Trào lưu săn lùng "kho báu" trong thùng rác độc lạ của giới trẻ Trung Quốc

PV

(Dân trí) - Tại Trung Quốc, việc nhặt lại những món đồ bị bỏ đi là kỳ quặc, đáng xấu hổ. Tuy nhiên, một số người trẻ hiện nay luôn "săn rác" để mang về tái chế và sử dụng.

Năm 2019, phong trào "săn đồ trong thùng rác" xuất hiện từ cặp vợ chồng đến từ Brooklyn (Mỹ) - chủ kênh Stooping NYC - đã thu hút nửa triệu lượt theo dõi.

Giờ đây, nó trở nên thịnh hành tại Trung Quốc. Kể từ năm 2022, các nhóm nhặt rác ở hơn 12 thành phố thành lập một nhóm trên mạng xã hội Xiaohongshu. Mỗi bài đăng có hàng triệu lượt theo dõi và số lượng người tham gia nhóm ngày càng tăng lên.

Trào lưu săn lùng kho báu trong thùng rác độc lạ của giới trẻ Trung Quốc - 1

Chợ trời hàng tháng rao bán những món đồ tái chế tại Thượng Hải, Trung Quốc (Ảnh: Sixth Tone).

Theo Sixthtone, Zhou Yuxian (27 tuổi) là một trong những người đầu tiên tham gia trào lưu "Stooping" - nhặt phế phẩm mang về sử dụng lại.

Mỗi đêm, anh luôn đạp quanh trung tâm Thượng Hải (Trung Quốc) để tìm kiếm những món đồ bỏ đi trong thùng rác. Căn hộ của Zhou chất đầy những đồ vật không dùng đến như đèn, dải ruy băng, bồn toilet...

Hầu hết người Trung Quốc coi việc dùng đồ người khác bỏ đi là kỳ quái, thậm chí đáng xấu hổ. Nhưng Zhou cho biết, thế hệ trẻ hiện nay không nghĩ vậy.

"Chúng tôi có thể mặc đồ hiệu sang trọng và nhặt rác cùng lúc. Điều đó không mâu thuẫn, thậm chí còn là thái độ hợp thời", anh nói.

Giống ở các quốc gia khác, thế hệ Millennials (những người sinh năm 1980-2000) tại Trung Quốc có ý thức về môi trường và kinh tế của họ lại hạn hẹp.

Người trẻ bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch, đẩy tỷ lệ thất nghiệp lên mức cao kỷ lục. Vài năm qua, những cửa hàng từ thiện, cổ điển trở nên phổ biến hơn ở các thành phố lớn.

"Đó là xu hướng đang phát triển. Những người thuộc thế hệ cũ thích vứt đồ đạc hơn là để người khác sử dụng. Nhưng khi trình độ học vấn tăng lên, tôi tin mọi người đang dần chấp nhận dùng đồ cũ và tái chế", Zhou chia sẻ với Sixthtone.

Trào lưu săn lùng kho báu trong thùng rác độc lạ của giới trẻ Trung Quốc - 2
Các bài đăng của Chen Jiaorong về đồ nội thất bị bỏ hoang ở Thượng Hải (Ảnh: Sixthtone).

Sự kiện khơi mào cho phong trào săn thùng rác là đợt phong tỏa dẫn đến việc nhiều người bỏ lại đồ đạc khi chuyển đi.

Chen Jiaorong - người đi đầu phong trào - cho biết, khi đi dạo quanh khu phố Thượng Hải sau khi hết lệnh phong tỏa vào tháng 6/2022, khắp các vỉa hè đều đầy rẫy đồ đạc bị bỏ đi.

"Lúc còn là sinh viên ở London (Anh), có cặp vợ chồng đã để lại vài chiếc ghế cũ trên đường, kèm dòng chữ "Miễn phí cho ngôi nhà mới". Tôi quyết định thử làm điều tương tự", cô gái 27 tuổi nói.

Kể từ đó, Chen bắt đầu chụp ảnh đồ nội thất vứt ngoài đường và đăng hình lên mạng, gắn thẻ địa điểm để mọi người biết nơi tìm từng món đồ.

Cô cũng gắn "đôi mắt" lên các món đồ để mang đến tiếng cười cho mọi người. "Không chỉ là nhặt rác, tôi muốn làm cho nó hợp thời trang và thú vị", cô cho hay.

Hiện tại, tài khoản của Chen thu hút 38.000 lượt theo dõi và hàng trăm tin nhắn mỗi ngày. Tuy nhiên, cô thường xuyên bị hỏi: "Sao lại nhặt những thứ đó? Sao bạn lại đăng những thứ bẩn thỉu lên?".

Đặc biệt, gia đình rất kinh ngạc và lo lắng trước hành động của Chen. Tuy nhiên, sự kiên trì của cô khiến mẹ thay đổi. Mẹ cô đã khuyên người cháu họ nên mua máy pha cà phê cũ để tiết kiệm.

Trào lưu săn lùng kho báu trong thùng rác độc lạ của giới trẻ Trung Quốc - 3
Cửa hàng buôn bán đồ cũ của Chen Dashu ở Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang (Ảnh: Sixthtone).

Chen Dashu (43 tuổi) ở Ninh Ba (Trung Quốc) cũng rất ấn tượng với phong trào đang phổ biến này.

"Ngày càng có nhiều người trẻ Trung Quốc mang tư tưởng sống thân thiện với môi trường và bảo tồn tài nguyên", anh nói.

Chen vốn là thành viên kỳ cựu của phong trào. Anh điều hành một cửa hàng đồ cũ ở Ninh Ba - nơi chứa cả nghìn đồ vật anh tìm thấy hoặc mua bán được. Sau nhiều năm kinh doanh, cửa hàng đã thành địa chỉ quen của những người mê đồ cổ, các nhà hàng, khách sạn hay quán cà phê muốn hoài cổ.

Đi "săn rác" rất hữu ích cho việc kinh doanh của Chen. Anh thường đến những ngôi nhà có kế hoạch phá dỡ để tìm đồ.

"Tôi nghĩ những gì không phù hợp với mình có thể là thứ người khác muốn", Chen Dashu nói. Vì thế, anh lập nhóm chia sẻ địa chỉ cho mọi người đến lấy.

Thực tế, việc đi săn rác không có nghĩa là mức sống thấp. Nhiều người trẻ hiện nay tìm thấy sự thỏa mãn khi biến những món đồ tìm được thành vật hữu ích và giúp họ chi tiêu hợp lý hơn.

Trà My