Trung thu, con nhớ nhà

(Dân trí) - Khi đường Hà Nội ngập trong màu đỏ của những đèn lồng, mặt nạ, những quả bóng bay, và nhất là màu đỏ của những hàng bánh trung thu, con lại thấy nhớ nhà da diết…

1. Ngày ấy, khi con chừng 5-6 tuổi, bố đi chợ xa nhà, mẹ là người chăm bẵm chị em con từng ngày. Cái nhọc nhằn của miếng cơm manh áo khiến mẹ hao gầy. Nhà mình nghèo, mẹ bận rộn, lam lũ nhưng trung thu nào mẹ cũng cố gắng cho chúng con một mâm ngũ quả để phá cỗ trông trăng.  

Trung thu năm ấy là trung thu con nhớ nhất: trung thu không bánh dẻo, không bánh nướng (mà từ những năm trước chúng con cũng có biết đến bánh trung thu đâu), chỉ có mấy quả khế, quả trứng gà trong vườn nhà, mấy quả hồng mà bố gửi từ Na Rì về, với một nải chuối và quả bưởi được mua từ số tiền mẹ dành dụm bao lần đi chợ sáo.

Nhìn nhà bác cả có bánh trung thu, nghĩ lại thương con, mẹ cố gắng làm xong việc từ chiều để nghiền gạo, lọc bột rán cho con những miếng bánh nếp thơm. Để đến bây giờ con vẫn nhớ như in chúng con ăn ngấu nghiến trong tiếng cười giòn tan.

Lúc mẹ rán bánh trong bếp, không trông chúng con được, sợ con và chị phá cỗ khi chưa hết hương, mẹ bảo hai chị em lôi chiếc chậu đồng méo mó mà nhà mình vẫn hay dùng để rửa mặt ra gõ gọi trăng. Mẹ bảo gõ càng nhiều thì trăng càng sáng. Đến khi trăng lên cao và sáng nhất là lúc mẹ bước từ bếp ra mang theo đĩa bánh thơm lừng.

Đó cũng là lần đầu tiên con và chị được ăn bánh rán. Mấy ngày sau, con ngây thơ cãi nhau với đứa hàng xóm rằng: bánh ngoài quán không phải bánh rán, bánh rán là phải giống bánh mẹ làm.

Mẹ nhìn chúng con ăn ngon lành rồi lại nhìn lên trời cao. Mẹ kể chuyện chị Hằng, chú Cuội. Mẹ dặn con phải nghe lời người lớn, không thì sẽ phải lên cung trăng và mãi mãi không được về nhà như chú Cuội.

Trung thu, con nhớ nhà - 1
Trẻ em có hoàn cảnh khó khăn vui đón trung thu trong chương trình “Trung thu kết nối yêu thương” tại huyện Hưng Nguyên, Nghệ An. (Ảnh: Nguyễn Phê - Duy Thái)

2. Khi con lớn hơn là lúc tết trung thu con sẽ được theo chị ra đình lĩnh quà. Trẻ con trong xóm háo hức làm đèn chơi trung thu, cũng là để soi đường (vì đường làng mình tối om om đâu có điện như bây giờ). Có người có đèn ông sao (là chiếc đèn con và chị luôn mong ước mà không bao giờ dám hỏi mẹ), người không có đèn thì lấy lon sữa bò làm đèn. Con cũng muôn làm nhưng nhà mình đến một chiếc lon cũng chẳng có, vì bố mẹ kiếm chẳng đủ ăn nữa là mua sữa bò. Thế là mẹ dạy con làm đèn bằng hạt bưởi khô.

Hạt bưởi mẹ tích từ những lần hiếm hoi nhà được ăn, mẹ cũng dặn con và chị ra đường thấy hạt bưởi thì nhặt về. Mẹ dạy con tách vỏ, phơi khô. Tối trung thu mẹ lấy chỉ xâu cho con và chị một chuỗi hạt, đốt lên cháy rất sáng và thơm. Chỉ tội hạt bưởi cháy nhanh quá, trên đường từ đình về con ngã máy lần. Nhìn con khóc mẹ thương, mẹ hứa năm sau sẽ xâu cho hai chị em một chuỗi hạt dài hơn. Con quên cả đau, lại cười toét miệng.

Đến khi con lên lớp 5, lần đầu tiên con được chơi một chiếc đèn lồng của riêng mình. Con lóng ngóng, làm nến cháy hết cả đèn. Con tiếc, con muốn khóc mà chẳng dám để mọi người biết, con cũng không muốn làm bố mẹ phiền lòng. Thế là cả bốn chị em - lúc đó em thứ tư đang học lớp 5 tuổi, chị lớn học lớp 7 - thi nhau chạy theo chiếc đèn bằng pin của em út. Tíu tít, tíu tít. Tiếng cười rộn rã khắp xóm nhỏ.

3. Bây giờ con đã là sinh viên nhưng năm nào trung thu con cũng về để đón tết cùng bố mẹ và các em. Và giờ, dù không còn phải đợi mẹ rán bánh nhưng chúng con vẫn còn thói quen gõ chậu gọi trăng rồi mới phá cỗ. Hương tàn, tiếng gõ cũng dứt, chúng con chia nhau miếng bánh trung thu ngon hơn, đẹp hơn, nhưng trong tâm trí con không quên miếng bánh rán của mẹ năm nào.

Trung thu này con không về. Bận rộn với bao nhiêu bài tập của năm cuối đại học khiến con không thể đón tết cùng gia đình. Tối qua em gái hỏi con có về không, lòng con buồn rười rượi.

Có lẽ tối nay con lại nhớ lắm tiếng gõ chậu gọi trăng. Mẹ ơi, con nhớ nhà…

Đỗ Chiêm

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm