Trò chuyện với nữ tiến sĩ xinh đẹp làm thủ lĩnh Đoàn

(Dân trí) - Đảm nhận vai trò Bí thư từ năm lớp 7, có ngoại hình trẻ trung hơn nhiều so với độ tuổi 30, Đỗ Thị Vân Anh - Bí thư Đoàn ĐH Công đoàn còn là một Tiến sĩ Xã hội học được nhiều người vị nể trong chuyên môn.

 

Chị Đỗ Thị Vân Anh, sinh năm 1979. Từng theo học, bảo vệ thạc sĩ, tiến sĩ tại trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, chị liên tục là Bí thư chi đoàn từ lớp 7 đến khi học ĐH.

 

Năm thứ nhất ĐH, chị đã là Ủy viên BCH liên chi đoàn khoa Xã hội học, ĐH KHXH&NV. Quá trình công tác từ năm 2002 ở trường ĐH Công đoàn, chị liên tục làm Bí thư chi đoàn Giáo viên, Bí thư liên chi.

 

Hiện nay, ngoài công tác Đoàn, Vân Anh còn đảm nhận chức Phó Chủ nhiệm khoa Công tác xã hội và Phó GĐ Trung tâm Phát triển Xã hội và Môi trường vùng thuộc Liên hiệp các hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam

 

Về chuyên môn, Vân Anh từng giành giải ba nghiên cứu khoa học cấp trường của Đại học KHXH&NV, tham gia 47 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ và Nhà nước lĩnh vực xã hội học.

 

Chị cũng đã trả lời cho nhiều bài báo với tư cách Tiến sĩ Xã hội học, đóng góp ý kiến cho dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

 

Nhân ngày 26/3, PV có cuộc trò chuyện với nữ tiến sĩ, thủ lĩnh Đoàn Đỗ Thị Vân Anh để tìm hiểu thêm về phong trào thanh niên thực tế tại trường ĐH và những trăn trở của người phụ nữ yêu chuộng công tác thanh niên.

 
Chị Đỗ Thị Vân Anh phát động sự kiện chào mừng ngày thành lập Đoàn 26/3.
Chị Đỗ Thị Vân Anh phát động sự kiện chào mừng ngày thành lập Đoàn 26/3.
 

20 năm trong vai trò nữ thủ lĩnh thanh niên

 

Là thủ lĩnh đoàn, đi tiên phong trong phong trào thanh niên một trường ĐH, chị nhận thấy người bí thư cần đạt được những tố chất gì?

 

Nếu nói là cần đạt những tố chất gì thì mình nghĩ là cần tất cả, cần sự trẻ trung nhưng cũng phải chững chạc, cần sự nhanh nhẹn nhưng vẫn phải chín chắn, cần sự vui vẻ hòa đồng nhưng vẫn phải nghiêm khắc. Để kết hợp được các tố chất ấy chắc chắn không đơn giản và không phải lúc nào mình cũng làm được.

 

Vấn đề quan trọng ở chỗ chúng ta thực sự cần phải có tâm hồn trong sáng và tinh thần nhiệt huyết với phong trào đoàn. Tố chất đó có lẽ là chìa khóa đầu tiên giúp chúng ta mở ra những cánh cửa dẫn tới thành công trong công tác Đoàn.

 

20 năm gắn bó với công tác Đoàn là một quãng thời gian dài, hơn 1/2 độ tuổi của chị. Chị có muốn mãi đi trên con đường này?

 

Mỗi người có tuổi nhất định để làm tốt với công việc nào đó. Công tác đoàn là một trách nhiệm xã hội mình đang đảm nhận và đó là công việc của thanh niên, của tuổi trẻ. Có mong muốn hay không thì mình cũng không làm mãi được, phải để thế hệ trẻ tiếp nối.

 

Với mình vấn đề quan trọng là làm việc đúng chuyên môn, ở đó mình vẫn tiếp tục nghiên cứu các tồn tại xã hội và tìm phương án giải quyết các vấn đề đó.

 
Hoạt động công tác Đoàn, dường như chị trẻ và xinh hơn nhiều so với độ tuổi của mình.
Hoạt động công tác Đoàn, dường như chị trẻ và xinh hơn nhiều so với độ tuổi của mình.
 

Hoạt động đoàn thể bao gồm rất nhiều công việc không chỉ đòi hỏi trí não mà cả vận động chân tay, làm việc ngoài giờ hành chính... đối với phụ nữ liệu có quá khó khăn? Công việc có ảnh hưởng tới thời gian chị chăm sóc gia đình?

 

May mắn ông xã mình đã từng làm Bí thư đoàn trường ĐH Ngoại thương nên mình nhận được rất nhiều sự chia sẻ. Việc ảnh hưởng tới thời gian chăm sóc gia đình là điều khó tránh khỏi. Nhưng qua những sự khó khăn ấy, mình thấy mình năng động hơn và nâng thêm kỹ năng sắp xếp tổ chức và quản lý chính công việc của mình.

 

Bí quyết riêng để thu hút SV

 

Nhu cầu học tập, văn hóa văn hóa, giải trí... của sinh viên mỗi giai đoạn một khác, chị làm cách nào để luôn thấu hiểu sinh viên, đáp ứng nhu cầu của SV?

 

Cũng may mắn là công việc chuyên môn của mình là nghiên cứu Xã hội học nên khi đảm nhiệm thêm công việc Bí thư đoàn trường kiến thức chuyên môn đó đã giúp mình khá nhiều. SV mỗi giai đoạn thoạt nhìn chúng ta nghĩ là khác nhau nhưng thực ra bản chất không có gì thay đổi, điều quan trọng là chúng ta cần hiểu con người sinh học của họ.

 

Họ luôn thích mới mẻ, thích làm những điều khác với những gì thế hệ trước đã làm, dễ bị ảnh hưởng của nhóm đồng đẳng, đôi khi là xốc nổi. Bên cạnh đó, thanh niên cũng thích đương đầu, thích thể hiện và tính tự ái cao.

 

Mình cũng đã trải qua quãng đời SV và giờ đây vẫn hàng ngày nhìn thấy SV nên mình vẫn thường tự nhìn vào bản thân để hiểu cảm giác và nhu cầu của các bạn. Mình thích Facebook, mình cũng muốn cái gì là làm bằng được cái ấy, mình cũng thích nổi bật, thích mọi người biết đến mình… Như vậy, nhìn vào chính nhu cầu bản thân sẽ giúp mình hiểu nhu cầu của tập thể xung quanh.

 
Hoạt động công tác Đoàn, dường như chị trẻ và xinh hơn nhiều so với độ tuổi của mình.
Chị tham gia góp ý trong buổi tọa đàm "Xây dựng phong cách cán bộ Đoàn thời kì mới" của Thành đoàn Hà Nội
 

Rất nhiều SV hiện nay thờ ơ với các hoạt động đoàn thể, chị làm cách nào để kêu gọi tập hợp SV?

 

Mình e rằng một số hoạt động Đoàn thể đang thờ ơ với nhu cầu sinh viên thì chính xác hơn. Rõ ràng bây giờ xã hội khác ngày xưa nhiều rồi, sự khó khăn về khủng hoảng kinh tế đang càng ngày càng gặm nhấm vào cuộc sống của toàn thế giới. Những gì chỉ là lý thuyết, sự hô khẩu hiệu ở những hoạt động không thiết thực đương nhiên sẽ nhận lại sự thờ ơ của SV.

 

Do đó, nhất thiết chúng ta cần hiện đại hóa công tác Đoàn, đi đúng nhu cầu thanh niên, biến thói quen tổ chức phong trào mang tính hành chính thành những phong trào mang tính phục vụ cho chính nguyện vọng của SV.

 

Lại nói về chuyện tổ chức phong trào mang tính hình thức, những cuộc thi hoa khôi, thi tài năng văn nghệ hiện nay bị dư luận đánh giá là nặng về hình thức và nảy sinh nhiều tiêu cực. Theo chị có nên dẹp bỏ?

 

Thực chất ra các cuộc thi hoa khôi hay tài năng văn nghệ là những hoạt động đẹp và ấn tượng. Tuy nhiên, tiêu cực xuất hiện do chính những người tổ chức làm ra, đưa ra những cơ chế không đúng làm hỏng ý nghĩa của nó.

 

Mình đã nghe thấy một câu nói rất hay như thế này: “Khỏa thân không phải là tà dâm mà tà dâm nảy sinh trong đầu những kẻ gian manh”. Do đó, theo mình cần dẹp bỏ những kẻ gian manh không lành mạnh chứ không phải là dẹp bỏ cuộc thi.

 

Môi trường ĐH có hàng ngàn con người, do đó, không tránh khỏi tệ nạn, Đoàn thanh niên đã vận động ra sao để SV không sa ngã vào những thú chơi không lành mạnh của giới trẻ hiện nay?

 

Tệ nạn là chuyện đương nhiên và chắc chắn không bao giờ triệt tiêu hết được. Theo mình, để SV không sa ngã vào những thú chơi không lành mạnh thì cần có nhiều hoạt động hướng SV vào tập trung học tập.

 

Hiện nay SV rất lười học, chơi nhiều. Loại bỏ những thời gian dỗi dư thừa của SV bằng những hoạt động thể thao, văn nghệ, nâng cao kỹ năng sống là cần thiết.

 
Với chị, hoạt động Đoàn cần phục vụ cho chính nguyện vọng sinh viên, thanh niên.
Với chị, hoạt động Đoàn cần phục vụ cho chính nguyện vọng sinh viên, thanh niên.
  

Những hoạt động nổi bật gần đây của Đoàn trường là gì? Đoàn tổ chức những hoạt động gì để chào mừng ngày 26/3?

 

Với đặc thù trường Đại học Công đoàn có số lượng sinh viên nữ nhiều hơn sinh viên nam, Đoàn trường ĐH Công đoàn quyết định tổ chức 2 hoạt động lớn là: Giải bóng đá nữ toàn trường và Hội chợ từ thiện ra mắt quỹ Vòng tay Công đoàn.

 

Trong tháng này cũng có ngày quốc tế 8/3 nên trường mình tổ chức hoạt động giải bóng đá để phù hợp với đặc thù trường và gắn với ý nghĩa của ngày Quốc tế phụ nữ. Giải đấu quy tụ 66 đội tham gia sẽ diễn ra trong vòng 2 tháng và dự định kết thúc vào dịp kỷ niệm ngày thành lập trường 15/5.

 

Còn đối với hội chợ từ thiện, bên cạnh mục đích tạo sân chơi cho SV, đây cũng là hoạt động đóng góp vào quỹ Vòng tay Công đoàn, Đoàn muốn hướng sinh viên tới những hoạt động thiện nguyện.

 

Mong rằng mỗi đoàn viên, sinh viên đều có sự chia sẻ, thấu hiểu và có tấm lòng nhân đạo sâu sắc với những người yếu thế trong xã hội, những hoàn cảnh khó khăn cần sự giúp đỡ cả về tinh thần lẫn vật chất ngoài cộng đồng.

 

Mai Châm (thực hiện)