Trả giá cho làn da “lấp lánh”

Một thú chơi đang thu hút bạn trẻ TPHCM, bởi sự khác biệt nhưng không kém phần “rùng rợn”: Xăm đá. Những viên đá nhỏ lấp lánh gắn vào da thịt, không chỉ tạo độc đáo, mà còn khẳng định “đẳng cấp” sành điệu. Tuy nhiên, trào lưu làm đẹp này tiềm ẩn nhiều rủi ro về sức khỏe.

Sự quyến rũ của “lấp lánh”

 

Vài tháng gần đây, giới trẻ truyền tai nhau “mốt” đi xăm đá. Theo lời giới thiệu của Tùng “teen” (một bạn trẻ được biết đến với những hình xăm “lấp lánh” trên cơ thể), chúng tôi tìm đến tiệm xăm của anh Mai (đường Phan Xích Long, Q. Phú Nhuận).

 

Anh Mai được các bạn trẻ biết đến như là “bậc thầy” về xăm đá. Mỗi ngày, tiệm của anh đón từ 5 – 10 lượt khách, hầu hết là các bạn trẻ. Anh cho biết, vài tháng trở lại đây, tiệm của anh đông khách bất ngờ: “Sở dĩ khách tìm đến tiệm đông là do trào lưu xăm đá đang hút các bạn trẻ. Ở TP. HCM, hiện cũng không có nhiều người biết xăm loại hình này”.

 

Xăm đá bắt nguồn từ nghệ thuật xăm Vajazzling. Hình thức xăm này, ban đầu, chỉ dán tạm thời những viên ngọc hay đá lên cơ thể, có thể tiến hành xăm trong vài phút, khi không vừa ý hoặc không thích nữa thì xóa đi nhanh chóng, dễ dàng.

 

Nhưng cũng vì xăm tạm thời nên đá dễ bong ra và điều này khiến cho các bạn trẻ không hài lòng. Họ tìm cách đính đá hẳn vào da thịt để thể hiện “đẳng cấp” và sự khác biệt.

 

Xăm đá tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Xăm đá tiềm ẩn nhiều rủi ro.

 

Văn Thịnh (trường ĐH Công nghiệp TP. HCM), một khách quen của tiệm anh Mai, cho biết: “Mình rất thích những hình xăm đá mới lạ và độc đáo. Ban đầu, mình cũng chỉ xăm tạm thời nhưng vài ngày là đá rớt ra, vừa mất một hình xăm đẹp, vừa tốn tiền nên mình và mấy người bạn rủ nhau đi đính đá vào da luôn để lưu giữ được hình xăm đá “lấp lánh” lâu dài”.

 

Để chứng minh “sức hút” của hình xăm đá, Thịnh kéo áo lên, khoe một hình xăm ngay ngực và bụng. Điểm đặc biệt ở hình xăm của Thịnh đó là vị trí mắt con bọ cạp được đính một viên đá màu đỏ, quanh viền con bọ cạp được đính bằng những viên đá xanh, trông thật bắt mắt. Thịnh cho biết, người xăm phải chịu đau khoảng một tuần để nơi đính hạt đá vào lành lặn. Nếu không phải là người chịu đau giỏi thì không nên xăm kiểu này.

 

Rủi ro lớn

 

Trào lưu xăm đá trở nên “hot”, nhiều thợ xăm truyền thống bắt đầu “bao” luôn dịch vụ này. Thạch (trường ĐH Mỹ thuật TP. HCM), một bạn trẻ khá am hiểu về xăm đá, cho biết: “Trước đây, mình cũng đã từng xăm đá cho vài người nhưng đó chỉ là hình xăm tạm thời, chứ không phải xăm đính đá vào da thịt. Để làm được loại xăm này, người thực hiện phải tìm hiểu và học hỏi rất nhiều cả về thẫm mỹ lẫn y tế mới có thể làm được”.

 
Đá để xăm là đá hiếm nên chi phí cho hình xăm loại này rất đắt.
Đá để xăm là đá hiếm nên chi phí cho hình xăm loại này rất đắt.
 

Việc xăm đá lên cơ thể là một quá trình công phu. Trước tiên, người thợ xăm phải làm sạch vùng da được xăm. Điều này rất quan trọng, vì nó ảnh hưởng tới chất lượng hình xăm.

 

Tiếp theo, người thợ xăm đá dán một lớp keo sáp chuyên dụng lên vùng da đã được làm sạch, sau đó, họ sẽ tỉ mỉ dùng dao chuyên dụng tạo hình lên da và dùng ghim kẹp đính từng hạt đá vào da, theo hình dạng người xăm mong muốn.

 

Để có một hình xăm đẹp như ý muốn, các bạn trẻ phải trả chi phí khá cao. Những hình xăm được ưa chuộng hiện nay, như: Đại bàng, bướm, côn trùng, những hoa văn cổ điển… sẽ có mức giá dao động từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng.

 

Với những hình xăm lớn, như: Rồng, cá chép… thì giá lên đến hàng chục triệu đồng, vì những viên đá dùng để gắn vào hình xăm có giá trị khá lớn.

 

Theo khảo sát của chúng tôi, ở một số tiệm xăm đá tại TP. HCM, các chủ tiệm dùng các dụng cụ khá thô sơ để làm cho khách. Các dụng cụ như: Dao lam, kìm gắp, kim… được sử dụng lại khá nhiều, chỉ sát trùng qua bằng cách đun sôi hoặc nhúng cồn. Đây là nguy cơ người xăm có thể lây nhiễm các bệnh nguy hiểm, trong đó có cả HIV.

 

Theo Vinh Sơn - Thủy Nguyên

Sinh viên Việt Nam