Tự tử, có thai ngoài ý muốn... là do thiếu kỹ năng sống

(Dân trí) - Hiện tượng vị thành niên có quan hệ tình dục, có thai ngoài ý muốn, tự tử, bỏ nhà đi bụi, lập băng nhóm đi ăn cướp hay những nữ sinh viên tham gia hoạt động mại dâm... không còn xa lạ với xã hội. Nguyên nhân chính do các em thiếu kỹ năng sống.

Bà Đỗ Thị Hải, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Môi trường và các vấn đề Xã hội khẳng định như vậy.
 
Tự tử, có thai ngoài ý muốn... là do thiếu kỹ năng sống - 1
Các em rất cần được trang bị kiến thức kỹ năng sống
 
Hiện nay, số HSSV bị lệch lạc về đạo đức, lối sống đã sa đà vào các tệ nạn xã hội và phạm tội ngày càng đông, ngày càng phức tạp và nghiêm trọng như giết người, hiếp dâm, đi bụi, nghiệp ngập, nạo hút, đánh nhau... theo bà nguyên nhân chủ yếu từ đâu?

Đây là thực trạng đáng tiếc và đáng buồn. Tuổi vị thành niên là lứa tuổi từ 10 - 19 tuổi, ở tuổi này đang xảy ra rất nhiều sự thay đổi về mặt tâm sinh lý nhận thức, định hướng cuộc sống chưa rõ ràng, hay bộc phát về hành vi. Bên cạnh đó, các em đang sống trong một xã hội hiện đại đầy biến động.

Qua hoạt động tư vấn, chúng tôi được tiếp xúc rất nhiều tới đối tượng vị thành niên gọi điện đến chia sẻ. Chúng tôi thấy rằng các em bị tác động từ rất nhiều phía trong xã hội mà lớn nhất là các em phải đối mặt với Internet, một phương tiện truyền thông hiện. Các em được mở rộng tầm mắt với thế giới về kiến thức nhưng lại bị những trang web đen lôi kéo, mất nhiều thời gian.

Bên cạnh đó, nhiều gia đình đứng trước tình trạng ly hôn, bạo lực gia đình rất nhiều. Bố mẹ mải làm ăn không dành thời gian giao tiếp, trò chuyện với các con. Nhiều em bị hẫng hụt, không biết chia sẻ cùng ai khi gặp khó khăn trong cuộc sống.

Nhiều em tâm sự với chúng tôi là bố mẹ bỏ nhau chúng em không biết theo ai, không biết đứng về phía nào. Thậm chí, nhiều gia đình lúc nào cũng giữ con kè kè bên cạnh, ngoài giờ đi học là ở nhà, không cho giao lưu nên  các em "đói" giao tiếp hay có những học sinh đã là sinh viên năm thứ nhất rồi nhưng mắc bệnh trầm cảm nên ra ngoài rất sợ giao tiếp đã đến trung tâm chúng tôi để chia sẻ. Hoặc có những sinh viên 3 năm học, mấy lần nạo thai ngoài ý muốn, do vậy muốn tự tử và làm những hành vi hại cho người yêu của mình... Tình trạng, hành vi không chuẩn này của các em vị thành niên do thiếu hụt kỹ năng sống. Chúng tôi đã chia sẻ động viên, chỉ ra những điều hay lẽ phải do vậy các em đã hiểu ra được vấn đề và trải qua được khủng hoảng tinh thần.

Tự tử, có thai ngoài ý muốn... là do thiếu kỹ năng sống - 2

Bà Đỗ Thị Hải

Vậy, theo bà thực trạng này khắc phục như thế nào?

Bức xúc, trăn trở trước những ca tư vấn và thực trạng của giới trẻ hiện nay. Viện nghiên cứu Môi trường và các vấn đề Xã hội đã thực hiện điều tra thực trạng kỹ năng sống của trẻ vị thành niên. Với 1.043 phiếu hỏi gửi tới 03 trường ĐH,CĐ, 02 trường THPT và 02 trường THCS. Qua điều tra cho thấy, có trên 95% các em nhận thức chưa đúng về kỹ năng sống; 76,4% các em trả lời rất cần được tập huấn kiến thức về kỹ năng sống. Hầu hết các em lúng túng khi trả lời hoặc chưa biết cách xử lý các tình huống thường gặp trong cuộc sống.

Lệch lạc đạo đức, lối sống hiện nay của vị thành niên là vấn đề nóng, bức xúc của cả xã hội hiện nay. Do vậy, theo tôi tất cả các cấp, các ngành cần phối hợp hoạt động. Đề nghị Bộ GD-ĐT đưa vấn đề này trở thành chương trình giáo dục trong nhà trường và là nội dung học bắt buộc. Có cơ chế phối hợp giữa gia đình - nhà trường- xã hội. Tuy nhiên, ở đây vai trò nhà trường là quan trọng nhất. Các trường phải có chương trình, tạo thời gian và kinh phí để giáo dục đạo đức cho các em. Vì nếu ngành giáo dục không thực hiện thì tình trạng này không dừng lại và sẽ tăng lên nữa.

Tuy nhiên, có một thực tế hiện nay nhiều giáo viên cũng chưa được đào tạo kiến thức về kỹ năng sống và giáo dục đạo đức trong nhà trường hiện nay còn là khoảng trống. Các môn Lịch sử, Giáo dục công dân còn nặng về tính triết lý cao xa, ít thực tiễn. Điều đó, dẫn đến việc giáo dục đạo đức, lối sống của các em còn gặp khó khăn?

Vừa qua, Viện nghiên cứu Môi trường và các vấn đề Xã hội đã phối hợp với một số trường giao lưu, truyền thông, tư vấn cho hàng nghìn HSSV về Kỹ năng giao tiếp, ứng xử trong nhà trường, gia đình và xã hội, kỹ năng thuyết trình, những vấn đề về tâm sinh lý lứa tuổi vị thành niên, về tình bạn, tình yêu...có nhiều câu hỏi, tình huống các em đặt ra khiến các thầy cô giáo không khỏi bất ngờ.

Thực ra các thầy cô giáo ai cũng được học môn tâm lý nhưng để giảng dạy thì chưa được. Do vậy, đề nghị Bộ GD-ĐT ngoài việc xây dựng chương trình kỹ năng sống thì phải đào tạo, trang bị cho đội ngũ giáo viên về kiến thức này. Bởi, kỹ năng sống là kiến thức bổ trợ cho các em giáo viên nào cũng có thể tham gia được.

Hồng Hạnh