Trải qua 3 năm học chịu ảnh hưởng Covid-19, học sinh lớp 12 nhiều nuối tiếc

Đinh Phương Nhung

(Dân trí) - "Em đã không nhận ra được ba năm ngắn ngủi nhường nào. Tuy mọi xích mích đã được gỡ bỏ nhưng quãng thời gian đó đã bị bỏ lỡ", nữ sinh lớp 12 nói.

Học sinh lớp 12 năm nay chịu nhiều thiệt thòi khi phần lớn thời gian cấp 3 là học trực tuyến ở nhà. Điều này không chỉ làm ảnh hưởng tới chất lượng học tập của các bạn, mà còn tước đi phần nào những trải nghiệm chỉ tuổi học trò mới có.

Trước sự chảy trôi của thời gian, chẳng mấy chốc các sĩ tử sắp rời xa mái trường cấp 3 và tiến tới cánh cổng trường đại học. Ở thời điểm này, các bạn mới có dịp bộc bạch tâm tư giấu kín bấy lâu.

Trải qua 3 năm học chịu ảnh hưởng Covid-19, học sinh lớp 12 nhiều nuối tiếc - 1

Chuẩn bị bước sang trang mới cuộc đời, nhiều sĩ tử không khỏi lo lắng và nuối tiếc (Ảnh: NVCC)

Những mong muốn còn dang dở

Cao Minh Dương (Trường THPT Tùng Thiện, thị xã Sơn Tây, Hà Nội) bày tỏ nguyện vọng có phần "nổi loạn": "Niềm tiếc nuối của em có lẽ là không được đến trường nhiều để "quậy". Vì em là thư ký của lớp nên em luôn phải trở thành một "công dân" gương mẫu và phải nghiêm chỉnh trong tác phong hàng ngày. Giờ nghĩ lại, em muốn làm những việc như thử trốn tiết học để xuống sân chơi hay nhuộm tóc màu hồng đến trường nhưng em đã không làm điều đó". 

Khác với những chia sẻ đầy thoải mái và hài hước của Dương, Lê Diễm Quỳnh (Trường THPT Trần Phú - Hoàn Kiếm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) lại nhớ đến những điều mình đã bỏ lỡ và chưa thực hiện được trước khi ra trường.

Trải qua 3 năm học chịu ảnh hưởng Covid-19, học sinh lớp 12 nhiều nuối tiếc - 2
Diễm Quỳnh với nhiều trăn trở về quãng thời gian cấp ba (Ảnh: NVCC)

"Em đã không nhận ra ba năm cấp ba ngắn ngủi nhường nào. Có lúc bọn em học hành căng thẳng nên dễ nổi nóng và dẫn tới cãi vã. Lại thêm việc đứa nào cũng có cái tôi cao, rồi ngại mở lời xin lỗi, nên bọn em cứ thế bỏ lỡ quãng thời gian vui vẻ ngắn ngủi bên nhau. Tuy nhiên, vào những ngày cuối cùng này, mọi xích mích cũng đã được gỡ bỏ, nhưng quãng thời gian đó vẫn không thể lấy lại được", Quỳnh bày tỏ.

Chia sẻ thêm, Quỳnh cũng tiếc vì sự nhận ra muộn màng của mình và tiếc vì chưa được chạm đến hết mọi ngóc ngách của ngôi trường được mệnh danh "Paris giữa lòng Thủ đô" này: "Em tiếc vì mình còn trẻ con, chưa đủ trưởng thành trong suy nghĩ, không dám nói lời xin lỗi, lời yêu, lời cảm ơn tới bạn bè và thầy cô.

Bên cạnh đó, em cũng chưa đi hết mọi ngóc ngách trong trường, chưa được lên tháp đồng hồ, chưa được lên mái nhà và cũng chưa tìm thấy "bầu thời Trần Phú" (cách gọi người yêu học cùng trường của học sinh) của mình nữa".

Trải qua 3 năm học chịu ảnh hưởng Covid-19, học sinh lớp 12 nhiều nuối tiếc - 3

Quỳnh tiếc nuối về quãng thời gian không thể lấy lại (Ảnh: NVCC).

Những nỗi sợ không của riêng ai

Chuẩn bị bước sang một trang mới của cuộc đời, nhiều em học sinh không khỏi hoang mang, hoài nghi về năng lực của mình và cả những sự biến chuyển trong tương lai.

Phùng Dương Ngọc Diệp (Trường THPT Trần Phú - Hoàn Kiếm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ: "Điều khiến em lo lắng nhất lúc này chính là việc học tập của mình. Trong suốt 3 năm học online ở nhà, em khá chểnh mảng, lại cộng thêm tính lười nữa. Đến bây giờ em vẫn cảm thấy kiến thức của mình không vững trong môn nào để đi thi. Mỗi môn cứ đều đều nhau mà không lên được 8 điểm nên em đang rất lo".

Trải qua 3 năm học chịu ảnh hưởng Covid-19, học sinh lớp 12 nhiều nuối tiếc - 4

Việc học trực tuyến trong 3 năm khiến Quỳnh Trang chểnh mảng trong học tập (Ảnh: NVCC).

Cùng tâm trạng với Ngọc Diệp, Trịnh Quỳnh Trang (Trường THPT Sơn Tây, thị xã Sơn Tây, Hà Nội) cũng bày tỏ nỗi sợ sẽ không thể thi được vào nguyện vọng mong muốn. Bên cạnh đó, Trang cũng lo lắng về những thay đổi trong các mối quan hệ trong tương lai.

"Em sợ nhất bây giờ chính là không đỗ được vào nguyện vọng mình mong muốn. Nhưng bên cạnh đó, em cũng sợ tình cảm của em với người bạn thân của mình sẽ trở nên phai nhạt.

Em và bạn đồng ý với nhau sau này khi lên đại học thì dù thế nào cũng sẽ thuê trọ ở chung. Nhưng em vẫn sợ sau này bọn em sẽ không còn thân nữa do khác biệt về môi trường học và mỗi người cũng sẽ có những người bạn mới trong tương lai", Trang chia sẻ.

Ngoài lo lắng về sự thay đổi trong tình bạn, Trang cũng sợ rằng khi xa nhà, em sẽ không còn thân thiết với cậu em trai mới một tuổi của mình: "Em cũng sợ khi đi học xa sẽ không còn thân thiết với em trai của mình nữa vì em sẽ không thể thường xuyên ở nhà để quan tâm và chăm sóc cho em".

Khi phải đối diện với sự thay đổi lớn sắp tới, bên cạnh tâm lý căng thẳng trong quãng thời gian chạy nước rút, các em học sinh đang phải trải qua nhiều trạng thái cảm xúc khác nhau. Đó là những tiếc nuối về những điều chưa kịp làm, là sự lo lắng về những biến đổi không thể đoán trước. Mong rằng các em có thể mau chóng ổn định tâm tư, biến đó thành động lực để bước tiếp vững vàng trên chặng đường tiếp theo.