Tôi đã từng... vỡ mộng

Tốt nghiệp với tấm bằng loại giỏi, luận văn tốt nghiệp 10 điểm, ngỡ rằng công việc đã nằm trong tầm tay nhưng giấc mộng chưa tròn đã vội vỡ vụn…

Từ khi bước chân vào giảng đường đại học tôi đã quyết tâm học thật giỏi để có thể tìm một công việc tốt, đúng ngành mà mình yêu thích, nhưng điều đó chỉ là cần chứ không đủ để chinh phục các nhà tuyển dụng. Cái họ cần là kinh nghiệm làm việc, mà sinh viên mới ra trường thì làm sao có kinh nghiệm?!

 

Bao nhiêu hăm hở, tự tin bỗng chốc biến thành hoang mang khi hồ sơ xin việc cứ yên vị trong tay mỗi khi đến một đơn vị nào đó với câu giới thiệu: “Em mới tốt nghiệp”. Câu: “Xin lỗi, chúng tôi cần người có kinh nghiệm” đã ám ảnh tôi trong cả giấc ngủ.

 

Nhớ những lời khuyến khích rất triển vọng của thầy cô khi đang ngồi trên giảng đường mà tôi thêm hoang mang: “Hầu hết các sinh viên ngành mình ra trường đều có việc làm trong vòng 6 tháng”, ngành này đang có nhu cầu rất cao tại các công ty, cứ học thật giỏi sẽ có việc làm vì ở đâu cũng trọng dụng người tài…”. Vâng, những lời động viên chân thành ấy có ý nghĩa rất lớn, hun đúc niềm đam mê học tập của sinh viên nhưng đồng thời nó cũng là con dao hai lưỡi có thể ảnh hưởng xấu tới niềm tin của người học khi họ đối diện với thực tế khó khăn.

 

Thử tưởng tượng mỗi năm có hàng ngàn, hàng vạn sinh viên ra trường, trong khi đó các công ty mới mọc lên không nhiều, các công ty đã đi vào ổn định thì thường không có nhiều biến động về mặt nhân sự. Tìm được một chỗ đứng trong một công ty uy tín là điều rất khó khăn, nhà trường nên cho sinh viên biết thêm về thực tế nghiệt ngã ấy để họ không quá sốc khi đi săn việc. Sau 4 năm đại học tôi cảm thấy cái gì mình cũng biết nhưng hóa ra chỉ biết sơ sơ lý thuyết chứ nếu nói đến kinh nghiệm thực tiễn thì chào thua. Thời gian thực tập nếu nói ra thì không ai bảo ai nhưng đa số sinh viên đều ngậm ngùi với bổn phận “nhân viên tạp vụ” cho đơn vị mà mình xin vào thực tập.

 

Cảm giác bị bỏ rơi bao trùm lấy đầu óc tôi. Tại sao nhà trường không hỗ trợ sâu sát cho sinh viên khi họ đã tốt nghiệp? Cái con số thống kê sinh viên khá giỏi không quan trọng bằng số sinh viên ấy có tìm được việc đúng ngành nghề không.

 

Câu nói: “Đời cua cua máy, đời cáy cáy đào” khiến tôi phải đành cam chịu với một công việc chẳng hề liên quan gì đến chuyên môn. Tôi bắt đầu học việc như một "baby" (em bé), cái gì cũng không biết, cái gì cũng phải hỏi trong khi trong tay là tấm bằng giỏi… Kinh nghiệm tham gia một buổi phỏng vấn là điều cơ bản nhất nhưng chúng tôi cũng không biết gì nhiều, rồi vô vàn những kỹ năng thực tế mà chúng tôi lại như những thầy bói mù xem voi!

 

Sau những ngày tháng dài vỡ mộng tôi cũng đã tìm được chỗ trú chân, nhưng công việc hiện tại là nghề trái ngành mà tôi đã dùi mài kinh sử. Hãy giáo dục về thực tế công việc và những kỹ năng cần thiết khi đi xin việc, thực tập… để sinh viên chúng tôi có thể tự tin vì được trang bị đầy đủ những kỹ năng cần thiết nhất khi rời giảng đường.

 

Theo Việt Khuê
Tuổi Trẻ