Tự chủ tài chính từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường

Lê Nga

(Dân trí) - Dù mới chỉ đang ngồi trên ghế nhà trường, nhiều bạn trẻ Gen Z đã có xu hướng vừa học vừa làm, kiếm tiền để tự chủ tài chính từ rất sớm.

Theo một khảo sát của nền tảng nghiên cứu tài chính SingSaver, có đến 85% Gen Z chia sẻ, họ đã bắt đầu tiết kiệm và đầu tư tiền nhàn rỗi từ trước năm 22 tuổi. Trong khi đó, chỉ có 41% Gen Y làm được điều tương tự ở độ tuổi này.

Kết quả khảo sát của Linkedln cũng chỉ ra thực tế rằng, thế hệ Z quan tâm đến tài chính và định hướng sự nghiệp cá nhân nhiều hơn là những thế hệ trước đó.

Với Gen Z, thì độc lập tài và tự do tài chính đang trở thành mục tiêu thức thời. Những đích đến đầy tham vọng này là động lực mạnh mẽ để các bạn trẻ sớm tự chủ tài chính trong tương lai.

Tự chủ tài chính để phục vụ đam mê

Bạn Thùy Linh (20 tuổi, sinh viên ngành Quản trị Doanh nghiệp) chia sẻ: "Mình bắt đầu kinh doanh vào khoảng năm lớp 7, bán xoài, bán cóc dầm trên lớp. Một phần vì đam mê, một phần vì tiếp xúc với môi trường quanh nhà nhiều người buôn bán kinh doanh. Ngày nào cũng thấy mọi người tấp nập buôn bán rau quả từ sớm nên mình cảm thấy rất hứng thú.

Từ trước đến giờ bố mẹ không bao giờ để mình phải thiếu thốn gì cả. Lúc mình kinh doanh bố thấy vất vả quá còn nói: "Bố mẹ có để con khổ sở đâu mà cứ phải lao đầu vào làm như thế?". Mình biết là bố mẹ thương con đang đi học nên muốn con chú tâm vào việc học hơn".

Tâm sự về những khó khăn trong quá trình kinh doanh, Linh nói: "Thiếu vốn kinh doanh dẫn đến trang thiết bị bán hàng thiếu thốn, mặt bằng cũng vậy. Trước kia mình chỉ mở quán bánh mì ở vỉa hè. Có bao nhiêu tiền mình đổ vào đó hết: Mua xe bánh, mua bếp nướng, tủ lạnh trữ đồ, nguyên liệu đều phải căn chi từng chút một.

Đó là khoảng thời gian vất vả nhất đối với mình. Bán hàng ở vỉa hè có nhiều thứ phát sinh nên mình thấy rất căng thẳng, ngày nào cũng thức đêm, rồi ăn uống không điều độ, lúc nào ngủ cũng giật mình.

Mình cũng suy nghĩ lại, làm việc mà căng thẳng như này thì không bền, mà mình cũng không thể phát triển, không thể sáng tạo được. Nên mình quyết định dọn về, trả mặt bằng bên đấy và bán xe bánh.

Việc mở lại quán cũng rất tình cờ. Mình vô tình nhìn thấy bài đăng trên hội nhóm cho thuê cửa hàng, thấy quán này cũng đẹp, giá cả hợp lý nên liều lĩnh chốt thuê cửa hàng đó luôn".

Đối với Linh, kiếm ra tiền rất quan trọng nhưng được làm việc mình thích hàng ngày mới là điều quan trọng nhất cô muốn hướng đến trong tương lai: "Mình muốn bản thân sẽ làm được nhiều điều ý nghĩa, muốn trở thành người truyền lửa cho các bạn trẻ yêu thích kinh doanh và đi từ thiện để giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn", Linh nói thêm.

Tự chủ tài chính từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường - 1

Đối với Linh, kiếm ra tiền rất quan trọng nhưng được làm việc mình thích hàng ngày mới là điều quan trọng nhất (Ảnh: NVCC).

"Từ ngày bé, lúc mẹ đưa mình đi siêu thị, mình toàn chọn những thứ rẻ nhất, có những thứ mình rất thích nhưng đắt, lúc đấy thì gia đình còn khó khăn nên không dám đòi hỏi. Mình không thích tiêu tiền của bố mẹ mà muốn tự tiêu tiền do chính mình làm ra. Có tiền rồi thích mua gì thì mua, luôn thấy thoải mái hơn là tiêu tiền của bố mẹ.

Vậy nên từ hồi lớp 9 mình đã tự mua được xe điện và điện thoại từ việc kinh doanh trà sữa, vì hồi đó trà sữa mới nổi nên mình bán được khá nhiều. Tất cả những gì mình muốn mình đều cố gắng làm việc để tự mua lấy.

Mình không phải là kiểu người sống tiết kiệm, hầu như là có tiền mình sẽ đi trải nghiệm những thứ mình chưa từng biết đến", Linh tâm sự.

Tự chủ về tài chính khiến bản thân Linh tự tin hơn, giúp kỹ năng giao tiếp của cô được cải thiện đáng kể.

Hiện tại Linh đang học ngành quản trị doanh nghiệp, nên muốn vừa học vừa thực hành vừa áp dụng luôn. Mặc dù bận rộn kinh doanh nhưng Linh không hề bỏ bê việc học, cô luôn cố gắng để cân bằng giữa đi học và đi làm.

Quyết định kinh doanh để tự kiếm tiền tiêu cho thoải mái

Thu Phương (21 tuổi, sinh viên năm thứ tư trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ) cũng kinh doanh từ khá sớm: "Bắt đầu từ lớp 8 mình đã bán vòng tay, vòng cổ, móc khóa… Lên lớp 9 mình kinh doanh quần áo.

Đầu tiên là do mình không được cho tiền tiêu vặt, mỗi ngày chỉ được 10.000 đồng ăn sáng, nên mình toàn nhịn ăn sáng để mua đồ linh tinh. Mình không được bố mẹ chiều một phần, một phần mình cũng ngại xin tiền bố mẹ nên quyết định kinh doanh tự kiếm tiền tiêu cho thoải mái.

Ban đầu mình chỉ định bán để kiếm ít tiền tiêu vặt, với cả mua được quần áo để mặc giá rẻ hơn. Kinh doanh trên mạng cũng nhiều khó khăn, lúc bán được lúc không, nhưng mình vẫn cố gắng đăng bài đều đều.

Tự chủ tài chính từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường - 2

Nhờ việc kinh doanh khá suôn sẻ, Phương tự chủ tài chính từ sớm (Ảnh: NVCC).

Sau một thời gian đầu, chủ buôn chỗ mình lấy hàng không tuyển cộng tác viên nữa mà mỗi tỉnh chỉ nhận một đại lý, mà đại lý phải cọc tiền. Chủ buôn ngỏ lời mời mình lên làm đại lý, khi ấy không có tiền nên mình cũng định nghỉ. Nhưng chị ấy tạo điều kiện cho mình góp cọc dần dần, bán được bao nhiêu thì lại gửi cọc tiếp.

Vậy nên mình tiếp tục làm, trang cá nhân của chị chủ buôn rất nhiều người theo dõi, mỗi tuần đi lấy hàng lại đăng bài giới thiệu ở tỉnh này có bạn này làm đại lý, nên từ đấy nhiều người biết đến mình hơn.

Mình còn bán hàng qua Shopee nên mọi người cũng thích đặt để được miễn phí vận chuyển, cộng thêm việc mình tự chụp mẫu cho uy tín. Dần dần mình ngày càng bán được nhiều hơn", Phương nói.

Thu Phương cho biết cô vốn dĩ cũng là người khá thích kinh doanh, có lần còn trốn học để ở nhà đóng hàng. Bạn bè xung quanh cũng hay trêu rằng đi học chẳng thấy sách vở đâu mà toàn thấy mang hàng đi giao.

Nhờ việc kinh doanh khá suôn sẻ, Phương tự chủ tài chính từ sớm: "Lên cấp ba mình hầu như không xin tiền bố mẹ nữa, có năm tự nộp tiền học với các khoản ở trường hết. Mình tự mua được chiếc điện thoại đầu tiên, rồi đổi sang cái thứ hai, thứ ba mình đều tự mua", Phương nói thêm.

Tự chủ tài chính sớm vì không muốn dựa dẫm vào ai

Khác với Thùy Linh và Thu Phương, P.M.Đ (22 tuổi, sinh viên năm thứ tư trường Đại học Xây dựng Hà Nội) đi làm từ rất sớm để "mang tiền về cho mẹ": "Lớp 9 mình bắt đầu đi làm, vì không đủ tuổi nên mình phải mượn chứng minh thư để đi làm, mình thích làm ra tiền bằng sức của bản thân, khẳng định rằng mình không cần dựa vào ai cả.

Lúc đó chỉ đi làm vì thích kiếm ra tiền, nên làm được bao nhiêu đều mang về cho gia đình hết. Đến năm 20 tuổi, nhận thức của mình đã khác đi, mình nghĩ bản thân đã đủ tuổi để chịu trách nhiệm cho việc mình làm. Sinh viên cũng có nhiều khoản phải chi tiêu nên mình nghĩ mình phải kiếm ra tiền để phục vụ và tự lo cho bản thân", P.M.Đ nói.

P.M.Đ cho biết anh đã tự chủ hoàn toàn tài chính từ khi đi học đại học: "Mình tự lên Hà Nội để tìm trọ, tự trả tiền trọ khi mới là sinh viên năm thứ nhất. Điện thoại hay xe máy mình cũng đều tự mua bằng tiền mình làm ra.

Có lần mình phải đi mổ, cũng tự lên mạng tìm hiểu, tự đến bệnh viện đi khám rồi mổ và tự trả hết tiền viện phí. Mình giấu không nói cho gia đình biết vì không muốn mọi người phải lo", Đ nói.

Đ cho biết, tự chủ tài chính càng sớm càng tốt vì đó là nghĩa vụ của mình, là việc bản thân bắt buộc phải làm, để không cần dựa dẫm vào ai. Mặc dù vừa đi học vừa đi làm, nhưng thành tích học tập của Đ vẫn rất ổn định, anh luôn cố gắng để làm tốt song song cả hai.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm