Truyện ngôn tình cho giới trẻ dưới góc nhìn chuyên gia

(Dân trí) - Truyện ngôn tình đang là thể loại sách được đông đảo bạn trẻ quan tâm. Hãy lắng nghe cách nhìn nhận về vấn đề này của Thạc sĩ tâm lý Tô Nhi A (giảng viên Tâm lý Giáo dục, trường CĐ Sư phạm Trung ương TPHCM).

Hiện nay có một bộ phận lớn giới trẻ thích đọc truyện ngôn tình (chuyện lãng mạn giữa nam - nữ) - được coi như thứ gây “nghiện”, cầm lên là không dứt ra được. Cô nghĩ sao về hiện tượng này?

 

Ở độ tuổi dậy thì, việc phát triển nhảy vọt của yếu tố sinh học kéo theo sự biến đổi mạnh mẽ trong tâm lý của các em. Ở các em xuất hiện một cách rõ rệt cảm giác, tình cảm và rung cảm mới, mang tính chất giới tính nên quan tâm nhiều hơn đến bạn cùng giới, các em loay hoay với những “triệu chứng lạ” mà trong tình bạn đơn thuần trước đây chưa từng gặp.

 

Vì lí do đó, truyện ngôn tình với những nội dung lãng mạn, đề cập đến chuyện tình yêu luôn có sức hấp dẫn các em. Việc các em tìm đến với truyện ngôn tình thể hiện một nhu cầu đọc, tìm hiểu những rung cảm mà chính bản thân mình đang gặp phải. 

 
Thạc sĩ tâm lý Tô Nhi A (giảng viên Tâm lý Giáo dục, trường CĐ Sư phạm Trung ương TPHCM).
 Thạc sĩ tâm lý Tô Nhi A (giảng viên Tâm lý Giáo dục, trường CĐ Sư phạm Trung ương TPHCM).
 

Về truyện ngôn tình nói chung, không ít quyển có cảnh “nóng” đậm đặc, cô có cho rằng điều này gây tác động xấu đối với việc tiếp nhận của bạn đọc trẻ?

 

Như đã nói, khi chúng ta tìm đến một sản phẩm văn hóa thì việc tác động là đương nhiên có, tuy nhiên, “màng lọc cá nhân” sẽ tham gia quyết định mức độ của việc tác động và theo chiều hướng nào.

 

Ở các bạn trong độ tuổi dậy thì, những rung động tình cảm mặc dù không sâu nhưng có “cường độ mạnh”, song song đó, các bạn còn có ý thức (và luôn muốn khẳng định) mình đã lớn trong khi kinh nghiệm còn hạn chế. Do đó, việc tìm đến với các sản phẩm 18+ ẩn chứa nhiều nguy cơ tác động tiêu cực đến nhận thức, hành vi và sự hình thành các chuẩn mực tình cảm. 

 

Có ý kiến cho rằng: những loại truyện trên là “sách xám, ám tâm hồn”, gây tự kỷ và những ảo giác mang tình cảm. Nhưng trên thực tế, truyện ngôn tình cũng có nhiều câu chuyện tình yêu cao đẹp, trong sáng và sát với cuộc sống đời thường. Ý kiến trên liệu có phải phiến diện, một chiều? Và nên nhìn nhận thế nào cho toàn diện?

 

Trước hết, mình không căn cứ vào khái niệm “ngôn tình” để xếp loại tác phẩm. Vậy nên, một tác phẩm có là “sách xám, ám tâm hồn” hay không phải xem nội dung và thông điệp nó chuyển tải là gì.

 

Nếu trong tác phẩm đó hàm chứa ngôn từ không trong sáng, việc đặc tả không mang tính nghệ thuật, và thông điệp tác phẩm không giúp con người ta sống đẹp hơn thì chắc chắn không có giá trị cho độc giả.

 

Hơn nữa, ở đây là độc giả trẻ, thế nên tác phẩm ấy phải có cả giá trị định hướng cho sự phát triển nhân cách. Tuy nhiên, cũng chính vì độc giả của chúng ta là người trẻ, nên “màng lọc cá nhân” khó có thể đảm bảo chỉ tiếp nhận được những điều tích cực và bản thân quyển sách sẽ chiếm vai trò rất ưu thế trong việc tác động đến nhận thức, hành vi.

 

Đây cũng chính là lí do, làm sao để hình thành được văn hóa đọc cho bạn trẻ là điều đang nhận được sự quan tâm rất lớn từ nhiều phía.

 
Không khó khăn gì để thấy những quyển ngôn tình xuất hiện nhiều trong các cửa hàng sách.

Không khó khăn gì để thấy những quyển ngôn tình xuất hiện nhiều trong các cửa hàng sách.
 

Bên cạnh dòng sách về ngôn tình, vài năm gần đây, trên nhiều website sách, xuất hiện, tràn lan các thể loại truyện khác: đam mỹ (mối quan hệ nam - nam), thậm chí là Cấm luyến (những người ruột thịt yêu nhau, có quan hệ xác thịt). Cô nghĩ sao về tác động của nó đến với nhận thức và tâm lý của người đọc trẻ?

 

Tác động của một sản phẩm văn hóa (sách, báo, phim ảnh,…) đến nhận thức, tình cảm của người xem là đương nhiên không thể phủ nhận. Tuy nhiên, tác động như thế nào thì phải xem nội dung bên trong nói về điều gì, thông điệp mà tác giả gửi gắm ra sao và ngôn từ, văn phong được thể hiện như thế nào.

 

Nếu nội dung tích cực, phù hợp với lứa tuổi độc giả đương nhiên hiệu ứng tốt sẽ nhiều và ngược lại. Bên cạnh đó, “màng lọc cá nhân” của chính độc giả cũng là điều hết sức quan trọng trong việc tiếp nhận một sản phẩm văn hóa, giải trí.

 

Và có cách quản lý nào để những dòng sách (cấm luyến, 18+) này bị hạn chế, xóa bỏ không? 

 

Thông thường, ở tuổi dậy thì, những điều cấm kỵ tạo ra sự tò mò và sức hút rất lớn với các em. Trên thực tế, chúng ta cũng không hề ủng hộ hay cho phép ban hành dòng sách 18+, nhưng không quá khó để tìm đọc một sản phẩm như thế, dù là sách in hay sách điện tử. Vậy nên, việc quản lý làm sao có hiệu quả vẫn đang là thách thức đối với các cơ quan chức năng.

 

Cô có thể đưa ra lời góp ý cho giới trẻ về văn hóa đọc, sao cho hướng đến những dòng sách hay, bổ ích, lý thú trong việc học tập, bồi đắp tri thức, bồi dưỡng tâm hồn, thư giãn...?

 

Đó là việc đọc phải phù hợp với sự phát triển tâm sinh lý của bản thân. Các bạn nên chọn sách với nội dung và văn phong thể hiện được tính tích cực và giúp mình hoàn thiện dần các kỹ năng, có tác dụng vun bồi cho một tâm hồn tươi đẹp, khỏe mạnh.

 

Cụ thể chọn sách nào để đọc, nếu để ý các bạn sẽ thấy có rất nhiều tin (mục) giới thiệu sách hay để các bạn tìm đọc trên báo, đài. Với việc đã được “lọc” lần 1 thì các bạn giảm được rất nhiều nỗi lo mình sẽ chọn nhầm. Bên cạnh đó, phụ huynh chắc chắn sẽ ủng hộ con em mình có thói quen đọc sách. Vậy nên đừng ngần ngại để tìm kiếm sự trợ giúp từ phụ huynh trong việc trả lời: con nên chọn sách nào.

 

Và một nguyên tắc các bạn cần lưu ý: đọc sách là một trong những bước để hoàn thành mục tiêu cuộc đời, vậy nên bạn cần phải định hướng rõ mục tiêu phấn đấu của mình để chọn dòng sách phù hợp.

 

Giữa một “mê trận” các ấn phẩm văn hóa như hiện nay, lời nhắn nhủ của tôi đến với độc giả còn là: nên tỉnh táo  để chọn cho mình một quyển sách phù hợp và phải có “màng lọc cá nhân” thật tốt để tiếp nhận được tốt nhất những thông điệp tích cực mà sách mang đến cho chúng ta.

Cám ơn chuyên gia về những chia sẻ hữu ích này!

 

Hoàng Dung