Nữ giám đốc tuổi 18:

“Trẻ” không đồng nghĩa với “non”!

Năm 2005, Nguyễn Thị Ngọc Thúy được chương trình Khởi nghiệp của VTV3 trao 200 triệu đồng đầu tư giai đoạn 1 đề án kinh doanh Trung tâm sản xuất và kinh doanh hàng tiêu dùng tái chế khi chưa tròn 18 tuổi.

Tháng 6/2006, cô nữ sinh xứ Huế này lại “ẵm” luôn giải Nhì toàn quốc với dự án: Làm kè lọc nước bằng tre trên sông Hương, do Bộ GD-ĐT, Bộ TN-MT... tổ chức.

 

Khó mà tin ngay rằng cô bé có khuôn mặt rất Hàn Quốc này là giám đốc của Công ty Đất Việt (TP Huế), với trên 20 nhân viên, chuyên kinh doanh các mặt hàng hư hỏng, cũ, chế biến và tái chế rác trở thành sản phẩm thủ công mỹ nghệ mang phong cách độc đáo. Cô vừa tròn 18 tuổi (học sinh Trường THPT Nguyễn Huệ, TP Huế), mới dự thi đại học năm 2006.

 

Khi học lớp 9, Thúy đã từng “kinh doanh” những mặt hàng do cô tự làm như: thiệp mừng, quà lưu niệm, một số đồ dùng học tập... rồi ký gửi bán tại các cửa hàng. Thúy còn kiêm luôn “marketing” sản phẩm qua mạng. Với phương châm “năng nhặt chặt bị”, lên lớp 10, Thúy bắt tay vào kinh doanh bằng cách mua lại các đồ vật cũ sau đó tân trang và đem bán.

 

Cứ thế, ý tưởng mở một trung tâm sản xuất tái chế, đồng thời là nơi sản xuất sản phẩm thủ công đã được ra “lò”. Thúy gửi ý tưởng này tham gia sân chơi Khởi nghiệp của VTV3, và thật bất ngờ ý tượng này đã được chọn.

 

Thúy vui nhưng run, vì vẫn chưa đủ tuổi để tham gia chương trình (trên 18 tuổi), lúc đó cô mới 17 tuổi và đang học lớp 11. Đành phải “ăn gian” cho tròn 18 tuổi.

 

Giữa các “cao thủ”, giám đốc Công ty Đất Việt (giả thiết) Nguyễn Thị Ngọc Thúy đã đưa ra solgan đầy bản lĩnh: Đến với Đất Việt để biến cái không thể thành có thể, khiến hội đồng giám khảo rất chú ý. Cuối cùng đề án của Thúy đã đoạt giải Nhất.

 

Không chỉ thành công với ý tưởng kinh doanh, Thúy còn “với tay” sang làm khoa học. Với dự án Làm kè lọc nước bằng tre trên sông Hương bằng 2 nguyên liệu chính là tre và bèo tây, Thúy đã vượt qua hơn 1.000 đối thủ trên toàn quốc để đạt giải Nhì trong cuộc thi Cải thiện việc sử dụng và bảo vệ nguồn nước do các Bộ GD-ĐT, Bộ TN-MT cùng báo Khoa học & Đời sống vừa tổ chức.

 

Giữa “Thúy kinh doanh” và “Thúy khoa học”, có gì giống nhau? Cô cười rất dễ thương: “Điểm chung là đều bảo vệ môi trường và sử dụng chất liệu thô sơ để tạo nên những vật dụng tốt”.

 

Thúy khẳng định: “Theo em, trẻ không đồng nghĩa với non. Em nghĩ mình sẽ làm việc và tận dụng hết sức trẻ của mình”. Với phương châm càng thất bại phải càng quyết tâm, Thúy đã tự tạo cho mình một bản lĩnh của tuổi trẻ. Với bản lĩnh ấy, chìa khóa thành công đang ở phía trước chờ cô.

 

Theo Gia Ngọc
Tiền Phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm