của mối tình đầu. Tôi biết chắc, dù tôi có là ai, hay có ở đâu trong xã hội, dù người khác có tìm đến tôi hay không, thì với tôi, tình yêu vẫn là điều đáng trân trọng nhất. Tôi vẫn sống trong những cảm xúc bất tận của mình, vì tôi luôn là như thế, muốn yêu và được yêu.

Thế là tôi đi tìm hiểu về tình yêu. Với một đứa con gái “cứng nhắc” như tôi, thì có lẽ, bạn cũng không lấy là ngạc nhiên khi tôi tìm đến triết học muôn thuở cùng những trang sách, viết về tình yêu con người.

Từ Erich Fromm, đến C. S. Lewis hay Bell Hooks, cuối cùng, điều duy nhất còn đọng lại trong tôi: tình yêu là kết quả của sự hy sinh, tha thứ, đồng cảm, sự tin tưởng, những kỷ luật, và đôi khi, nó đòi hỏi rất nhiều dũng cảm từ hai con người. Với Erich Fromm, một người không chỉ “rơi vào" tình yêu, mà anh ta hay cô ta phải “yêu”.

“Yêu” luôn là một động từ đòi hỏi rất nhiều hành động. Từ góc nhìn đó, Erich Fromm, nhà triết học người Đức cho rằng, tình yêu và khả năng cho đi yêu thương là một trong những khía cạnh quan trọng nhất trong cuộc đời con người. Rõ ràng, dù có là tình yêu gì đi chăng nữa thì yêu cũng không phải là sự tình cờ hay hiển nhiên trong cuộc sống, kể cả khi đó là tình cảm gia đình.


... Tình yêu không chỉ là những cảm xúc rung động trong một cơn say nắng đầu đời... (ảnh minh họa)

"... Tình yêu không chỉ là những cảm xúc rung động trong một cơn say nắng đầu đời..." (ảnh minh họa)

Nhà văn Đặng Nguyễn Đông Vy và Phạm Công Luận có mở đầu cuốn Nếu Biết Trăm Năm Là Hữu Hạn: “Gia đình là phần cứng, còn yêu thương và sự thấu hiểu là phần mềm. Vậy cho nên, sự bình yên là thứ có thể được thiết lập, và vì thế, có thể được tái thiết lập”.

Với Erich Fromm, quá trình “thiết lập” ấy cần 4 yếu tố quan trọng: quan tâm, trách nhiệm, tôn trọng, và tìm hiểu kiến thức. Có lẽ, khi tôi đang viết bài viết này, tôi cũng bắt đầu xây dựng yếu tố đầu tiên trong hành trình của mình bằng một câu hỏi: liệu tôi muốn có một tình yêu như thế nào?

Tôi vẫn nghĩ, tình yêu lứa đôi là điều kì diệu nhất trong cuộc sống. Vài năm trước, có khi hai con người còn không biết đến sự tồn tại của nhau. Vậy mà họ cứ đi qua những con đường và ngã rẽ chung lối để tìm đến nhau. Thậm chí, dù có bao dấu hỏi đặt ra về những chặng đường trước đó, thì người ta vẫn chấp nhận và cùng nhau đi tiếp, để đạt đến cái gọi là “yêu".

Tôi luôn hướng về một thế giới như vậy, nơi người ta có thể bỏ cái tôi trong lòng cùng những sự khác biệt về hình thức để tập trung vào tình cảm chân thành nhất. Cái nét đẹp ở tình yêu mà tôi nhìn thấy đó là khi người ta phải phấn đấu mới có thể xây dựng và quý trọng được, như Erich Fromm vẫn gọi: “nghệ thuật yêu”.

Tuổi 18, nhiều người cũng tìm đến tôi, đặt ra những câu hỏi và mong nhận được lời khuyên. Tôi thì lại nghĩ, nhiều khi cái mà họ đang thực sự tìm kiếm là một sự bình yên nào đó ở trong tâm hồn, mách bảo rằng họ đang đi đúng hướng. Có biết đâu, đó cũng chính là điều mà có muốn, tôi cũng chẳng thể nào cho họ được.

Họ vẫn ở bên tôi và mãi đến khi tôi say sưa kể hay tranh cãi về những câu chuyện tình yêu, tôi cảm nhận được ánh mắt và giọng nói của họ, cứ như cái cách mà người ta nhìn Bell Hooks khi biết bà, một người phụ nữ độc thân ở độ tuổi 40 nghiên cứu về tình yêu.

Có người thì thẳng thắn hơn: “Đến bạn mà cũng có thời gian nghĩ về tình yêu à?”. Tôi không chỉ nghĩ về tình yêu, và thực sự nếu bạn không có đủ thời gian để nghĩ về tình yêu thì làm sao có thời gian để làm bất kỳ việc gì?

Tôi chưa thấy một khía cạnh nào khác sẽ gắn bó với cuộc đời lâu dài và bền bỉ hơn, yêu thương bắt đầu từ lúc một đứa bé cất tiếng khóc đầu tiên và dường như chẳng có điểm dừng. Tình yêu không dừng lại ở một hay hai mối tình. Khi ta hiểu và có những kiến thức về tình yêu, ta nhìn vào bức tranh cu đời và chặng đường yêu thương tích cực hơn, để rồi từ đó ta đưa ra những quyết định phù hợp trên từng bước đi.

Vì vậy, Valentine này, ở cái tuổi 18, tôi mong bạn, đừng chỉ “yêu".

Ana Doo (Võ Tường An)