Chuyên gia "mách nước" cai nghiện mạng xã hội
(Dân trí) - Trước thực trạng ngày càng nhiều người bị lệ thuộc vào các ứng dụng và nền tảng mạng xã hội, chuyên gia đã chia sẻ một số cách giúp rèn luyện bản thân, bỏ điện thoại xuống, phá bỏ thói quen xấu.
Chuyên gia sức khỏe số - tiến sĩ Joanne Orlando cho biết thuật toán của những công ty như Facebook và hàng loạt ứng dụng smartphone thay đổi liên tục. Họ còn sử dụng dark pattern (tạm dịch: thiết kế đen) để "giữ chân" người dùng.
"Một ứng dụng sẽ gây nghiện nếu nội dung của nó có thể làm mới. Với một cú click chuột, những ứng dụng này sẽ đưa người dùng đến một nội dung hoàn toàn mới và bạn sẽ không bao giờ biết điều gì sắp xuất hiện tiếp theo", chuyên gia phân tích.
Chia sẻ với tờ Today, bà cho biết: "Có hàng trăm thuật toán khác nhau và các ứng dụng sẽ chọn ra cái phù hợp nhất với bạn. Đây chính là lý do khiến bạn dành trung bình khoảng 5,5 tiếng mỗi ngày để sử dụng điện thoại".
Theo bà Orlando, người trẻ thậm chí còn sử dụng điện thoại nhiều hơn mức trung bình và một phần lý do là vì những thứ họ "không đoán trước được".
"Các ứng dụng hoạt động như các doanh nghiệp, họ luôn muốn giữ bạn ở lại lâu nhất có thể. Vì vậy, bên cạnh thuật toán, họ sử dụng một thứ được gọi là "dark pattern".
"Hiểu được tâm lý người dùng luôn thích những điều bất ngờ, các ứng dụng đã tạo nên "dark pattern" dựa trên những điều không thể đoán trước. Ví dụ, bạn đăng một bài lên mạng xã hội và không nhận được lượt thích nào trong một thời gian dài. Vì thế, bạn quay lại trang cá nhân và tiếp tục kiểm tra, tự hỏi xem tại sao không ai thích bài đăng của mình.
Sau đó, đột nhiên bạn nhận được một loạt lượt thích, đây chính là "dark pattern" khiến bạn không thể đoán trước. Bạn biết rằng sớm hay muộn thì cũng sẽ có người thích bài của mình, chỉ là bạn không biết chính xác khi nào. Đây chính là một đặc điểm phổ biến của các ứng dụng, đặc biệt là ứng dụng hẹn hò", chuyên gia tiếp lời.
Để giải quyết tình trạng "giết thời gian" trên mạng xã hội mà nhiều người đang gặp phải, Orlando chia sẻ 3 điều cần lưu ý:
"Bạn cần bắt đầu bằng việc nhận thức được mình đang làm gì, đang rơi vào thuật toán nào, sử dụng điện thoại ở đâu và khi nào. Giống như việc bỏ bất kì thói quen nào, bạn hãy tự lên kế hoạch về việc mình sẽ đặt điện thoại ở đâu để nó khuất tầm nhìn trong một khoảng thời gian", chuyên gia kết lời.