Tự hành xác - trốn nỗi đau bằng “ảo giác”

“Nhẹ thì cắn đến đỏ bầm cả tay, nặng hơn thì dùng dao rạch la liệt vào tay. Đỉnh điểm là đập đầu vào tường, vào cửa kính. Nhà cô ấy mới xây và tất cả cửa kính đều bị vỡ vì cô ấy đập đầu vào…”

Đấy là một vài miêu tả về tình trạng “self-cut” ở một cô bạn gái. Nghe mà rùng mình.

 

Khủng hoảng tìm cách xì hơi quả bóng “đau khổ”

 

Nói một cách đơn giản, self-cut (hội chứng tự hành xác, làm đau bản thân bằng các dụng cụ như dao, kéo, vật nhọn...) được nhiều người trẻ coi là một cách để giảm nhẹ nỗi đau tinh thần. Nó đặc biệt phổ biến với các bạn gái.

 

M. H (19 tuổi), tìm đến self-cut lần đầu tiên khi cô bị người yêu bỏ cách đây một năm. Tuyệt vọng vì mối tình đầu “đẹp như mơ” tan vỡ, H tự dùng dao cứa vào da thịt mình. Cảm giác lưỡi dao lam sắc lẹm cứa vào da thịt, cảm giác nhìn thấy máu rỉ ra làm H đột nhiên cảm thấy nỗi đau được dịu đi, đỡ ngột ngạt bí bách.

 

Và từ đó, bất cứ nỗi buồn nào, bất cứ một khó khăn nào mà H không muốn phải chịu đựng một mình, cô liền nghĩ ngay tới self-cut. Với cô, nhìn dòng máu chảy ra từ thân thể mình giống như một cách để “xì hơi” quả bóng “thịnh nộ, đau khổ cùng cực” bị bơm căng.

 

Q bắt đầu “self cut” khi cô là học sinh lớp 11. Công việc làm ăn lụn bại, bố mẹ cô bữa cơm nào cũng cãi nhau, chì chiết, mặt nặng mày nhẹ. Nhiều khi, Q bị lôi vào cơn tức giận, bị xỉa xói bằng những câu đay nghiến của mẹ. Q kể lại: “Mình quẫn bách và khủng hoảng. Thấy tuyệt vọng, không còn biết bấu víu vào đâu”.

 

Ở trường, Q bị tẩy chay ở trường vì cá tính già dặn, lầm lì. Q yêu một cậu con trai nhưng chỉ là tình yêu đơn phương không đựơc đáp trả. Không thể chia sẻ với ai vì cô hầu như không có bạn. Bố mẹ thì không còn đâu thời gian và tâm trí để quan tâm đến nỗi đau của cô nữa.

 

Đã từng nghe về self-cut và Q quyết định thử. Cảm giác đau buốt ở tay khiến Q lần đầu tiên thấy nhẹ nhõm hơn sau rất nhiều ngày u ám. Vậy là có lần thứ 2, lần thứ 3 và rồi cô nghiện.

 

“Lúc đó, mình thấy thực sự tinh thần phần chấn hơn rất nhiều, lúc cảm thấy cơ thể mình bị đau, cũng là lúc tớ thấy nhẹ bớt những nặng nề trong suy nghĩ. Lúc trước đó, mình đã từng muốn tự tử”. Mỗi lần đau khổ, Q lại tự cứa sâu hơn vào vết thương trên tay mình. Cho đến giờ, nó còn để lại một cái sẹo lớn, sâu hoắm nơi bắp tay của cô. Đôi lần, cô còn dí tay vào điện để nghe tê giật sống lưng.

 

M thì đã từng trải qua đủ các giai đoạn của self-cut với mức độ mỗi lúc một nặng hơn. Lúc đầu, sợ đau, M chỉ cắn vào tay. Cắn mạnh đến mức tay tím bầm Ít lần sau, cảm thấy vịêc cắn chưa đủ thoả mãn, M lấy dao cứa vào chính như vết bầm ấy.

 

Có người bảo, cứa vào những vết đã cắn sẽ đau hơn là cắt trực tiếp vào da thịt bình thường. M không quan tâm, cô chỉ tìm mọi cách để làm cơ thể mình bị đau. Cuối cùng, cắt cứa cũng không đủ, M bắt đầu “hành xác” với mức độ nặng hơn. Đập đầu vào tường, vào cửa kính. Cửa kính nhà cô tất thảy đều bị vỡ vì tần suất những lần M tự hành xác càng ngày càng tăng. Cho dù có những chuyện, chẳng đáng để gọi là nghiêm trọng.

 

M nghiện “self cut”. Hàng chục lần. Thậm chí trên cơ thể cô trong suốt thời gian những năm cấp 3 không có một chỗ nào lành lặn. Thậm chí vết thương cũ chưa kịp liền, M lại cứa tiếp cho nó sâu hơn. Cô dường như tê liệt cảm giác đau đớn, vô cảm khi nhìn máu tứa ra từ cơ thể mình.

 

T - du học sinh ở Anh thậm chí còn công khai về chuyện cô self-cut. Áp lực của cuộc sống xa quê hương, cô đơn cũng khiến T có nhu cầu giải toả, tạm quên đi nỗi buồn trong chốc lát. Cô thường xuyên cắt tay, dí diêm đang cháy vào da thịt mình.

 

Xoa dịu tổn thương bằng “ảo giác”

 

Nhiều bạn tin rằng, self-cut có những thông tin khoa học hẳn hoi để chứng minh nó tạo ra những hưng phấn về tinh thần, để giảm bớt những căng thẳng, tuyệt vọng - những nỗi đau tinh thần lên đến cực điểm. Nhưng chẳng có cái khoa học nào có thể nói rằng bạn đang làm đúng đấy, khi thay thế nỗi đau tinh thần bằng nỗi đau thể xác.

 

Trong một chốc lát, bạn tạm quên đi vấn đề rắc rối của bản thân vì một sự hưng phấn “ảo giác” nào đó khi bạn tự cắt cứa, làm đau cơ thể mình. Nhưng trên thực tế, rắc rối ấy, nỗi đau ấy chưa bao giờ được giải quyết cả. Bạn chỉ đang đè nén nó xuống. Bạn trở nên mất khả năng tự vệ trước những ngay cả những rắc rối cỏn con, chứ đừng nói gì đến vô vàn những điều không như ý muốn trong cuộc sống, trong các mối quan hệ của bạn.

 

Ví như M, cô đã không hề quan tâm đến những vết thương trên cơ thể mình, vì mong muốn duy nhất của cô lúc đó là theo những vết cắt, vết cứa, nỗi đau, sự buồn chán, bực tức sẽ thoát ra. Cô bình thản nhìn những vết cứa sâu, không buồn lau đi những dòng máu chảy đầm đìa. Nhưng khi đã vượt qua thực sự giai đoạn khó khăn và những bất thường của tuổi mới lớn thì M bắt đầu thấy hối tiếc. Trên cánh tay, trên cẳng chân, thậm chí là trên đầu cô, đầy những vết sẹo lớn bé.

 

“Nó làm tôi thấy xấu hổ về cơ thể mình. Nó luôn nhắc tôi nhớ đến một quãng thời gian tôi như ở trong vực thẳm. Cho đến giờ, tôi không thể tưởng tượng ra tại sao tôi lại có thể hành động xuẩn ngốc như thế. Chỉ biết chắc chắn rằng, tôi không vượt qua những nỗi đau, những vấn đề của tôi bằng những vết thương ấy” - M nói.

 

Số lượng các bạn gái tìm đến self-cut nhiều hơn rất nhiều so với các bạn nam. Có thể lý giải vì các bạn gái dễ xúc động hơn, phản ứng nhạy cảm hơn trước những vấn đề khó khăn trong cuộc sống. Nhưng việc làm đau cơ thể, việc để lại chi chít những vết sẹo trên cơ thể con gái, cũng là thêm một tổn thương nữa của self-cut gây ra cho bạn, chỉ để bạn tạm quên đi nỗi đau tinh thần trong chốc lát thôi sao?

 

Theo Xuân Lê
Kênh 14