Tổn thương mắt do nhìn màn hình quá nhiều có thể dẫn đến tử vong
(Dân trí) - Đã đến lúc bạn nên đặt điện thoại xuống.
Các nhà nghiên cứu tại Viện Buck, một tổ chức phi lợi nhuận ở California (Mỹ), chuyên điều tra các vấn đề liên quan đến lão hóa và bệnh liên quan đến tuổi tác, đã phát hiện ra rằng tổn thương mắt do sử dụng màn hình trong thời gian dài có thể dẫn đến tổn thương các cơ quan quan trọng khác và thậm chí là rút ngắn tuổi thọ.
Giáo sư Pankaj Kapahi và Brian Hodge đã công bố kết quả nghiên cứu của họ trên tạp chí khoa học Nature Communications, lưu ý về mức độ nghiêm trọng của tổn thương mắt.
"Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy nó không chỉ là mối tương quan: Rối loạn chức năng của mắt thực sự có thể dẫn đến các vấn đề ở các mô khác", giáo sư Kapahi cho biết.
Hai nhà khoa học đã nghiên cứu mô hình của ruồi giấm và phát hiện ra rằng việc tiếp xúc quá nhiều với ánh sáng trong mắt có thể phá vỡ nhịp sinh học, từ đó có thể gây ra hoặc làm trầm trọng thêm các bệnh mãn tính.
Nghiên cứu sâu hơn cho thấy những con ruồi được nuôi trong bóng tối hoàn toàn sống lâu hơn những con được nuôi trong ánh sáng; điều này báo hiệu rằng những tác động đến chu kỳ sinh học có thể có những tác động tiêu cực đến tuổi thọ.
"Phát hiện ra rằng bản thân mắt, ít nhất là ở ruồi giấm, có thể điều chỉnh trực tiếp tuổi thọ là một điều bất ngờ đối với chúng tôi," tiến sĩ Hodge cho biết. Ông lưu ý rằng mối liên hệ giữa tổn thương mắt và tuổi thọ ở ruồi giấm mạnh hơn ở người, nhưng vẫn còn là một vấn đề đáng lo ngại.
Đôi mắt liên tục tiếp xúc với thế giới bên ngoài bằng hệ thống phòng thủ miễn dịch hoạt động rất tích cực. Ánh sáng thậm chí có thể đi vào mắt khi mí mắt nhắm nghiền lúc ngủ. Tiếp xúc quá nhiều với ánh sáng có thể dẫn đến chứng viêm, khi tiếp xúc trong thời gian dài có thể gây ra hoặc làm trầm trọng thêm một loạt các bệnh mãn tính phổ biến.
Kapahi giải thích: "Nhìn chằm chằm vào màn hình máy tính và điện thoại, tiếp xúc với ô nhiễm ánh sáng vào ban đêm là những điều kiện rất đáng lo ngại đối với đồng hồ sinh học. "Nó làm rối loạn khả năng bảo vệ cho mắt và có thể gây ra những hậu quả không chỉ ảnh hưởng tầm nhìn, mà còn gây tổn hại cho phần còn lại của cơ thể và não bộ."
Mỗi tế bào trong cơ thể hoạt động theo một đồng hồ sinh học, với một nhịp điệu 24 giờ nội tại, thường chạy lâu hơn 24 giờ nhưng đặt lại mỗi ngày theo chu kỳ của mặt trời.
Đồng hồ sinh học của một người thiết lập thời gian cho nhiều chức năng quan trọng của cơ thể như chu kỳ ngủ, hoạt động nội tiết tố, nhịp điệu nhiệt độ cơ thể, ăn uống và tiêu hóa. Quá nhiều ánh sáng có thể làm gián đoạn đồng hồ sinh học của một người, dẫn đến những thay đổi trong nhiều chức năng quan trọng của cơ thể.
Những phát hiện này đặc biệt liên quan đến thời gian sử dụng thiết bị đã tăng lên đáng kể đối với nhiều người kể từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu. Các bậc phụ huynh cho biết thời gian sử dụng thiết bị của trẻ em đã tăng từ 0,75 giờ lên tới 6,5 giờ mỗi ngày do yêu cầu của trường học trực tuyến, Science Table đưa tin.
"Chúng tôi luôn nghĩ về mắt như một thứ gì đó phục vụ chúng ta, để cung cấp tầm nhìn. Chúng tôi không nghĩ về nó như một thứ phải được bảo vệ để bảo vệ toàn bộ sinh vật", tiến sĩ Kapahi lưu ý.